Ngăn chặn, xử lý việc buôn bán thuốc, vaccine thú y không rõ nguồn gốc

Trước tình trạng buôn bán thuốc, vaccine thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y, thời gian qua, có tình trạng buôn bán thuốc, vaccine thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

ngan-chan-xu-ly-viec-buon-ban-thuoc-vaccine-thu-y-khong-ro-nguon-goc

Khẩn trương chấm dứt tình trạng buôn bán thuốc, vaccine thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng nêu trên, ngày 24/5/2022, Bộ NN&PTNT đã có Công văn đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Trường hợp phát hiện các lô hàng thuốc, vaccine thú y nhập lậu thì phải xử lý tiêu hủy theo quy định.

UBND các tỉnh cần tổ chức kiểm tra, thanh tra tại cơ sở buôn bán thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lấy mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự.


Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc thú y trong Danh mục cấm sử dụng, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, thuốc thú y nhập lậu đặc biệt là vắc xin thú y, sử dụng nguyên liệu kháng sinh và các vi phạm khác cần xử lý kiên quyết, triệt để theo quy định gồm: Thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết.

Đối với tổ chức, cá nhân buôn bán hàng lậu với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cần chuyển sang cơ quan điều tra, xử lý hình sự và truy tố trước pháp luật theo quy định của pháp luật.

Theo VietQ