Phạt 10 - 30 triệu đồng nếu xúc phạm học sinh: Liệu giáo viên có "mặc kệ" trò hư?

Nhiều giáo viên cho rằng, mức phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng với hành vi “xúc phạm nhân phẩm”, “xúc phạm thân thể” học sinh là quá lớn. Điều này dễ dẫn đến tình trạng để an toàn cho bản thân, nhiều giáo viên sẽ “đối phó” bằng cách để mặc học sinh nghịch ngợm, hỗn hào.

Phạt 10 - 30 triệu đồng nếu xúc phạm học sinh: Liệu giáo viên có

Nhiều ý kiến cho rằng, xử phạt mức tiền lớn trong hành vi ứng xử giáo viên và học sinh là không phù hợp với môi trường giáo dục. Ảnh: Chí Cường

Khó dạy được học trò vì sợ phạt

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến đến hết ngày 25/11/2018. Dự thảo có quy định phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Trường hợp vi phạm sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên. Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học.

Những quy định trong dự thảo của Bộ GD&ĐT gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên hiện nay, quy định có phần chung chung, hoặc quá nghiêm khắc khiến nhiều người lo lắng, chưa an tâm với nghề. Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Giáo viên THPT tại Hà Nội cho rằng, dự thảo có nhiều nội dung không hợp lí và không khả thi. Có thể hiểu tăng mức phạt nhằm mục đích là tăng tính răn đe, phòng ngừa là chính. Tuy nhiên, dự thảo đã gây hoang mang cho giáo viên do chưa có quy định chi tiết “xúc phạm nhân phẩm”, “xúc phạm thân thể” chưa được quy định rõ ràng vô tình đưa giáo viên vào thế khó.

Ủng hộ cần có các quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng giáo viên xúc phạm học trò, đặc biệt là đánh học sinh, tuy nhiên thầy Hoàng Cường đã từng có thời gian hơn 10 năm dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Học sinh hiện nay không phải em nào cũng ngoan, chăm học. Nhiều em được bố mẹ nuông chiều, hoặc mải làm ăn không quan tâm đến con cái dẫn đến các em hư hỏng. Tôi đã từng gặp nhiều lần gặp học sinh bất cần, còn dám vo giấy ném vào lưng khi đang viết bảng… Phải rất bình tĩnh, kiềm chế để không nổi nóng, cảm hóa từ từ với học trò. Nên dù không đồng tình, song với những giáo viên còn mắng, đánh học trò là vẫn còn trăn trở, tâm huyết với nghề. Nếu không, họ đã để mặc học sinh làm gì thì làm”.

Nhiều giáo viên phổ thông chia sẻ, công việc dạy học ngày càng vất vả với hàng loạt quy định hoàn thành sổ sách, chấm bài… cùng với đó là áp lực do sĩ số đông, học sinh chưa ngoan nên nghĩ đến cảnh quát mắng học trò mà bị phạt số tiền lớn mà nản chí. Với mức lương hiện nay còn thấp, nhất là giáo viên hợp đồng, số tiền lương ít ỏi cộng dồn bao nhiêu tháng mới đủ cho một lần nộp phạt vì lỡ mắng học trò. 30 triệu đồng là số tiền lớn đối với nhiều giáo viên, chẳng may “dại miệng” lo vay mượn để nộp phạt.


Phạt tiền giáo viên đã quá lỗi thời

Dành sự quan tâm đặc biệt đối với Dự thảo xử phạt trong lĩnh vực giáo dục, nhất là các quy định đối với giáo viên. ThS Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, khi mà giáo viên có mức lương còn thấp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới… việc áp dụng quy định xử phạt này càng khiến tâm lý giáo viên thêm nặng nề, chán nản. Trước hết, cần nhìn nhận rằng, dù với mục đích để làm tốt hơn mọi thứ, nhưng áp dụng hình thức phạt tiền nặng đối với nhà giáo là một biện pháp lạc hậu và không còn phù hợp với hiện nay.

Cũng theo ThS Hiền: “Pháp luật chỉ mang tính răn đe, nhưng lại không thể triệt tiêu được tận gốc những vấn đề bạo lực. Ngược lại, còn mang “tác dụng phụ” bởi khi tư tưởng, tâm lý giáo viên không thoải mái, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Lúc này, thiệt thòi chính là học sinh. Nên trước khi ban hành cần lấy ý kiến của những người trực tiếp bị tác động, đó chính là đội ngũ giáo viên, các em học sinh và phụ huynh. Nếu quy định xử phạt hành chính này được áp dụng, sẽ khó tránh khỏi tình trạng giáo viên không dại gì mà để liên lụy đến thân mà phó mặc cho học sinh muốn làm gì thì làm”.

Nhiều chuyên gia giáo dục, luật sư cho rằng, Điều 29 (xử phạt về dạy thêm) và 32 (xử phạt hành vi xúc phạm người học) trong dự thảo của Bộ GD&ĐT bộc lộ bất cập vì hiện nay các quy định cho nhà giáo đã đầy đủ và chi tiết. Dự thảo có rất nhiều nội dung thuộc về phạm vi đạo đức, đã được áp dụng trong xử lý kỷ luật công chức, viên chức. Một số nội dung chồng chéo trong việc áp dụng các chế tài đối với các hành vi vi phạm được quy định, văn bản pháp luật khác gây ra tranh cãi, mâu thuẫn và khó thực thi khi áp dụng.

Liên quan tới các nội dung của Dự thảo nói trên, Bộ GD&ĐT cho biết, đối với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học, Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định chung hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể của người học thuộc một nhóm hành vi. Tuy nhiên, Ban Soạn thảo cho rằng hành vi xâm phạm thân thể có tính nguy hiểm cao hơn hành vi xúc phạm danh dự nên đã tách quy định này thành 2 nhóm hành vi, nhằm hướng tới việc hạn chế tình trạng bạo hành trong nhà trường như đã xảy ra ở một số nơi vừa qua gây bức xúc dư luận.

Điều 32. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm.

(Trích Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục)

Theo GiaDinh