Những nghề trả chi phí cao vẫn hiếm người làm sau Tết

Với tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn tồn tại, nhiều lao động tự do vẫn chưa quay trở lại công việc. Do đó, dù khách hàng chịu trả phí cao gấp nhiều lần vẫn khó khăn khi đi tìm người giúp việc hay gọi shipper sau Tết.

 Dù phải trả chi phí cao gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường nhưng nhiều chủ cửa hàng vẫn khó khăn khi gọi shipper. Ảnh: K.O

Dù phải trả chi phí cao gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường nhưng nhiều chủ cửa hàng vẫn khó khăn khi gọi shipper. Ảnh: K.O

Trả phí cao gấp 3 lần vẫn khó gọi shipper

Trước và sau Tết Nguyên đán vẫn luôn là khoảng thời gian khó khăn đối với các cửa hàng kinh doanh khi gọi shipper. Nhiều cửa hàng đã chấp nhận trả với chi phí cao gấp 2 thậm chí gấp 3 lần nhưng vẫn mỏi mắt đi tìm shipper.

Ra Tết, cửa hàng quần áo của chị Lệ Thu (Q.Ba Đình) mở một đợt giảm giá mạnh để xả hàng cũ, chuẩn bị nhập lô hàng mới. Chưa kịp vui mừng khi lượng khách hàng đặt mua tăng mạnh thì chị Thu đã phải đau đầu đi tìm shipper. Cả ngày hôm nay, chị liên tục đăng thông tin trên trang mạng tìm shipper nhưng số lượng người nhận rất thấp. Nhiều đơn hàng, chị đăng đi đăng lại tới ba bốn lần nhưng không có một shipper nào nhận lời.

“Ngày thường mình chỉ vừa đăng lên thì đã có 3, 4 shipper nhảy vào nhận nhưng dịp này thì im như thóc, trong khi mức phí mình đưa ra cao gấp 2, 3 lần so với ngày thường. Ngày thường những đơn hàng trong nội thành Hà Nội mình thường chỉ trả 20.000 – 30.000 đồng nhưng những ngày trước và sau Tết mình trả lên đến 50.000 – 60.000 đồng nhưng vẫn khan shipper” chị Thu cho biết.

Cùng cảnh ngộ như chị Thu, anh Nguyễn Tuấn Hùng (chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Cầu Giấy) cũng đang gặp rắc rối với hàng chục đơn hàng không có người chuyển đi. Nhiều lúc không gọi được shipper, anh Hùng phải tự lái xe đi ship hàng.


“Trước kia cửa hàng của mình có một chú xe ôm quen nhưng đợt Tết này chú ý về quê ăn Tết rồi bận hội hè nên vẫn chưa lên. Mình đã lên các trang mạng để tìm shipper nhưng chỉ những đơn hàng gần gần, phí cao họ mới nhận. Có những lúc tồn lại cả chục đơn nên mình đành tự vác xe đi giao hàng” anh Hùng cho hay. Bất đắc dĩ phải làm shipper được 2 ngày, anh Hùng cũng thấy mệt phờ vì phải lượn lờ phố xá cả ngày rồi thêm những lúc tắc đường, lúc phải chờ đợi khiến anh càng thêm chán nản.

Theo anh Hùng, lý do “cháy shipper” là do thời điểm đầu năm, các chủ cửa hàng đồng loạt giảm giá, nhu cầu mua hàng tăng cao, các shipper làm không hết việc. Trong khi shipper chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên, thời gian nghỉ Tết dài, nhiều người còn chưa bắt đầu công việc.

Theo anh Hoàng Dũng - một shipper chuyên nghiệp cho hay, bình thường lực lượng shipper hùng hậu nhất thường là các bạn sinh viên tranh thủ làm thêm, nay các bạn còn chưa lên thành phố nên số lượng shipper cũng giảm xuống đáng kể. Rồi một số shipper cũng có tâm lý xả hơi dịp đầu năm vì cuối năm họ đã vắt sức để làm, nên xảy ra tình trạng khan hiếm shipper trong dịp này.

Đau đầu tìm giúp việc ngày đầu năm

 Tình trạng khan hiến lao động giúp việc sau dịp Tết vẫn thường xuyên lặp lại vài năm gần đây.

Tình trạng khan hiến lao động giúp việc sau dịp Tết vẫn thường xuyên lặp lại vài năm gần đây.

Không chỉ có nghề shipper, sau Tết, nghề giúp việc cũng luôn trong tình trạng khan lao động. Bởi lẽ, lao động giúp việc gia đình chủ yếu từ các miền quê lên thành phố, đầu năm cũng là mùa lễ hội, mùa cấy hái, nên nhiều người muốn ở hết tháng Giêng để làm xong việc nhà nông, gặp gỡ gia đình, họ hàng, đi hội hè rồi mới trở lại công việc.

Những ngày này gia đình của chị Nguyễn Thu Ngà (Hà Đông, Hà Nội) đang loay hoay đi tìm người giúp việc khi người giúp việc cũ xin nghỉ. “Nhà cô giúp việc cũ sống ở vùng chùa Hương, mùa này là mùa lễ hội nên cô xin nghỉ để ở nhà buôn bán.

Trước Tết, biết được thông tin như vậy nên tôi cũng đã hứa sẽ tăng lương và thưởng thêm để cô ra làm đúng ngày nhưng ra Tết cô vẫn gọi điện xin nghỉ để ở nhà kinh doanh. Công việc nhà không có gì nhiều, chủ yếu là đưa đón bé nhà tôi đi học, dọn dẹp nhà cửa nhưng công việc của vợ chồng tôi khá bận rộn nên không có giúp việc là mọi thứ cứ rối tung lên”.

Vậy là mấy ngày nay, chị Ngà phải nhờ người quen giới thiệu cũng như tìm kiếm trên các trang mạng. Để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu phiền hà, chị Ngà chấp nhận mất phí trung gian ra thẳng trung tâm môi giới việc làm để tìm người giúp việc thế chỗ. Nhưng đến mấy trung tâm, chị vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Cùng cảnh ngộ, chị Nhã Thu Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng “toát mồ hôi” để sắp xếp lại mọi việc khi vắng người giúp việc. Thường xuyên tan làm muộn, nhà lại có con nhỏ nên mỗi ngày chị Hương đều phải nhờ xe ôm quen đón con từ trường đến công ty. Việc dọn dẹp nhà cửa chị đành chấp nhận thuê giúp việc theo giờ với mức giá cao hơn nhiều.

“Không có giúp việc mọi thứ trong nhà cứ rối tung lên. Nguyên nhân cũng chỉ vì cô giúp việc trước kia cho nhà tôi xin nghỉ vì nghe nói có chỗ nào đó trả lương hậu hĩnh hơn. Trong khi công việc ở nhà tôi cũng không có nhiều mà tôi cũng đã phải trả với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Giúp việc thời nay nhiều người cũng chảnh lắm”, chị Hương tâm sự

Thực tế, không chỉ sau Tết mà trong năm cũng không dễ tìm người giúp việc nhà. Lao động giúp việc nhà thường được săn đón mời về làm với mức lương hậu hĩnh hơn, nên dễ “nhảy việc”. Một số người thì vẫn còn quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên họ phải đi hội hè, gặp gỡ bạn bè rồi mới quay trở lại công việc. Bởi lẽ đó nên ngay cả tại những trung tâm môi giới cũng “khan” nguồn người giúp việc.

Theo chị Nguyễn Trà Ly, nhân viên tại một công ty giới thiệu việc làm cho biết mỗi ngày công ty chị có đến hơn trăm khách hàng đến tìm người giúp việc gia đình nhưng công ty không thể phục vụ hết. “Do mới nghỉ Tết xong, lao động đến tìm việc không nhiều.

Trước Tết, chúng tôi cũng có một số lao động đến đăng ký giúp việc nhưng đều có người thuê ngay vì lĩnh vực này nhu cầu của khách rất cao, trong khi nguồn cung lại quá ít. Nhiều năm nay, tình trạng khan hiếm lao động giúp việc sau dịp Tết vẫn thường xuyên lặp lại vì nhiều lý do”.

Chị Ly cũng cho biết thêm, hiện nay mức lương dành cho giúp việc ở lại gia đình trung bình từ khoảng 4,5 – 6 triệu đồng/ tháng, tùy theo tính chất công việc. Sau Tết, nhiều gia đình sẵn sàng chấp nhận trả chi phí cao hơn nhưng vẫn gặp khó khăn khi tìm giúp việc do cầu vượt cung. Sau Tết, nhiều gia đình phải “chữa cháy” bằng cách thuê giúp việc theo giờ.

Kim Oanh

Theo GiaDinh