Quy định làm thêm giờ nếu thiếu chặt chẽ, người lao động sẽ bị "vắt sức"

Ngày 12/6, Quốc hội tiếp tục tiếp nhận ý kiến từ các đại biểu về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, việc nới rộng khung giờ làm thêm lên tới 400 giờ/năm được các đại biểu đặc biệt quan tâm với nhiều ý kiến phản biện xác đáng. Điều nhiều đại biểu lo lắng là người lao động dễ bị “vắt sức” nếu quy định thiếu chặt chẽ.

quy-dinh-lam-them-gio-neu-thieu-chat-che-nguoi-lao-dong-se-bi-vat-suc

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được người lao động quan tâm.

Vì đâu người lao động phải làm thêm giờ?

Ngày 12/6 Quốc hội tiếp tục tiếp nhận ý kiến từ các đại biểu về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Các ý kiến của đại biểu xoay quanh các vấn đề như làm thêm giờ, bổ sung ngày nghỉ 27/7, bảo vệ quyền lợi của người lao động… riêng vấn đề làm thêm giờ được nhiều đại biểu quan tâm.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) cho rằng: “Nói một cách nào đó vấn đề này có tính hai mặt, Quốc hội sẽ đem lại quyền lợi và lợi ích gì cho người lao động (NLĐ) và đảm bảo tính hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Đây là vấn đề thực sự khó chứ không phải dễ, bởi vì đứng ở góc độ này thì thuận lợi, nhưng góc khác lại bất lợi”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng phản biện rằng, phải nhìn nhận thực tế để xem việc làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu gì?. “Chúng ta cứ thử tính một năm NLĐ làm bao nhiều giờ, NLĐ có bao thời gian nghỉ ngơi, để phục vụ các nhu cầu khác nghỉ ngơi, giải trí, nhu cầu xây dựng, chăm sóc gia đình.

Với 400 giờ lao động đó NLĐ có thêm thu nhập nhưng họ cũng có nhu cầu nghỉ ngơi. Theo sự hiểu biết của tôi việc công nhân có nhu cầu làm thêm thì hiểu không đúng bản chất của vấn đề. Nhưng phải đặt câu hỏi là công nhân cần làm thêm không? Công nhân cần làm thêm để có thêm thu nhập do đồng lương, thu nhập hiện nay so với trang trải nhu cầu, cuộc sống tối thiểu còn quá eo hẹp, khó khăn, thiếu thốn. Do vậy công nhân phải làm thêm để trang trải cho cuộc sống”.


quy-dinh-lam-them-gio-neu-thieu-chat-che-nguoi-lao-dong-se-bi-vat-suc

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đại biểu đoàn TPHCM). Ảnh: L.Bảo

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu rõ, việc làm thêm giờ có phải là nhu cầu của công nhân không? theo đại biểu nghĩ là không. Ai cũng có nhu cầu hưởng thụ, giải trí, chăm lo con cái. Chứ không phải có nhu cầu đi làm quần quật như vậy, một ngày làm đến mười mấy tiếng như vậy. Xét trên một khía cạnh nào đó thì Quốc hội làm sao để người công nhân làm ít giờ nhưng tiền lương và thu nhập tăng lên.

Đại biểu cũng cho rằng, xét trên góc độ đó, để NLĐ có thời gian tái tạo lại sức lao động để làm việc tốt hơn. Điều đó vừa có lợi cho người công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao đông. Người sử dụng lao động sẽ có một người công nhân có sức khỏe, tình cảm tốt thì năng suất lao động, chất lượng lao động mới tăng lên. Chứ đừng nghĩ rằng là vắt cho kiệt sức NLĐ mới là tốt và đừng nói rằng người công nhân có nhu cầu làm thêm mà là họ cần làm thêm vì những yếu tố như trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu một sự thật đáng báo động: “Có rất nhiều công nhân hàng chục năm không về thăm gia đình được, con cái đưa về quê cho ông bà cha mẹ nuôi giúp, rất xót xa? Bởi việc cha mẹ không trực tiếp nuôi con sẽ khiến tình cảm thiêng liêng sớm bị chia cắt gây nên những áp lực không tốt. Cho nên tôi đề nghị Quốc hội nên quan tâm tới vấn đề này”.

Cần có quy định tránh vắt kiệt sức người lao động

Cùng góp ý về vấn đề này, theo đại biểu Trương Phi Hùng (đoàn Long An) cho biết, ông đồng tình với việc nới rộng khung làm thêm giờ lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, việc này ảnh hướng đến việc tái tạo sức lao động và thời gian chăm sóc gia đình của NLĐ.

Đại biểu Hùng cho rằng, cần quy định chặt chẽ để tránh việc chủ sử dụng lao động lợi dụng để vắt kiệt sức của người lao động. Ngoài ra, khi tăng giờ làm thêm, cần quy định việc tính lương làm thêm tăng lũy tiến. Ông Hùng lấy ví dụ, làm thêm 2 giờ đầu ít nhất là 150% lương, 1 giờ tiếp theo ít nhất là 250%, 1 giờ tiếp theo nữa ít nhất là 300%. Cách tính lũy tiến như thế sẽ hạn chế được việc chủ sử dụng lao động bắt ép NLĐ làm thêm, tránh xảy ra tai nạn lao động nếu làm việc quá sức.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu quan điểm, tại điều 108 quy định về làm thêm giờ, mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ tối đa không quá 400 giờ/năm. Tức là tăng 100 giờ/năm so với Bộ luật Lao động năm 2012. Theo ông Tiến, phần lớn NLĐ không muốn mở rộng khung làm thêm giờ. Tuy nhiên, một bộ phận đồng ý tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập. Thực tế nhiều năm qua, nhiều NLĐ phải làm thêm và vượt giờ làm thêm rất nhiều. Do vậy, ông Tiến đồng tình với thoả thuận về giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt nhưng không qua 400 giờ/năm.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định tại khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện tại Khoản 1, Điều 99. Mặc dù hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức quy định song như vậy vô hình chung gián tiếp khuyến khích doanh nghiệp và người lao động làm thêm giờ.

Doanh nghiệp vì mục tiêu sản phẩm, còn đối với NLĐ có thêm thu nhập sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái nên có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó quy định làm thêm giờ chỉ áp dụng đáp ứng yêu cầu một số doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp nhiều việc làm thiếu lao động thì doanh nghiệp đó buộc phải tuyển thêm NLĐ mới.

Tranh luận bày tỏ sự không nhất trí với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong luật, NLĐ được tự nguyện tham gia và không bắt buộc phải làm thêm giờ. Theo các đại biểu, bất kỳ NLĐ nào cũng có quyền làm thêm giờ, làm thêm việc để có thêm thu thập cho gia đình và xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, cần đưa ra quy định rõ ràng với một số nghề nghiệp gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay… có thể không cho tăng thêm giờ, thậm chí nên có quy định riêng sau một số giờ làm việc nhất định phải nghỉ bảo đảm sức khỏe, sự tỉnh táo, không gây tai nạn giao thông.

Theo GiaDinh