Những nguy cơ khi sử dụng thiết bị vệ sinh kém chất lượng

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang vừa tịch thu hơn 300 sản phẩm hàng hóa là thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Tuyên Quang cho biết, mới đây Đội QLTT số 5  phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, thu giữ lô hàng gồm các thiết bị vệ sinh trị giá gần 30 triệu đồng của một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện gia dụng, vật tư ngành nước trên địa bàn huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang).

nhung-nguy-co-khi-su-dung-thiet-bi-ve-sinh-kem-chat-luong

Lượng lớn thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Tuyên Quang 

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, lô hàng gồm hơn 300 thiết bị vệ sinh là vòi rửa bát, vòi gật gù, bộ vòi sen… đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Chủ cơ sở khai nhận do hám lợi nên mua số hàng hóa trên của một người không rõ lai lịch đi xe tải (không rõ biển kiểm soát). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Cũng theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng đã phát hiện, tịch thu hơn 3.000 sản phẩm là thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, vào tháng 4 và đầu tháng 6, Cục đã tiêu hủy hơn 2.700 vòi sen inox các loại do không rõ nguồn gốc và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.


Qua vụ việc trên lực lượng chức năng cho biết, nếu không tìm hiểu rõ thông tin về các sản phẩm thiết bị vệ sinh có lẽ người tiêu dùng đang phải sử dụng sản phẩm kém chất lượng. Điều này rất có thể ẩn chứa những nguy cơ gây hại đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Đặc điểm của các thiết bị vệ sinh gia đình là loại sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống cơ bản, có tần suất sử dụng liên tục và thường được các gia đình trang bị với mục đích dài hạn. Với tâm lý đó, người tiêu dùng thường không ngại chi tiền khi tiến hành sắm sửa. Tuy nhiên, rất ít người có thể chắc chắn rằng, thiết bị họ đang sử dụng hàng ngày liệu có thật sự là hàng chính hãng hay không.

Thực tế không ít người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng của các thiết bị vệ sinh gia đình. Bồn rửa mặt, bồn tắm với lớp men kém sau một thời gian thường bị ố vàng, loang lổ rất nhanh.

Tại các vị trí như gờ bệ, nắp thoát nước, hiện tượng đóng cặn bẩn màu đen rất khó vệ sinh, kể cả khi sử dụng các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng. Vòi nước thì tậm tịt khó sử dụng, nước chảy ra từ vòi thường có mùi hôi hoặc bị vẩn đục.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thiết bị vệ sinh, đây là các dấu hiệu cho thấy gia đình đã mua và đang sử dụng các sản phẩm kém chất lượng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi phát hiện các thiết bị vệ sinh giả trong gia đình, cần lập tức ngưng sử dụng và tiến hành thay thế ngay bằng các sản phẩm chính hãng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thành viên trong nhà. Vì các sản phẩm làm giả thường chứa lượng lớn các kim loại nặng có khả năng hòa tan vào trong nước, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Khi mua sản phẩm nên chú ý đến các linh kiện kèm theo xem có đồng bộ, đúng hãng sản xuất của các thiết bị vệ sinh mà mình đã mua không, tránh trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Việc sử dụng linh kiện không chính hãng không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của sản phẩm mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình vì thế nên tìm hiểu thông tin trước khi mua để tránh gặp phải những rắc rối trong quá trình sử dụng.

Theo VietQ