Nếu chống được cận thị, đèn Led Kangaroo giành giải ...Nobel!

"Nếu đèn Led Kangaroo chống được cận thị thì đã giành giải ...Nobel rồi", bác sĩ Bệnh viện mắt TƯ nhận định.

 

Nếu chống được cận thị đèn Led Kangaroo giành giải Nobel

Loại đèn bàn được "thổi phồng" công dụng chống cận tại gian hàng của hãng Kangaroo

Chống được cận thị nhờ… đèn?

Tìm hiểu trên thị trường, đèn Led chống cận Kangaroo hiện có hai loại: KG731 (màu vàng đồng) và KG730 (màu bạc). Với kiểu dáng siêu mỏng, thân đèn có thể điều chỉnh hướng và độ cong, được thiết kế ba mức ánh sáng khác nhau (đèn ngủ, đèn học và đèn vẽ mỹ thuật).

Trên bao bì sản phẩm in nhiều thông tin hấp dẫn: Sản phẩm đèn Led chống cận nhập khẩu với LED Chip thương hiệu Samsung từ Hàn Quốc có độ bền 50 nghìn giờ, gấp 50 lần bóng đèn sợi đốt; Ánh sáng trắng tự nhiên, đều, liên tục không nhấp nháy, không gây hại mắt, không làm khô da, không hại niêm mạc mắt; An toàn cho người sử dụng trong nhiều giờ liên tục (8 giờ)… Đặc biệt, chức năng nổi bật của loại đèn này là chống cận thị được quảng cáo nhắc lại nhiều lần.


Không rõ có phải nhờ chức năng chống cận thị này hay không mà so với các sản phẩm đèn bàn hiện có mặt trên thị trường, đèn Led chống cận của Kangaroo có giá cao hơn khá nhiều. Cụ thể, trong khi đèn bàn Philips giá từ 329 - 370 nghìn đồng, đèn bàn Comet giá 110 - 189 nghìn đồng, đèn V-light 250 - 300 nghìn đồng…, thì đèn Led chống cận Kangaroo được bán 538 nghìn đồng (đối với KG730) và 550 nghìn đồng (đối với KG731). Như vậy, so với các loại đèn bàn thông thường, sản phẩm của Kangaroo đắt gấp 2 - 3 lần!

Tham khảo tại nhiều cửa hàng đang bán đèn Led chống cận Kangaroo, PV như bị “thôi miên” bởi những lời chào hàng “có cánh” của nhân viên. Ngoài những thông tin tiện ích, anh Thông (chủ cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng) còn khẳng định chắc nịch: “Đèn Led chống cận Kangaroo có khả năng… chống cận rất cao”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về cơ sở nghiên cứu nào chứng nhận đèn Led của Kangaroo chống được cận thị thì người bán hàng… phớt lờ.

“Chống được cận thị thì được… giải Nobel rồi!”

Vậy thực hư khả năng chống cận của đèn Led Kangaroo tới đâu để sản phẩm này được bán với giá cao hơn hẳn như vậy?

Để làm rõ sự việc, PV Báo Giao thông đã mang sản phẩm này tới gặp Ths. BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư). Ngay khi đề cập về phần công dụng chống cận thị, vị bác sỹ nhận định: “Với những đặc tính như quảng cáo, rất khó để tin khả năng chống cận thị của các loại đèn đang bán trên thị trường.

Cần phải hiểu rằng, chính quá trình chiếu sáng tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa cận thị chứ không phải là một loại đèn cụ thể nào đó có thể làm được điều này”.

Sau khi nghiên cứu những thông số sản phẩm được giới thiệu trên trang web kangaroo.vn, BS. Cương khẳng định, Kangaroo đang “phóng đại” công dụng sản phẩm đèn Led chống cận của mình bằng những thông tin mập mờ, gợi sự tò mò và khiến nhiều người tiêu dùng dễ dàng tin theo.

Có nhiều nguyên nhân gây cận thị, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do quá trình làm việc ở cự ly gần, cường độ cao, diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, cận thị còn phụ thuộc vào dinh dưỡng, di truyền, quá trình chiếu sáng.

Vì vậy, để phòng tránh cận thị, cần ăn uống đủ chất, làm việc với máy tính, sách vở không quá 5 tiếng/ngày, sau 45 phút - 1 tiếng làm việc phải nghỉ ngơi và xoa nhẹ mắt nhiều lần. Ngoài ra, nên bổ sung thêm vitamine A, C, E, vi chất dinh dưỡng…

Cụ thể, theo BS. Cương, bóng đèn loại tiết kiệm điện bình thường có khả năng sử dụng 2 - 3 nghìn giờ. Vậy mà sản phẩm đèn Led của Kangaroo quảng bá đến 50 nghìn giờ. “Làm phép tính, trung bình mỗi tối sử dụng khoảng 5 giờ, thì chiếc đèn này có khả năng sử dụng khoảng 27 năm?! Rõ ràng là quảng cáo “nổ”, BS. Cương phân tích.

Đặc biệt, ngay cả thông số biểu diễn cho năng lượng của nguồn tạo ra ánh sáng nhìn thấy - quang thông ghi trên đèn cũng sai (Lumen chứ không phải Luminous); thông tin cũng không đề cập tới cường độ chiếu sáng cụ thể là bao nhiêu đơn vị…

Từ đây, BS. Cương nhận định: “Quảng cáo này mập mờ, không rõ ràng. “Nói quá” rất nhiều chi tiết không cần thiết để “ru ngủ” khách hàng, đưa họ vào "ma trận". Những người không có kiến thức cơ bản về quang học, sinh học hoặc sức khỏe phổ thông sẽ dễ tin là thật”.

Theo BS. Cương, để khẳng định sản phẩm có tốt cho sức khỏe hay không, thì yếu tố nhóm đối chứng là cơ bản và thuyết phục nhất. Cụ thể, nghiên cứu phải dựa trên kết quả theo dõi hai nhóm đối tượng: Một nhóm người sử dụng sản phẩm, nhóm kia không dùng. Sau thời gian nhất định, nhóm dùng sản phẩm cho thấy không bị  cận, hết cận;

Ngược lại nhóm không dùng sản phẩm lại bị cận thì mới gọi là thuyết phục. Tuy nhiên, BS. Cương khẳng định, đến nay trên thế giới chưa có công trình nghiên cứu nào chỉ ra đèn Led chống được cận thị.

“Theo lý thuyết, nếu đèn có thể chiếu sáng tốt, đồng đều không sinh nhiệt thì cũng chỉ được coi là một phần của giải pháp hạn chế cận thị. Muốn chống cận thị phải cần một loạt biện pháp từ vệ sinh, ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp dù đã thực hiện tốt loạt biện pháp trên song vẫn bị cận thị bởi mang gene di truyền”, BS. Cương cho biết.

“Trên thế giới, chưa có công trình nào khẳng định chống được cận thị. Ai phát minh được thì đoạt giải Nobel rồi. Bằng chứng tại Việt Nam, khoảng 70 - 90% học sinh phổ thông bị cận thị. Những nước có nền kinh tế phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe tốt như Singapore thì cũng có khoảng 70 - 80% học sinh bị cận thị”, BS. Cương thông tin.

Theo Công Tuấn (Báo Giao thông)