'Ông chủ' của hãng hàng không thuộc top lớn nhất Trung Quốc đứng trước nguy cơ phá sản

HNA Group, chủ sở hữu một trong những hãng hàng không hàng đầu Trung Quốc là Hainan Airlines đứng trước nguy cơ phá sản.

HNA Group, chủ sở hữu một trong những hãng hàng không hàng đầu Trung Quốc là Hainan Airlines, cho biết trong thông báo rằng các chủ nợ đã nộp đơn lên tòa án yêu cầu tập đoàn tuyên bố phá sản và tiến hành tái cơ cấu do HNA Group không thể trả hết các khoản nợ tới hạn.

Thành lập vào năm 1993, HNA Group đã phát triển từ một hãng hàng không khu vực nhỏ có trụ sở trên đảo Hải Nam, Trung Quốc thành một tập đoàn khổng lồ. Có thời điểm, HNA Group tuyển dụng tới hàng trăm nghìn lao động trên toàn thế giới và sở hữu lượng tài sản trị giá ít nhất 1.000 tỷ NDT (khoảng 154,8 tỷ USD).

ong-chu-cua-hang-hang-khong-thuoc-top-lon-nhat-trung-quoc-dung-truoc-nguy-co-pha-san

 HNA đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: Bloomberg.

Trước đây, HNA Group từng nắm giữ cổ phần trong tập đoàn khách sạn Hilton và ngân hàng Deutsche Bank, đồng thời thực hiện một loạt khoản đầu tư, thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực hàng không, du lịch, bất động sản và dịch vụ tài chính trên thế giới.

Nhưng vào năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ngăn cản việc mở rộng mạnh mẽ ra thị trường toàn cầu của HNA Group, buộc tập đoàn này phải thu hẹp quy mô tài sản để tập trung vào các doanh nghiệp hàng không và du lịch.


"Oằn mình" dưới khoản nợ trị gián hàng tỷ USD, tập đoàn đang gặp khó khăn này đã cố gắng xử lý tài sản của mình kể từ đó. HNA hiện đã cắt giảm nhiều nhân lực và bán bớt tài sản từng sở hữu, trong số đó đáng chú ý như nhà phân phối sản phẩm công nghệ Ingram Micro Inc Mỹ và công ty vận chuyển hành lý Swissport của Thụy Sỹ.

Sự trượt dốc của HNA Group được coi là một trong những vụ sụp đổ lớn nhất trong lịch sử các công ty Trung Quốc. Hiện HNA Group vẫn còn cổ phần trong một số hãng hàng không Trung Quốc và quốc tế, như Hong Kong Airlines, trong bối cảnh ngành này đang đối mặt với tình trạng suy giảm du lịch chưa từng có trên toàn cầu vì tác động của đại dịch COVID-19.

Ngoài những khó khăn về tài chính, HNA cũng đối mặt với nhiều vụ kiện từ các nhà đầu tư và khách hàng mà tập đoàn này đang nợ, bao gồm cả công ty tư vấn Deloitte.

Trước đó, theo một nguồn tin, chính quyền đảo Hải Nam, nơi HNA đặt trụ sở, đang đàm phán để giành quyền tiếp quản tập đoàn này sau khi HNA gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính vì Covid-19.

Chính quyền Trung Quốc phải trải qua sức ép ngày càng tăng từ khi bùng phát dịch virus corona. Nước này đang cân nhắc các biện pháp như bơm tiền hoặc sáp nhập doanh nghiệp để ổn định lại ngành hàng không đang lao đao.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết họ sẽ hành động để hỗ trợ tiêu dùng trong nước. Việc tiếp quản một tập đoàn cao cấp như HNA sẽ đưa những nỗ lực này lên một tầm cao mới.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ bán phần lớn tài sản của HNA, cho 3 hãng hàng không lớn nhất tại nước này là Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines. Chính quyền vẫn đang tiếp tục đàm phán với các hãng hàng không này.

Theo VietQ