Phụ huynh "loay hoay" bố trí thiết bị học trực tuyến, hiệu trưởng lo học sinh bị tật khúc xạ

'Khi dạy và học trực tuyến dù có nhiều khó khăn nhất định, song điều tôi lo lắng là học sinh học trực tuyến nhiều dễ bị tật khúc xạ, cong vẹo cột sống' - thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) chia sẻ.

"Loay hoay" vì có hai con cùng học trực tuyến

Ngày 6/9, nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã triển khai năm học mới bằng dạy học trực tuyến. Tại Hà Nội, cấp tiểu học, THCS và THPT chính thức học tập trực tuyến từ sáng 6/9. Riêng với lớp 1, từ ngày 13/9 đến ngày 30/9, nếu học sinh chưa được trở lại trường, các nhà trường sẽ dạy trực tuyến với tối đa 3 tiết/ngày.

Đây không phải lần đầu Hà Nội triển khai dạy học trực tuyến, bởi từ năm 2020, học sinh đã được học theo hình thức này. Song, theo ghi nhận ngay từ khi bước vào giai đoạn đầu năm học này, nhiều phụ huynh đã gặp không ít khó khăn trong việc bố trí các thiết bị dùng để học tập trực tuyến của con em mình. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Sáng thứ 2 đầu tuần, hai con học trực tuyến, bố mẹ họp và trực tuyến với công ty nên việc phân chia các thiết bị gặp nhiều khó khăn vì phải cần tới 4 thiết bị có thể kết nối internet một lúc. Cả nhà đành phải luân phiên sử dụng các thiết bị cho hợp lý, dùng nhiều nên tốc độ internet chậm, giờ học của con liên tục bị thoát khỏi ứng dụng. Các thiết bị hiện có cũng bị trục trặc giờ muốn đi sửa chữa, nâng cấp mà nhiều trung tâm chưa mở".

Tìm cách "xoay sở" khi có hai con học trực tuyến, phụ huynh Trần Thị Tâm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Trong gia đình, bố mẹ dùng điện thoại thông minh nhưng chỉ có duy nhất một chiếc laptop, trong khi đó cả hai con đều dùng vào buổi sáng nên cũng hết sức khó khăn. Thành ra, phải ưu tiên các môn quan trọng như Toán, Tiếng Việt (đứa út) sẽ học bằng laptop; môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh (đứa lớn) học laptop để nhìn dễ, tương tác thuận lợi, các môn phụ sẽ học qua điện thoại. Tuy nhiên, có những lúc trùng nhau nên cũng đang tính mua thêm một chiếc laptop nữa cho con mà điều kiện chưa cho phép".

Trước lo lắng của một số phụ huynh gặp khó khăn vì dịch bệnh, không có máy tính, điện thoại để con theo học trực tuyến.... Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã kêu gọi người dân, các mạnh thường quân nếu dư điện thoại, ipad, máy tính cũ... có thể chia sẻ với các trường học để tạo cơ hội, điều kiện cho học sinh khó khăn có phương tiện học tập.


phu-huynh-loay-hoay-bo-tri-thiet-bi-hoc-truc-tuyen-hieu-truong-lo-hoc-sinh-bi-tat-khuc-xa

Học sinh nhiều nơi chính thức học tập trực tuyến từ ngày 6/9. Ảnh minh họa: Q.A

Lo cho học sinh bị tật khúc xạ vì học trực tuyến

Chỉ ra một thực tế khi dạy học trực tuyến sẽ gặp những khó khăn nhất định, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cho rằng, dạy học trực tuyến ở Việt Nam mới ở mức tình thế chứ chưa dựa trên nền tảng quốc gia về công nghệ, nên thầy cô, phụ huynh, học sinh rất khó khăn. 

Cũng theo thầy Phú, khi dạy và học trực tuyến sẽ phụ thuộc vào điều kiện, trang thiết bị của mỗi gia đình. Cụ thể, trong thành phố giữa những quận, huyện đã có sự khác nhau, cho dù ở cùng trong một quận thì cũng mỗi trường, gia đình điều kiện một khác nhau. Nên khi dạy học trực tuyến chỉ một bộ phận đáp ứng được, còn lại cũng rất khó khăn. Nhiều phụ huynh đang thất nghiệp nên khó có tiền mua thiết bị học tập phục vụ học tập trực tuyến.

Bên cạnh đó, kiểm tra trực tuyến cũng có thể nảy sinh tình trạng gian lận trong thi cử. Để khắc phục tình trạng này, theo thầy Phú là nên ra đề "mở", "trong khoảng thời gian nộp bài, kể cả các em sử dụng tài liệu cũng mất nhiều thời gian, các em phải nghiên cứu kỹ, đọc kỹ tài liệu để làm bài nên cũng một phần hạn chế gian lận"- thầy Phú cho biết.

"Điều tôi lo lắng nhất là khi học sinh có quá trình học tập trực tuyến nhiều dễ dẫn đến tật khúc xạ mắt, sau đó là cột sống… Nên nếu nếu áp dụng lâu dài, các em sẽ khó có thể vào một số trường, ngành do không đáp ứng đủ tiêu chí về sức khỏe, như bị tật khúc xạ chẳng hạn. Như vậy, chúng ta sẽ khó đảm bảo đáp ứng một lực lượng lao động tốt trong tương lai. 

Về lâu dài, chúng ta cần tổ chức dạy học trên đài truyền hình theo khung giờ cố định để học sinh có thêm kênh học tập, hạn chế phải ngồi máy tính trong ngày quá lâu. Bên cạnh đó, tăng cường dạy các kỹ năng giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, các bài tập vận động tại nhà để đảm bảo sức khỏe, phòng chống bệnh tật" - thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ thêm.

Theo Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về năm học 2021 - 2022, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa. Xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.

Theo GiaDinh