Nếu cứ ồ ạt làm "du lịch tâm linh", quỹ đất sẽ cạn

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, hiện nay rất nhiều địa phương đã hoặc đang có ý định triển khai các dự án du lịch tâm linh để phục vụ người dân. Tuy nhiên, nếu tỉnh nào cũng muốn làm du lịch tâm linh thì quỹ đất dành để làm nông nghiệp, lâm nghiệp sẽ dần vơi cạn.

neu-cu-o-at-lam-du-lich-tam-linh-quy-dat-se-can

Phối cảnh dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy. Ảnh: TL

Những năm gần đây, hàng loạt dự án du lịch tâm linh đã xuất hiện ở nước ta. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc làm du lịch kết hợp tâm linh là hướng đi mới để phục vụ nhu cầu của người dân. Thực tế cho thấy, các địa phương phát triển mô hình này đã và đang tạo nên công ăn việc làm cho người dân, thậm chí rất nhiều gia đình cũng đã chuyển đổi việc trồng lúa, canh tác nông nghiệp sang các loại hình dịch vụ, mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc chuyển đổi mục dích sử dụng đất đai với diện tích lớn cũng gây nên không ít hệ lụy về sau.

Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy (xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Nếu được phê duyệt, dự án này sẽ tạo nên trục kết nối các dự án tâm linh khác chạy dài từ Ninh Bình đến vùng phía Tây và vùng Đông Bắc.

Theo nội dung tờ trình, dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016. Sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô 10.000 lượt khách/ngày, tương đương 3 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi rằng, có cần thiết để thực hiện dự án này, bởi trên thực tế các dự án tâm linh đã khá dày.

Trước đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình về việc xây dựng khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Chúng ta đều biết việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương. Ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1267 chuyển đến Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT xem xét. Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét".


Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Việc quy hoạch khu du lịch tâm linh cần một diện tích đất đai rất lớn, như vừa rồi một số nơi quy hoạch vài chục ha đến vài nghìn ha… cho nên chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng có thật sự cần thiết tiếp tục xây những khu du lịch tâm linh lớn nữa không? Vùng đồng bằng, Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên…nơi có núi, rừng đã có nhiều khu du lịch tâm linh.

Nếu tỉnh nào cũng muốn làm du lịch tâm linh thì quỹ đất còn lại sẽ rất hạn hẹp. Trong khi đó, tài nguyên đất đai là hữu hạn, quỹ đất đó chúng ta dành để trồng rừng, sản xuất nông nghiệp…nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Chính vì vậy, làm du lịch tâm linh cần phải xem xét một cách thận trọng khách quan".

Theo GiaDinh