Người đầu tiên ở Việt Nam nhiễm HIV bây giờ ra sao?

Sau 29 năm được phát hiện nhiễm HIV, hiện tại, người đầu tiên ở Việt Nam nhiễm HIV vẫn đang sống khỏe mạnh tại TP HCM nhờ tuân thủ điều trị.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng Hành động năm 2019 do Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức sáng nay (8/11).

Theo đó, người đầu tiên nhiễm HIV ở Việt Nam được ghi nhận vào cuối năm 1990, là một phụ nữ sống tại TP HCM.

Người phụ nữ này từng chia sẻ với báo chí, chị bị lây HIV từ chồng sắp cưới (người này trước đó bị nhiễm HIV vì có quan hệ tình dục với một số phụ nữ khác nhưng chị không biết). Khi đó, chị vừa tròn 30 tuổi.

4 năm sau khi biết mình có HIV, chị nhận được tin chồng sắp cưới mất vì HIV/AIDS. Từ khi phát hiện có HIV, chị được theo dõi định kỳ. Đến năm 1997, chị bắt đầu uống thuốc điều trị.

nguoi-dau-tien-o-viet-nam-nhiem-hiv-bay-gio-ra-sao

Nhiều điểm nổi bật của công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 đã được thông tin tại buổi gặp mặt. Ảnh: N.Mai

ThS.BS Võ Hải Sơn - Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) cho biết, sau 29 năm được phát hiện nhiễm HIV, hiện tại, người phụ nữ này vẫn sống khỏe mạnh tại TP HCM nhờ việc tuân thủ điều trị uống thuốc kháng virus (ARV).


Cụ thể, các xét nghiệm máu của người này cho thấy, hàm lượng của virus rất thấp, dưới ngưỡng phát triển. Kết quả đó có được là do chị dùng thuốc ARV đều đặn kết hợp tinh thần lạc quan nên đã kìm được sự phát triển virus HIV.

Theo thông tin từ Cục phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay, cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV. Đây là thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự phát triển của virus HIV. Nếu được uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị, người bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ tử vong.

nguoi-dau-tien-o-viet-nam-nhiem-hiv-bay-gio-ra-sao

ThS.BS Võ Hải Sơn - Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) thông tin tại sự kiện. Ảnh: N.Mai

Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học gần đây đã đưa ra bằng chứng rằng, một người uống thuốc kháng virus hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính. 

Trên cơ sở đó, các chuyên gia nhấn mạnh, hiện nay, nhiễm HIV không còn là "bản án tử hình" như nhiều người vẫn sợ. Người nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng thuốc kháng virus kịp thời vẫn có thể sống và cống hiến như những người khoẻ mạnh bình thường.

Để tiến tới đẩy lùi HIV/AIDS tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo, những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV nên tiến hành việc xét nghiệm sớm HIV. Với những người được chẩn đoán nhiễm HIV, cần sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng virus HIV định kỳ. Bên cạnh đó, gia đình, xã hội không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS để họ có cơ hội được hòa nhập cộng đồng.

Liên quan đến thông tin các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra chủng virus HIV mới gây suy giảm hệ miễn dịch ở người đang gây xôn xao dư luận, ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, hiện tại, Cục phòng, chống HIV/AIDS chưa nhận được thông tin chính thống về chủng virus mới. Tuy nhiên, qua một số thông tin được biết, chủng virus này thuộc nhóm M của loại virus HIV đang lưu hành.

Theo BS Sơn, đối với nhóm này, các thuốc kháng virus HIV vẫn đáp ứng tốt. Hơn nữa, trên thực tế các nhà khoa học cũng chưa có thông tin nhiều về chủng virus này. Khi có những thông tin chính thống từ Tổ chức Y tế Thế giới, Cục phòng, chống HIV/AIDS sẽ có những phát ngôn chính thức tới công chúng để tránh gây hoang mang.

Theo GiaDinh