'Nữ hoàng hột vịt' lỡ nhận gần nghìn tỷ lo mất cơ nghiệp: Nhà đầu tư lên tiếng

Liên quan đến việc doanh nghiệp của bà Ba Huân nhận khoản tiền đầu tư gần nghìn tỷ đồng và lo mất cơ nghiệp, mới đây, nhà đầu tư VinaCapital đã lên tiếng.

Theo đó, chiều 7/8, theo thông tin trên báo Vnexpress, Quỹ đầu tư VinaCapital phát đi thông báo về hướng xử lý của doanh nghiệp sau khi Công ty Cổ phần Ba Huân gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ tố cáo bị VinaCapital chiếm đoạt thương hiệu, chiếm quyền quản lý và điều hành công ty.

Thông báo của quỹ đầu tư này nêu rõ, khi quyết định đầu tư vào Công ty Cổ phần Ba Huân, VinaCapital tin doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt với tiềm năng phát triển mạnh. Đó là lý do VinaCapital mong muốn được hợp tác để cùng đưa công ty bước sang giai đoạn phát triển cao hơn.

Tuy nhiên, do một số hiểu lầm giữa đôi bên, quỹ đầu tư này quyết định dừng tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp để kết thúc thương vụ này trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích các bên.

Trước đó, báo Dân Trí thông tin, Công ty Cổ phần Ba Huân do bà Phạm Thị Huân - người được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt” làm Giám đốc có văn bản gửi Thủ tướng nhờ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác 32,5 triệu USD với VinaCapital.

'Nữ hoàng hột vịt' lỡ nhận gần nghìn tỷ lo mất cơ nghiệp: Nhà đầu tư lên tiếng

 Bà Phạm Thị Huân. Ảnh: Dân Trí


Văn bản của Ba Huân cho hay, đầu năm 2018, Ba Huân nhận được đề nghị cùng hợp tác đầu tư từ tổ chức tài chính VinCapital (thông qua quỹ đầu tư Hawke Investment Pte. Ltd) nhằm nâng thương hiệu Ba Huân lên tầm quốc tế bằng thế mạnh vốn và công nghệ quản trị mà VinaCapital đang có.

Trên cơ sở đó, VinaCapital đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng ngôn ngữ tiếng Anh để các bên ký kết làm cơ sở cho quá trình hợp tác sau này. Mặc dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh-Việt nhưng hai bên mới chỉ ký bản tiếng Anh.

Tuy nhiên, theo Ba Huân, sau khi đối chiếu các văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt, công ty nhận thấy thỏa thuận hợp tác đang có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu của hai bên. Cụ thể, theo Công ty Ba Huân, trong bản tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm, gần gấp 3 lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, VinaCapital hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà, loại bỏ toàn bộ các ngành nghề kinh doanh khác.

Hơn thế, phía Ba Huân cũng cho hay, VinaCapital còn yêu cầu nếu Ba Huân không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt, hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân. Ngoài ra, trong quá trình đàm phán sửa đổi điều lệ công ty, mặc dù chỉ với tư cách là cổ đông phổ thông nhưng theo bà Huân, quỹ VinaCapital luôn yêu cầu đưa vào điều lệ quyền phủ quyết của VinaCapital đối với tất cả nghị quyết của hội đồng quản trị và đại hội cổ đông chế định có quyền quyết định cao nhất theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

“Đây là yêu cầu vô lý, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các cổ đông thiểu số và pháp luật Việt Nam. Như vậy, thay vì mục tiêu hợp tác phát triển, hỗ trợ Ba Huân xây dựng thương hiệu quốc tế như ban đầu thì VinaCapital lại muốn chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân đã được xây dựng gần 50 năm ở Việt Nam thông qua những đề nghị vô lý và có biểu hiện không tôn trọng luật pháp”, bà Phạm Thị Huân nêu.

Theo Zing, từ năm 1970, bà Ba Huân bắt đầu buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn. Năm 1982, bà lập vựa trứng gia cầm tại TP.HCM, lấy tên Ba Huân. Năm 1985, vựa trứng Ba Huân chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng, tới năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp.

Những năm gần đây, doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng đều đặn 15-20%/năm và chiếm hơn 30% thị phần trứng tiệt trùng ở Việt Nam.

Mỗi ngày, công ty cung cấp 1,7 triệu quả trứng, 15.000 con gà và chế biến 25 tấn thịt gà. Sản phẩm được phân phối tới hơn 2.000 đại lý và điểm bán hàng trên toàn quốc.

Quy mô và tài sản của doanh nghiệp cũng tăng lên sau hơn 20 năm thành lập. Ban đầu, nhà xưởng và hệ thống máy móc được đặt tại huyện Bình Chánh, với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Đến năm 2009, Ba Huân nhập thêm hệ thống xử lý trứng thứ 2, có công suất đến 120.000 trứng/giờ.

Tính đến hết năm 2017, Ba Huân đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, trong đó vốn chủ sở hữu trên 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự kiến đạt doanh thu 90 triệu USD trong năm 2018.

Theo VietQ