Nhà giàu Trung Quốc bắt đầu mua sắm hàng xa xỉ second

Trung Quốc sản xuất và tiêu thụ hàng thời trang nhiều nhất thế giới, nhưng đáng ngạc nhiên là thị trường hàng second-hand nước này chưa bùng nổ như các nước phương Tây.​

Theo CNN, các nền tảng mua bán, trao đổi hàng thời trang đã qua sử dụng như The RealReal, ThredUp và Depop gặt hái nhiều thành công ở các quốc gia phương Tây, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu chất thải carbon.

Báo cáo thường niên "Tình trạng của thời trang" năm 2019 của McKinsey dự đoán thời kỳ "chấm dứt quyền sở hữu", bởi người tiêu dùng toàn cầu muốn giảm chi tiêu và dần từ bỏ "quyền sở hữu vĩnh viễn" với quần áo và các mặt hàng thời trang. Giới trẻ vẫn tìm kiếm những thứ mới mẻ, nhưng cũng quan tâm đến sự bền vững.

Dịch vụ cho thuê và bán quần áo đã qua sử dụng bùng nổ mạnh mẽ, giúp khách hàng đa dạng hóa tủ đồ. Các công ty xa xỉ danh tiếng cũng muốn ăn một phần của miếng bánh. Tập đoàn Richemont mua lại một số nền tảng để kiểm soát thị trường buôn bán hàng second-hand.

nha-giau-trung-quoc-bat-dau-mua-sam-hang-xa-xi-second

Túi Louis Vuitton được đặt trên kệ trong phòng phát trực tiếp ở Ponhu Luxury, một trong những nền tảng buôn bán hàng thời trang cao cấp đã qua sử dụng tại Trung Quốc. Ảnh: Getty.

 Ngại sử dụng đồ cũ

Tuy nhiên, nhu cầu hàng second-hand tại Trung Quốc vẫn rất yếu ớt. Thị trường hàng second-hand tại Trung Quốc rất manh mún, một phần do người tiêu dùng sợ hàng giả, thói quen mua đồ mới và đặc biệt là tâm lý ngại sử dụng đồ cũ.

"Đó là vấn đề địa vị", CNN dẫn lời Xie Xinyan - KOL thời trang có hơn 1 triệu người theo dõi trên Weibo - nhận định. Xie, 24 tuổi, cho biết rất khó tìm thấy cửa hàng giá rẻ ở Trung Quốc. Dù vậy, các cửa hàng cao cấp tự quảng bá là "vintage" xuất hiện khá nhiều trong 7-8 năm qua.


"Ở mọi thành phố lớn tại Trung Quốc thường có ít nhất 1-2 cửa hàng vintage", cô nói. Theo Xie, hiện tượng này bắt nguồn từ việc khách hàng Trung Quốc dẫn quan tâm đến văn hóa vintage Nhật Bản.

Trước đây, nhiều người dân Trung Quốc kỵ mặc quần áo second-hand vì sợ chủ cũ có thể đã chết. Dù vậy, hiện đa phần quan ngại hơn về “điều kiện vệ sinh” của món đồ. "Cha mẹ tôi luôn phàn nàn việc tôi mua đồ vintage, vì giá không rẻ mà họ lại lo đồ không sạch", Xie kể.

Khó có thể tính toán tác động của thời trang tới môi trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều nhất trong ngành công nghiệp tiêu tốn 20% lượng nước ngoài cầu và xả 10% lượng khí thải. Do đó, có thể kết luận nhu cầu tiêu thụ hàng thời trang ở Trung Quốc để lại hậu quả môi trường lớn.

nha-giau-trung-quoc-bat-dau-mua-sam-hang-xa-xi-second

Nghệ nhân xác thực món đồ xa xỉ. Ảnh: Zhi Er.

Dù vậy, không phải mọi thứ bị vứt bỏ ra bãi rác. Năm 2018, Trung Quốc vươn lên đứng thứ tư trong số các nước xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng. Phần lớn trong tổng số 311 triệu USD hàng xuất khẩu được chuyển đến châu Phi. Từ đó, chúng có thể được tiêu thụ hoặc mang đi bán ở nơi khác.

Kenya tiêu thụ 20% lượng hàng may mặc đã qua sử dụng của Trung Quốc, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc nhập khẩu chưa đến 2 triệu USD quần áo second-hand từ Mỹ, Hàn Quốc và các nước phát triển khác.

Một số startup và tập đoàn công nghệ bắt đầu quan tâm đến thị trường hàng thời trang second-hand. Năm ngoái, các giao dịch đồ đã qua sử dụng (mọi thứ từ đồ điện tử đến quần áo) trên nền tảng Idle Fish của Alibaba đạt 100 tỷ NDT( 14 tỷ USD ). Một số nền tảng như Plum và Secoo tập trung vào hàng thời trang second-hand. Ứng dụng Douyi - rao bán đồ cũ qua livestreaming - cũng gây chú ý.

Thị trường mới phát triển

Thị trường thời trang second-hand ở Trung Quốc mới ở giai đoạn phôi thai. Báo cáo năm 2019 của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) dự đoán giao dịch hàng second-hand sẽ chiếm 9% tổng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu vào năm 2021, nhưng chỉ khoảng 2% tổng giao dịch hàng xa xỉ ở Trung Quốc.

Doanh nhân Austin Zhu, đồng sáng lập nền tảng ký gửi Zhi Er - cho biết: "Các thương hiệu Italy phổ biến nhất trên nền tảng của chúng tôi, sau đó là thương hiệu Mỹ như Coach và Michael Kors”. Nền tảng này thu phí 15% tổng giá trị mỗi giao dịch.

Việc xác minh nguồn gốc sản phẩm là thách thức lớn nhất đối với các nền tảng giao dịch hàng second-hand tại Trung Quốc, bởi đây là quốc gia sản xuất hàng fake lớn nhất thế giới. Năm 2016, Yishepai ​​ước tính 40% hàng cao cấp được hãng thẩm định là đồ giả.

Trên Zhi Er, quần áo chỉ chiếm 15% tổng số giao dịch, phần còn lại là túi xách và phụ kiện. Theo BCG, quần áo chỉ chiếm 9% tổng số giao dịch đồ xa xỉ đã qua sử dụng ở Trung Quốc vào năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức 20% ở Pháp, Đức và 17% ở Mỹ.

Tại Trung Quốc, thế hệ sinh cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 là khách hàng chủ yếu của các thương hiệu xa xỉ. Liu Mengyuan, người sáng lập nền tảng cho thuê YCloset, cho biết ngành cho thuê hàng thời trang đang thu hút nhiều khách hàng trẻ. Hiện YCloset có 15 triệu người dùng.

nha-giau-trung-quoc-bat-dau-mua-sam-hang-xa-xi-second

Nhân viên YCloset làm sạch sản phẩm trước khi niêm yết và giao cho khách hàng thuê. Ảnh: YCloset.

Doanh nhân Liu cho biết dịch vụ cho thuê đồ giúp giảm lượng tiêu thụ đồ mới cũng như lượng nước sử dụng để giặt đồ. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường chưa bao giờ là mối quan tâm của các khách hàng Trung Quốc. "Khách hàng muốn tủ quần áo trở nên đa dạng, hạn chế rắc rối khi đóng gói đồ và giải phóng không gian tủ quần áo cá nhân”, Liu giải thích.

Trong khi đó, ở các nước phương Tây, thị trường mua bán và cho thuê đồ cũ phát triển do lo ngại về vấn đề môi trường. Nghiên cứu của Vestiaire Collective cho thấy hơn 70% khách hàng phương Tây muốn “mua sắm nhân văn hơn” và 57% ưu tiên vấn đề môi trường.

Theo doanh nhân Zhu, khách hàng Trung Quốc mua đồ second-hand còn vì giá rẻ. Các mặt hàng second-hand thường có giá rẻ hơn 10-30% so với giá gốc. Doanh nhân Zhu cũng tin rằng dịch Covid-19 khiến thị trường này phát triển hơn vì khả năng chi tiêu người dân giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Theo Zing