Những vật dụng dễ gây cháy nổ mùa nóng nếu để trên ô tô.

Đồ uống, mỹ phẩm, thuốc...là những vật dụng tưởng chừng an toàn khi để trên ô tô tuy nhiên thực tế đây lại là 'thủ phạm' dễ gây cháy nhất khi vào mùa nắng nóng.

Thực tế, không cần phải gặp rủi ro tai nạn hay bị đốt, những chiếc ô tô với đặc thù sử dụng xăng và chứa tỉ lệ lớn các vật liệu dễ cháy luôn đối mặt với nguy cơ cháy trong vận hành hằng ngày.

Những chiếc xe có nhiều lý do dẫn tới bị cháy, nhưng rủi ro lớn nhất là hệ thống điện. Thường gặp hơn cả là việc quạt làm mát phía trước bị mắc kẹt (do ngập nước, bụi bẩn…) gây quá tải dòng. Chổi than cổ góp mô tơ quạt bị ăn mòn theo thời gian nếu không được bảo dưỡng có thể khiến muội than bám vào các cuộn điện, dẫn tới tăng điện trở. Cả hai trường hợp đều sẽ sinh nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ bốc cháy.

Các trường hợp cháy cục bộ chủ yếu là do ô tô bị can thiệp vào hệ thống điện một cách thiếu tính toán (thường là do chủ xe lắp thêm đèn đóm, camera lùi; độ loa đài và các tiện ích nội thất ô tô), dẫn tới đoản mạch hoặc quá tải, gây cháy. Thêm nữa, thợ trực tiếp thi công thiếu kinh nghiệm, sử dụng linh kiện không tốt, chạy dây qua các khu vực nhạy cảm, ráp ẩu các mối nối điện…cũng đều tạo ra nguy cơ cháy tiềm ẩn.

Rủi ro cao sẽ xuất hiện nếu các tia lửa hay nguồn nhiệt nói trên gặp vật liệu dễ cháy (như vải, cao su, nhựa) hoặc kết hợp với hơi xăng tích tụ trong khoang máy (có thể do đường ống nhiên liệu hoặc các mối nối bị rò rỉ).

Bên trong khoang động cơ, một số bộ phận đánh lửa như cao áp, dây cao áp vì lý do nào đó bị “lộ thiên” (có thể do côn trùng, chuột bọ gặm nhấm), hoặc chập điện ở hộp cầu chì, quạt gió, đều có thể trở thành nguồn lửa gây cháy xe.

Và không ít trường hợp xe ô tô phát nổ do những vật dụng trong xe. Nhiệt độ thời tiết tăng cao kết hợp sự tỏa nhiệt từ mặt đất khiến xe ô tô bị hút nhiệt, nhiệt độ trong xe có thể lên đến trên 60 độ C sau 4 tiếng. 


Bật lửa

Đối với lái xe có thói quen hút thuốc thì bật lửa là một trong những vật bất ly thân bên người. Khi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào và gặp nhiệt độ cao trong xe, khí gas trong bật lửa giãn nở, rất dễ bốc cháy. Hậu quả làm cháy da ghế hoặc vỡ kính. Vì thế nếu hút thuốc, hãy mang bật lửa bên mình, không nên để trên xe.

Mỹ phẩm, thuốc

Nếu bật lửa là vật dụng không thế thiếu của các đấng mày râu thì nước hoa và mỹ phẩm là “người bạn” thân thiết của các chị em phụ nữ khi đi ra đường. Mặc dù để trên xe vô cùng tiện lợi nhưng không tốt nếu để trong khoảng thời gian dài. Trong nước hoa có chứa cồn và hương liệu, khi gặp nhiệt độ cao, có thể bắt nhiệt.

Không chỉ nước hoa, mỹ phẩm để lâu trong xe hơi cũng không tốt cho người sử dụng. Các chuyên gia khuyến cáo nên để mỹ phẩm tại nơi thoáng mát và khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời để đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất. Do khi gặp nhiệt độ cao, thành phần trong chai có thể bị biến đổi lý tính, thậm chí gây nên tác dụng phụ.

Sạc dự phòng, thiết bị điện tử

Sạc dự phòng được trang bị dòng pin Lithium, dòng pin này có chưa chất lỏng nhạy cảm với các phản ứng hóa học. Khi sạc dự phòng đặt trong điều kiện nhiệt độ tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ đoản mạch và gây cháy nổ. Hơn nữa, để các vật dụng công nghệ như điện thoại, máy ảnh, laptop… trong ô tô cũng làm giảm tuổi thọ của chúng. Nhiệt độ cao khiến các linh kiện dễ bị hỏng, thậm chí bị tan chảy.

Đồ uống

Vào những ngày thời tiết nắng nóng, nước uống giải khát là vị cứu tinh cho người lái xe. Các loại nước uống phổ biến như Coca, Pepsi… (nước uống có ga) hay chai nước suối thông thường không thể thiếu trên xe. Tuy nhiên trong đồ uống có gas thường chứa hàm lượng gas lớn. Do chịu sự tác động của nhiệt, lượng gas này tiềm ẩn nguy cơ phát nổ.

Ngoài ra cũng cần lưu ý những chai nước suối thông thường được sản xuất bằng chất liệu nhựa hoặc thủy tinh. Hãy đặt chai nước ở những ngăn, hộc đồ tại nơi mà ánh nắng không chiếu tới.

Bình cứu hỏa

Hầu hết xe ô tô đều được trang bị bình cứu hỏa với chức năng chữa cháy lúc khẩn cấp. Nhưng có thể người lái xe không ngờ rằng, bình cứu hỏa trở thành một trong những nguyên nhân gây nổ. Mặc dù không gây cháy xe nhưng có thể gây hư hỏng cho các bộ phận bên trong như nút kính, bể dàn táp lô,…..

Theo khuyến cáo được in trên bình chữa cháy, vật dụng này cần được bảo quản trong điều kiện mát mẻ, thích hợp nhất từ -10 độ C đến +55 độ C. Trong khi khí hậu ở Việt Nam vào mùa hè, đỗ xe dưới trời nắng nóng hơn 40 độ C nhất là vào buổi trưa, nhiệt độ trong khoang xe có thể lên tới 60 độ C, chưa kể tại một số vị trí khác khi hấp thụ trực tiếp nhiệt lượng từ mặt trời có thể khiến nhiệt độ lên cao hơn nhiều so với khuyến cáo mà bình chữa cháy đưa ra.

Theo VietQ