Muốn đòi được tiền nợ hãy học 'tuyệt chiêu' của doanh nhân Do Thái

Các doanh nhân Do Thái rất hiểu đạo lý liên quan đến việc mượn tiền nên cũng có những "tuyệt chiêu" trong việc đòi nợ.

Muon doi duoc tien no hay hoc 'tuyet chieu' cua doanh nhan Do Thai

Mượn tiền là một chuyện hết sức bình thường trong hoạt động kinh doanh. Nhưng sau khi quan hệ vay mượn được thiết lập, chủ nợ sẽ cảm thấy lo lắng, hay người mượn sẽ lo lắng? Người Do Thái đã xác định rằng: Nhất định là bên chủ.

Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế trong xã hội hiện đại. Các thương nhân Do Thái rõ ràng rất hiểu đạo lý này. Hơn nữa, họ còn có những "tuyệt chiêu" trong việc đòi nợ.

"Cửa hàng thời trang Meisai, đã mua từ cửa hàng vải Kala số vải trị giá 1.400 đô la, nhưng mãi vẫn chưa thanh toán sổ sách. Kala mấy lần cho người đến đòi tiền, phía bên Meisai đều tìm cách tránh né không gặp. Nhiều lần gởi thư đến, Meisai vẫn không trả lời. Kala cũng đành bó tay.

Bấy giờ, một người bạn Do Thái của Kala đã chỉ cho ông một kế:

"Anh cứ viết một lá thư đòi nợ gởi cho Meisai, yêu cầu ông ta nhanh chóng hoàn trả số nợ 2.000 đô la, xem ông ta phản ứng thế nào".

Thật hữu hiệu, bức thư của Kala vừa gởi đi được ba ngày đã nhận được thư trả lời của Meisai. Trong thư viết:


"Cái đầu bã đậu của anh đã xuất hiện vấn đề rồi phải không? Rõ ràng tôi chỉ nợ anh số hàng trị giá 1.400 đô la, sao anh lại có thể ngang ngược đòi tôi 2.000 đô la kia chứ. Nay tôi gửi kèm theo bức thư này 1.400 đô la. Từ nay về sau sẽ không bao giờ làm ăn với bên anh nữa. Muốn kiện ra tòa hả? Dám chắc là anh sẽ thua thôi!".

Đây là một đòn "tâm lý chiến" lấy công làm thủ. Kala vốn dĩ đang bị động, chỉ cần đối phương cứ tránh né, ông ta sẽ không có biện pháp nào lấy lại được tiền. Kiện ra tòa thì lại không đáng.

Sở dĩ Meisai cứ tìm cách tránh né không gặp, mục đích chính là trì hoãn việc trả nợ, chứ không có ý ăn quỵt đối phương. Nay số tiền nợ 1.400 đô la đột nhiên trở thành 2.000 đô la, "sự cố" ấy khiến ông ta không thể không viết thư giải thích. Nếu không, một khi thực sự kéo nhau ra tòa, ông ta phải gánh chịu hậu quả còn đau hơn nữa.

Như vậy, từ chỗ bị động, nhờ vào mưu kế "lấy độc trị độc" của người bạn Do Thái, trong phút chốc Kala đã trở thành người chiếm ưu thế. Để tránh những phiền phức lớn hơn, Meisai chỉ còn cách là nhanh chóng hoàn lại đầy đủ số tiền đã thiếu".

Thương trường là chiến trường, là biển cả đầy sóng gió. Đối mặt với tình thế khó khăn, làm sao có thể thung dung ứng phó? Đối mặt với hiểm nguy thử thách, làm sao có thể dùng cơ trí để hóa giải? Đó là những tố chất, là bản lĩnh mà một thương nhân thành công tất yếu phải trang bị cho mình.

Pha Lê

Theo Nhịp sống kinh tế/PNN