Nhân ngày 8/3: Bất hạnh là tài sản của phụ nữ

Bất hạnh là một tài sản “thừa kế“ của nỗi đau, sự phản bội, sự bất bình đằng, nghèo khó... mà không ít chị em bất đắc dĩ phải nhận. Nhưng nó cũng là động lực để phụ nữ cố gắng vươn lên...

Chị Minh vốn chỉ là một phụ nữ bình thường, học hết cấp 3 rồi ở nhà lấy chồng, làm nông dân, đến chợ phiên thì làm mẹt hàng xén ra bán, kiếm đồng tiêu vặt. Nhưng chị cũng không thấy vất vả mà chỉ hy vọng cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn, còn cuộc đời mình chỉ quanh quẩn xó nhà, góc quê vậy thôi. 

Ấy vậy mà họp lớp cấp 3 sau 20 năm ra trường, bạn bè trố mắt nhìn chị ăn mặc sành điệu, lái ô tô tiền tỷ. Mọi người đều khen chị tài giỏi, tháo vát, thông minh. Chị chỉ cười nhạt: "Giỏi gì đâu, cùng đường phải cố". 

nhan-ngay-8-3-bat-hanh-la-tai-san-cua-phu-nu

Hầu hết phụ nữ đều mong muốn sống cuộc đời bình lặng, được yêu thương, chăm sóc. Ảnh minh họa

Ai biết chuyện của chị thì đều hiểu. Chồng chị là một công nhân làng nhàng, thu nhập chỉ đủ anh ta tiêu đường tiêu chợ, còn cuộc sống trong nhà của bố mẹ chồng, 2 vợ chồng, 2 em chồng, 2 đứa con đều chờ vào mấy sào ruộng chị còng lưng cấy hái và mẹt hàng xén của chị. Con út mới 3 tuổi, chồng chị theo bạn vào tận miền Nam để lập nghiệp. Chị vò võ chăm sóc bố mẹ chồng ốm đau, nuôi 2 con khôn lớn.

Bất ngờ, 3 năm sau, chồng chị về nhà, mang theo một phụ nữ sồn sồn, vàng treo đầy người, bụng chửa vượt mặt. Chồng chị tuyên bố: "Đây là tình yêu của anh ta" và yêu cầu chị ly hôn. Chị khóc nháo la trời than đất nhưng anh ta không lay chuyển. Bố mẹ chồng chị thấy người tình của con trai giàu có, hứa hẹn xây nhà to, phụng dưỡng bố mẹ nên cũng xuôi tai.


Chị đành ly hôn, nhà đất của bố mẹ chồng, tiền chị kiếm được đã bỏ ra nuôi cả nhà hết. Cũng may, chồng chị chê 2 đứa con gái nên khi chị muốn nuôi cả 2, chồng chỉ "nhường" cả. Chị chỉ có 1 triệu đồng dắt lưng, không nơi để về vì bố mẹ chị cũng đang "ở nhờ" con trai. 

Chị ôm cả hai con lên Hà Nội, thuê 1 "túp lều" 7m2 cho cả 3 mẹ con. Rồi chị kiếm gành hàng, sáng đi bán trứng vịt lộn, ngày đi thu mua đồng nát, tối về lại bán ngô nướng, khoai nướng, trà đá. Một ngày chị phơi mặt ra đường 18-20h để kiếm tiền nuôi 3 mẹ con. Sau một thời gian, kiếm được chút vốn, chị lại có bạn bè rủ rê nên sang tận Trung Quốc mua quần áo, đồ gia dụng về bán. 

Để tiện liên hệ bạn hàng, chị ngày đêm học tiếng Trung, rồi lại học sử dụng máy tính, hiểu về bán hàng online. Giờ chị nói tiếng Trung thành thạo, buôn bán online nhoay nhoáy. Chị có tiền mua nhà, mua ô tô. "Ngày xưa, bán mẹt hàng kiếm 1-200 nghìn đã thấy mình nỗ lực lắm rồi. Giờ kiếm 1-200 triệu một tháng cũng thấy phục mình quá. Nếu không bị hoàn cảnh dồn ép, bị phản bội đau đớn, nghèo hèn đuổi tận cùng thì mình cũng không biết mình giỏi thế. Có lẽ phải cảm ơn chồng đã phản bội cũng nên" - chị Minh cười mà ánh mắt chua xót. 

Còn chị Huyền từng bị chồng đánh thừa sống thiếu chết, cả ngày cúi gằm mặt sống nhịn nhục cũng không thể ngờ được một ngày mình lại lãnh đạo hàng chục người, có tiền tỷ gửi ngân hàng. Chị vốn chỉ mong muốn sống cuộc đời giản dị ở vùng quê nghèo, cùng chồng tần tảo kiếm đủ cơm ăn, sinh được vài đứa con bụ bẫm, ngoan ngoãn. 

nhan-ngay-8-3-bat-hanh-la-tai-san-cua-phu-nu

Nhưng khi bị dồn ép họ lại phát hiện ra mình có nhiều năng lực vượt trội

Khi yêu, chị biết người yêu nóng tính nhưng cứ nghĩ chỉ cần mình nhịn là mọi sự sẽ êm. Nhưng chỉ sau khi cưới vài tháng, chồng chị hiện nguyên hình là kẻ cục súc, gia trưởng lại ghen tuông vô lối. Chỉ cần nhìn thấy chị nói chuyện với đàn ông, dù già hay trẻ là anh ta cũng có cớ đấm đạp chị, mắng chửi chị "lăng loàn, đĩ thõa". Chị đã định bỏ đi thì phát hiện mình mang thai. 

Ngay cả thời gian mang thai, chị vẫn bị chồng đánh đập, ép buộc quan hệ tình dục đến mức suýt sinh non. Chị cắn răng nuôi con trong sự mắng chửi và đánh đập vô lối của chồng. Có những giai đoạn dài, chị Huyền đã sống trong sự tự trách chính mình, cảm thấy mình ngu ngốc, vô tích sự, đáng bị chồng đánh mắng.

Chồng chị không cho chị tránh thai nên con mới 2 tuổi, chị lại mang thai, lại sinh. Cả 3 mẹ con không được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, sức khỏe èo uột, quặt quẹo. Khi nhớ lại, chị cũng không hiểu vì sao 2 đứa con của chị có thể sống sót qua những ngày tháng ấy. 

Chị tiếp tục sống lầm lũi trong tiếng mắng chửi và đòn roi của chồng cho đến khi trong một lần say rượu, con chị thấy bố về đã chạy ra ôm chân bố và bị anh ta đá vào góc tường ngất xỉu. Chị bế đứa con mềm oặt trong tay đã gào thét như điên cuồng. Rất may, đứa con của chị lại qua được. 

Và khi ôm con trong bệnh viện, chị Huyền đã lấy được dũng khí để bỏ chạy khỏi cuộc hôn nhân đầy bạo lực. Rất may gia đình và bạn bè đã không bỏ rơi chị. Nhưng để có tiền nuôi con, chị đã không nề hà vất vả, bẩn thỉu làm nghề chăm người ốm trong bệnh viện. 

Cơ duyên khiến chị gặp được một người bệnh vốn là một đại gia trồng nấm. Bà khuyên chị nên về quê mở cơ sở sản xuất nấm, bà cấp vốn và thu mua nấm cho chị. Và sau 10 năm, giờ chị Huyền đã có cơ sở sản xuất hơn 20 nhân viên, có tiền tỷ trong tay. Thi thoảng chị còn đi nói chuyện với chị em bất hạnh về cuộc đời và nỗ lực vươn lên của mình.

Không ai có thể tưởng tượng được người phụ nữ rạng rỡ, tự tin hôm nay là cô Huyền suốt ngày cắm mặt xuống đất, sống ngốc nghếch, buồn bã ngày xưa. "Tôi từng bất hạnh, nhưng bất hạnh đã cho tôi được sự mạnh mẽ như ngày hôm nay" - chị Huyền tâm sự. 

Đằng sau câu chuyện của một phụ nữ tự lập, kiên cường, giỏi giang thường có những nỗi mất mát, đắng cay, bị phản bội, nghèo khổ, tay trắng. Họ vốn muốn sống cuộc đời bình bình, lặng lặng, an nhàn, làm người vợ hiền, người phụ nữ hạnh phúc.

Họ không từng nghĩ đến mình có tài giỏi hay dũng khí làm bà chủ, làm người quyết đoán về kinh tế, lập nên sự nghiệp lớn. Nhưng hoàn cảnh đã đẩy họ đến bước đường: "không làm thì đói", "không vươn lên thì nhục". 

Chẳng ngoa khi cho rằng: "Bất hạnh là một tài sản của phụ nữ". Tài sản này chị em chẳng mong muốn mà bị ép nhận. Tài sản được "thừa kế" bất đắc dĩ từ đau thương, mất mát. Nhưng nhờ có tài sản này mà nhiều chị em đã có đủ dũng khí, đủ quyết tâm để liều lĩnh tiến lên và đạt được những thành tựu có giá trị, sống đầy đủ về vật chất, tự tin về tinh thần. 

Theo DanViet