NÓI THẲNG: Ai bắt xăng E5 đứng một chân?

Những tiếng ca thán về xăng sinh học E5 một lần nữa lại cất lên. Liệu lần này, lời thở than có rơi vào vô vọng?

Từ năm 2017, thông tin tuyên truyền nhằm khuyến khích tiêu thụ xăng E5 đã được đẩy mạnh. Theo đó, xăng E5 rẻ, không gây ô nhiễm môi trường, không làm hư hại động cơ...v.v.

Dù vậy, lượng xăng E5 bán ra vẫn rất ít, người tiêu dùng còn rất e dè với loại nhiên liệu sinh học này khiến giới buôn xăng dầu ít ham; khách hàng thì kêu giá cao, lại ít nơi bán nên khó mua.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2018, một trong hai loại xăng khoáng là RON92 bị khai tử, nhường đất cho xăng sinh học E5 "ngồi cùng mâm" với xăng RON95. Nhà nước dọn đường cho xăng E5 bật lên bằng cách như vậy với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ loại nhiên liệu này sẽ tăng mạnh mẽ.

Nhưng thực tế qua gần ba tháng thì hoàn toàn khác. Ban đầu, tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 so với trước đó tăng cao thật nhưng lý do là bởi lượng tiêu thụ trước đó quá ít ỏi. Càng ngày, xăng E5 bộc lộ rõ thế yếu của mình dù đối với mặt hàng xăng, người tiêu dùng chỉ còn 2 sự lựa chọn.

Trước đây, RON95 chủ yếu dành cho ô tô và xe gắn máy tay ga thì nay, các loại phương tiện khác đã chọn RON95 tất thảy, dù đắt hơn E5 khoảng 1.700 đồng/lít.

noi-thang-ai-bat-xang-e5-dung-mot-chan


Giờ E5 chủ yếu dành cho giới xe ôm, tài xế Grab Bike và Uber hay lao động phổ thông cùng một bộ phận học sinh - sinh viên, thế nên sản lượng tiêu thụ khiêm tốn.

Cũng vì vậy mà các cửa hàng xăng dầu càng chê E5. Chê ra mặt, như bố trí rất ít trụ bơm xăng E5 hoặc đặt trụ ở góc khuất, bất tiện. Ngoài ra còn có lý do tỉ lệ chiết khấu mà các công ty xăng dầu đầu mối dành cho hệ thống tổng đại lý và đại lý tính trên 1 lít xăng E5 và 1 lít xăng RON95 là bằng nhau, khoảng 1.000 đồng, do vậy không tạo động lực để các cửa hàng xăng dầu nhiệt tình bán xăng E5.

Trên hết vẫn là yếu tố tâm lý của người tiêu dùng: Hoài nghi về chất lượng E5, lo ngại làm hỏng hóc máy, giảm tuổi thọ động cơ; mà giá bán E5 chẳng hề rẻ, đã gần 19.000 đồng/lít. Trong lúc chất lượng còn tranh tối tranh sáng mà giá vẫn ngất ngưỡng như thế thì mua RON95 mà dùng cho chắc!

Và mới đây, Saigon Petro công bố một thông tin khá sốc. Theo tính toán của công ty này, kể từ khi khai tử RON92 thay bằng E5 đến nay, lãng phí xã hội do phải dùng RON95 (mà đáng lý ra không dùng) là 400 tỉ đồng/tháng, tính gần 3 tháng là hơn 1.000 tỉ đồng. Vì lý do này cùng với thực tế so với sản lượng RON92 tiêu thụ bình quân từ năm 2017 trở về trước là khoảng 500.000 m3/tháng, kể từ khi triển khai bán đại trà E5 đến nay, loại xăng này được tiêu thụ chỉ bằng một nửa, nên Saigon Petro đề xuất cho bán lại RON92. Saigon Petro cũng đề xuất điều chỉnh thuế môi trường đối với E5 và RON95.

Dù những đề xuất của Saigon Petro bị các cơ quan hữu trách của liên bộ Tài chính - Công Thương cho là không khả thi và bác bỏ nhưng không vì thế mà làm ngơ trước thực tế phũ phàng về xăng E5, đồng thời phải có giải pháp xử lý.

Một, E5 được cho là xăng sinh học tốt cho môi trường và vô hại với máy móc, động cơ, vậy tại sao người tiêu dùng vẫn ngại? Có phải do tuyên truyền chưa tới nơi tới chốn, chưa đủ 'đô'? Bảo E5 tốt thì phải có cách chứng minh chứ không thể nói suông rồi buộc người ta nghe theo.

Hai, xăng E5 được pha chế từ 95% xăng RON92 và 5% ethanol khan (5% ethanol có trong xăng sinh học thực chất là cồn công nghiệp). Nước ta có thế mạnh về khai thác dầu thô, cũng có cả thế mạnh về nguyên liệu sinh học, ví dụ như sắn (làm ra ethanol).

Thế tại sao giá bán xăng E5 cao đến như vậy? E5 trình làng thị trường đã 10 năm nay nhưng giá xăng này vẫn không giảm mà cứ tăng? Giá thành cao khiến giá bán cao nằm ở khâu nào? Có phải ở các khâu trung gian và do quá nhiều loại thuế, phí chưa hợp lý trong kết cấu giá thành?

Ba, trong kết cấu giá thành 1 lít xăng ở Việt Nam, các loại thuế, phí đã chiếm khoảng một nửa (tức khoảng 10.000 đồng), trong đó thuế bảo vệ môi trường đã 3.000 đồng.

Cái này hơi lạ, các bộ - ngành khẳng định E5 thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe con người thì mức thuế đóng cho bảo vệ môi trường của xăng này phải thấp hơn RON95 chứ (và cả RON92 trước đó)?

Nếu không có sự khác biệt thì hóa ra sự thật mâu thuẫn với những gì đã tuyên truyền. Giảm được khoản thuế bảo vệ môi trường thì mới công bằng với người tiêu dùng, và nhờ vậy giá E5 giảm sâu thì mới có sức cạnh tranh, kích thích tiêu thụ.

Có thể liên bộ Tài chính - Công Thương nhìn thấy hết những điều đó nhưng có hành động hay không là chuyện khác. Đã một lần ra tay cứu các nhà máy ethanol đang "ngáp ngáp" bằng lá bùa xăng E5 rồi thì bây giờ, E5 đang bị khó khăn thập diện mai phục như vậy, lẽ nào chỉ ngồi im mà... hy vọng, lẽ nào bùa mất thiêng?!

Bộ, ngành hữu quan không thể chậm trễ nữa bởi câu chuyện này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.

Hoài Phương

Theo Người lao động