Mỹ thành thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất, "vua cá tra" Hùng Vương lại ảm đạm!

Năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD - một kỷ lục mới của ngành cá tra Việt. Theo đó, trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp (DN) cá tra niêm yết đều ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngoạn mục, ngoại trừ 2 DN liên quan đến “vua cá tra” Dương Ngọc Minh là Thủy sản Hùng Vương (mã HVG) và Agifish (mã AGF)...

my-thanh-thi-truong-tieu-thu-ca-tra-lon-nhat-vua-ca-tra-hung-vuong-lai-am-dam

Chế biến cá tra tại Vĩnh Hoàn (Ảnh: IT)

Thực tế trái ngược này khiến giới đầu tư khá bất ngờ bởi lâu nay, xuất khẩu cá tra luôn là thế mạnh của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh. Tuy nhiên, con số thực tế từ Hải Quan Việt Nam cho thấy cả 2 DN liên quan đến ông Minh đều chỉ xếp thứ 11 và 13 trong danh sách các DN xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam (tính đến 15.12.2018).

Xuất khẩu kỷ lục, “vua cá tra” lại ảm đạm!

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính từ đầu năm đến ngày 15.12.2018, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi các thị trường đạt 2,15 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu cá tra đạt hơn 111 triệu USD cho nửa đầu tháng 12 và gần 219 triệu USD cho tháng 11.2018. Ước tính toàn năm 2018, xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017 - một kỷ lục mới của ngành cá tra Việt Nam.

Trong các thị trường xuất khẩu chủ lực của cá tra Việt Nam, trong quý 4.2018, Mỹ bất ngờ vươn lên trở thành trị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam với giá trị lũy kế của kim ngạch xuất khẩu đến ngày 15.12.2018 đạt 525 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, ở thị trường Mỹ, thị phần cá da trơn của Việt Nam chiếm đến 91%, còn lại là Trung Quốc chiếm thị phần chỉ 9%.


Kế đến, chiếm vị trí thứ 2 về thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Trung Quốc mở rộng (bao gồm cả Hồng Kông), với giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến thời điểm 15.12.2018 là 505,1 triệu USD, tăng trưởng 28,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Còn thị trường chung châu Âu (EU) xếp thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt 231,3 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Với sự tăng trưởng liên tiếp ở các thị trường xuất khẩu chủ lực ngành hàng cá tra, trên thị trường chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu DN xuất khẩu cá tra cũng... “nước lên thuyền lên”. Trong đó, nổi bật là mã chứng khoán VHC (Vĩnh Hoàn) của “bà hoàng” ngành thủy sản Trương Thị Lệ Khanh, theo đó, bất chấp diễn biến không thực sự tốt của thị trường chứng khoán năm 2018, cổ phiếu VHC vẫn có một năm bứt phá ngoạn mục khi tăng gần gấp đôi lên tới 90.000 đồng/CP. Điều này hoàn toàn có thể dễ hiểu khi xuất khẩu 11 tháng năm 2018 của VHC đạt 348 triệu USD, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 11 có kim ngạch đạt 39 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ, là DN dẫn đầu trong danh sách các DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Kế đến, một cái tên khá quen thuộc là BienDong Seafood cũng là DN được lợi khi xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ. Theo thông báo kết quả sơ bộ của kỳ POR14, Biển Đông vẫn được áp dụng mức thuế cũ (0,19 USD/kg), nên kim ngạch xuất khẩu của DN này đạt gần 200 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2018.

Xếp thứ 3 trong danh sách là Công ty CP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV), theo ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Navico, năm 2018, Navico ghi nhận năm đạt doanh thu cao nhất với 4.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và tăng hơn 35% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với kế hoạch, tăng hơn 4 lần so năm trước. Trong đó, chỉ riêng quý IV Navico có thể đạt doanh thu 1.265 tỷ, lãi sau thuế 393 tỷ đồng; tăng 49% và gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là nhờ giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong khi ANV tự chủ được 100% nguồn nguyên liệu và tình hình xuất khẩu cũng đạt khoảng gần 120 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2018.

my-thanh-thi-truong-tieu-thu-ca-tra-lon-nhat-vua-ca-tra-hung-vuong-lai-am-dam

Xuất khẩu cá tra đang xác lập một kỷ lục mới năm 2018 (Ảnh: IT)

Tuy nhiên, tình hình này lại kém khả quan với “vua cá tra” Dương Ngọc Minh. Theo số liệu thống kê từ Hải Quan, hai DN liên quan đến ông Minh đều chỉ xếp thứ 11 (Thủy sản Hùng Vương, HoSE: HVG) và xếp thứ 13 (Thủy sản An Giang, HoSE: AGF) trong danh sách các DN xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam; thậm chí còn xếp sau những cái tên như IDI (thứ 4); Thủy sản Trường Giang (thứ 5); Godaco (thứ 6); Đại Thành (thứ 7); TS4 (thứ 8); YUEH CHYANG Co (thứ 9) và Hùng Cá (thứ 10)...

"Bức tranh sáng, tối” cho ngành cá tra năm 2019

Theo báo cáo nhận định thị trường từ một số công ty chứng khoán uy tín, ngành thủy sản, đặc biệt là cá tra bước sang năm 2019 có khá nhiều điểm sáng.

Cụ thể, với thị trường Mỹ, thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với cá tra trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) thấp hơn đang kể so với POR 13. Do đó, giới phân tích đánh giá khối lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019. Trong khi đó, đối với thị trường Trung Quốc mở rộng, mặc dù đã bị thị trường Mỹ lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng được đánh giá là còn ẩn chứa nhiều rủi ro.

Riêng với thị trường thị trường EU, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể sẽ được phê duyệt vào đầu năm 2019 sẽ là động lực để các DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh phát triển thị trường này, bởi lẽ, nếu EVFTA được phê duyệt, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá phi lê đông lạnh và từ mức 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá phi lê đã chế biến.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng đưa ra nhiều dự báo tối màu cho ngành cá tra năm 2019, trong đó tình trạng dư cung cá tra ở Việt Nam sẽ là rào cản phát triển của ngành cá tra.

“Nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa, kéo theo đó là giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy có thể lao dốc, qua đó làm giảm lợi nhuận cho người nông dân như đã từng xảy ra trong quá khứ. Ở tình huống ngược lại, các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ tiếp theo”, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, tình hình bất ổn chính trị ở châu Âu đang diễn ra hiện tại có thể sẽ khiến Hiệp định EVFTA bị trì hoãn, qua đó, việc cá tra nói riêng, các mặt hàng khác nói chung vào thị trường này sẽ bị trì hoãn thời gian được miễn giảm thuế.

Theo DanViet