Ngành trứng Trung Quốc: Trại nuôi dưới 10.000 gà mái sẽ bị đóng cửa

Những người nông dân sản xuất trứng gà ở Trung Quốc đang chuyển từ việc nuôi gà ở sân sau vào các trang trại chăn nuôi theo kiểu công nghiệp.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang cải cách hoạt động sản xuất nhiều sản phẩm, từ thịt heo đến sữa và rau củ, những người nông dân sản xuất trứng ở đây đang chuyển từ việc nuôi gà ở sân sau vào các trang trại chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, nơi mà các quy trình sản xuất chuẩn hóa hiện đại được dự đoán sẽ nâng cao chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. 

Đó là một bước đi quan trọng ở một đất nước mà trứng nhiễm melamine và trứng chứa dư lượng kháng sinh vốn đã nổi lên như là một trong nhiều vụ liên quan tới an toàn thực phẩm những năm gần đây. Tình hình này cũng làm gia tăng nhu cầu đối với các loại trứng gà có thương hiệu được bán với giá cao, thay vì trứng được bày bán tràn lan ở các khu chợ truyền thống. 

Ngành trứng Trung Quốc: Trại nuôi dưới 10.000 gà mái sẽ bị đóng cửa

Một nông dân Trung Quốc thu thập trứng tại một trang trại gà ở Hợp Phì, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Chuyên gia phân tích Yuan Song cho biết ngày nay, trứng gà của những nhà nông nhỏ lẻ sẽ không thể được bày bán ở siêu thị. Bên cạnh đó, những quy định mới khắt khe về việc sử dụng phân bón và động thái làm giảm ảnh hưởng của hoạt động nông nghiệp đối với môi trường cũng khiến các nhà nông nhỏ lẻ dần “bỏ cuộc chơi”. 

Phần lớn các cơ sở sản xuất trứng ở Trung Quốc hiện có từ 20.000-50.000 con gà mái, một sự thay đổi lớn so với hai năm trước. Số cơ sở nào chưa có đến 10.000 con gà mái có thể sẽ bị đóng cửa, khi chính quyền các địa phương ủng hộ các đơn vị sản xuất lớn hơn vì dễ dàng kiểm soát hơn. 


Sự thay đổi này đang thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các trang trại chăn nuôi tự động cao, như cơ sở nuôi gà trị giá 150 triệu NDT (22,60 triệu USD) ở Handan, cách Bắc Kinh khoảng 400 km về phía tây nam, thuộc sở hữu của một công ty liên doanh giữa Công ty công nghệ và khoa học nông nghiệp Huayu của Trung Quốc và Công ty Hy-Line International, mảng kinh doanh về di truyền học của EW Group. Cho ra đời 200.000 gà mái mỗi ngày, hay khoảng 60 triệu gà đẻ trứng mỗi năm, đây là cơ sở nuôi gà đẻ trứng lớn nhất thế giới. 

Các thiết bị mới nhất được nhập khẩu đã góp phần thúc đẩy sản lượng của trang trại trên. Một máy phân loại tự động, với công suất 60.000 quả trứng/giờ, sẽ phân loại trứng thành hai kích thước có thể chấp nhận được trước khi cho vào các lò ấp. Khi đã nở, gà mái con sẽ được đưa vào các máy cắt ngắn mỏ gà tự động có công suất khoảng 3.500 con/giờ. Nhờ các công đoạn được tự động hóa, nhà máy này chỉ cần 20 công nhân, thay vì 100 người như trước đây. 

Hiệu suất là một yếu tố quan trọng trong một ngành mà theo dự đoán sẽ không tăng trưởng nhiều về mặt sản lượng. Người dân Trung Quốc thuộc hàng tiêu thụ nhiều trứng nhất thế giới, khi có đến khoảng 1 tỷ quả trứng được tiêu thụ mỗi ngày trên khắp cả nước, vì vậy lượng trứng tiêu thụ sẽ không thể tăng thêm nhiều. 

Bên cạnh đó, một yếu tố chủ chốt quyết định sự thành công của các cơ sở chăn nuôi có quy mô công nghiệp là khả năng quản lý rủi ro dịch bệnh. Năm 2017, cả giá và nhu cầu trứng gà đều giảm “thê thảm” sau khi hàng trăm người thiệt mạng do mắc dịch cúm gia cầm. 

Tuy nhiên, an toàn sinh học lại là một điểm mạnh lớn của nhà máy ở Handan kể trên, với hệ thống kiểm soát môi trường và thông gió tiên tiến để đảm bảo thể trạng tốt cho vật nuôi. 

Công tác khử trùng được thực hiện ở mỗi công đoạn trong dây chuyền chăn nuôi và công nhân phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh.

Một môi trường an toàn với các tiêu chuẩn an toàn sinh học cao là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong chăn nuôi gà tại Trung Quốc.

Theo DanViet