"Siêu" bão Goni là cơn bão phức tạp nhất, các tỉnh khu vực Trung Bộ "hứng" mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, mặc dù được đánh giá là cơn bão yếu trên biển Đông và đến nay đã giảm 9 cấp, nhưng bão Goni là cơn bão khó dự báo hơn so với các cơn bão vừa qua, bởi chịu nhiều tác động của các hình thái khác.​

Tại cuộc họp ứng phó khẩn cấp bão Goni (cơn bão số 10) diễn ra ngày 02/11, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong vòng 30 giờ qua, từ lúc bão Goni mạnh nhất đến nay đã giảm 9 cấp và được đánh giá là cơn bão yếu trên biển Đông.

Tuy nhiên, đây là cơn bão khó dự báo hơn so với các cơn bão vừa qua, bởi bão chịu nhiều tác động của các hình thái khác. Trong đó, yếu tố "động lực và nhiệt lực" tác động đến xu thế cường độ cũng như quỹ đạo của bão số 10.

sieu-bao-goni-la-con-bao-phuc-tap-nhat-cac-tinh-khu-vuc-trung-bo-hung-mua-lon

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, “siêu” bão Goni là cơn bão phức tạp nhất, các tỉnh khu vực Trung Bộ “hứng” mưa lớn.

Ông Khiêm cho biết, tính đến 16h hôm nay, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Tuy nhiên, trong sáng nay, bão ít dịch chuyển.

Chuyên gia khí tượng phân tích: "Cao cận nhiệt đợi lấn sâu vào, không khí lạnh tiếp tục tăng cường trong 48-72h tới. Nhiệt lực giúp làm giảm cường bộ bão số 10. Dự báo, trong 2-3 ngày tới cường độ cơn bão ở cấp 8, cấp 9; vào đất liền khả năng ở cấp 7, cấp 8 và ít có khả năng tăng lên".

sieu-bao-goni-la-con-bao-phuc-tap-nhat-cac-tinh-khu-vuc-trung-bo-hung-mua-lon

Toàn cảnh hướng đi của bão Goni.

Ông Khiêm nhận định: "Do hoàn lưu bão số 10 kết hợp không khí lạnh tăng cường sẽ gây đợt mưa lớn diện rộng. Nhận định xa cho thấy, từ Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa trung bình từ 100-200mm từ chiều tối ngày 4-6/11.


Sau đó, mưa dịch chuyển ra Nghệ An – Quảng Trị với lượng mưa 150-300mm từ ngày 5-7/11".

Ông Khiêm cũng lưu ý lũ trên hệ thống các sông Quảng Nam – Quảng Ngãi có thể lên báo động 3.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: "Nếu đồng sức, đồng lòng, chuẩn bị thật tốt, ý thức tầm quan trọng triển khai đồng bộ "4 tại chỗ" từ trung ương đến địa phương sẽ hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra".

sieu-bao-goni-la-con-bao-phuc-tap-nhat-cac-tinh-khu-vuc-trung-bo-hung-mua-lon

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại cuộc họp.

Ông Cường nhấn mạnh, miền Trung nước ta hiện nay đã bão hòa nước trên mọi tuyến, cần sẵn sàng mọi phương án ứng phó với cơn bão số 10 dự kiến đổ bộ đất liền khu vực này trong mấy ngày tới.

"Hai vấn đề trọng tâm cần tập trung với hoàn lưu bão số 10 là chú ý lũ ống, lũ quét, sạt lở; đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp", ông Cường đề nghị.

Chỉ đạo kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là cơn bão phức tạp, khi vào đất liền gây mưa lớn có nơi lên đến 400mm ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị không được chủ quan, theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để kịp thời thay đổi các phương án ứng phó cho phù hợp.

Một là cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển.

sieu-bao-goni-la-con-bao-phuc-tap-nhat-cac-tinh-khu-vuc-trung-bo-hung-mua-lon

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN&MT phải sớm hoàn thành bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt.

Hai là các tỉnh, thành phố bên cạnh việc chủ động ứng phó với bão số 10, cần tiếp tục khắc phục hậu quả đợt mưa lũ và bão số 9 vừa qua (nhà ở, bệnh viện, trường học, đường giao thông...).

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn hồ thủy điện, thủy lợi, đê điều (đặc biệt là những hồ xung yếu), cần có sự rà soát các hồ đập, tuyến đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn để tu bổ, sửa chữa…

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT phải sớm hoàn thành bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt.

Đây là vấn đề rất khó trong dự báo, cảnh báo, ứng phó, nhiều nơi người dân sinh sống ổn định vài chục năm, địa chất được đánh giá ổn định nhưng thời gian qua lại xảy ra sạt lở đất.

Sự việc trên, nhiều nước có điều kiện địa chất, địa hình tương tự Việt Nam cũng gặp phải nhiều sự cố, khó dự báo dù áp dụng khoa học, công nghệ, các công cụ cảnh báo.

Theo GiaDinh