Sự thật về bệnh ung thư có thực sự đáng sợ, bạn đừng tiếc 7 nghìn đồng

Theo các chuyên gia về ung thư, các bệnh ung thư tuy rất đáng sợ, căn bệnh có sức tàn phá kinh khủng nhưng nó lại không “dữ” nếu chúng ta phát hiện sớm bằng cách kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Sự thật về bệnh ung thư có thực sự đáng sợ, bạn đừng tiếc 7 nghìn đồng

Ông Nhân chia sẻ về bệnh ung thư không đáng sợ nếu phát hiện sớm

Sống khỏe vì phát hiện sớm

Việt Nam đứng top 2 thế giới về tỷ lệ mắc ung thư. Cụ thể, mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 200. 000 ca mắc mới và khoảng 70.000 người tử vong vì căn bệnh này. Đây thực sự là những con số đáng báo động và hầu hết chúng ta đều chủ quan, không tìm hiểu và chưa có ý thức phòng ngừa căn bệnh này. Nhưng theo các chuyên gia về ung thư thì sự thật là ung thư không phải “án tử”, thậm chí bệnh còn có thể phòng ngừa hoặc chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

Bệnh nhân Trần Văn Nhân (Kim Động, Hưng Yên), một bệnh nhân ung thư phổi đã may mắn thoát khỏi tử thần nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Nói đến ung thư phổi, ai cũng lo sợ vì căn bệnh có số ca tử vong hàng đầu và việc điều trị bệnh rất khó khăn nhưng bệnh nhân Nhân đã sống chung với bệnh này hơn 10 năm nay.

Ông Nhân kể mình hút thuốc từ năm 1971, phát hiện bị ung thư phổi vào năm 2005. Lúc đầu, nghe bệnh ung thư ông và gia đình rất hoang mang không biết nên làm gì và có lúc đã định buông bỏ. Ông Nhân được được TS, bác sĩ Hoàng Đình Chân trực tiếp phẫu thuật cắt bỏ khối u vào tháng 4 năm 2006. 


Sau khi phẫu thuật, ông Nhân điều trị theo các phương pháp khoa học đặc biệt là việc điều trị bằng biện pháp chăm sóc tâm lý. Đến nay, ông Nhân vẫn theo dõi sức khỏe định kỳ.

TS Chân cho biết trường hợp như ông Nhân không phải là hiếm với bệnh ung thư phổi nếu phát hiện sớm bằng cách khám bệnh tổng quát, dựa trên các yếu tố nguy cơ để tiền hành thì sẽ rất tốt cho bệnh nhân bởi bệnh được chẩn đoán giai đoạn sớm, điều trị vừa ít tốn kém, vừa dễ cho cả bác sĩ và bệnh nhân.

Bệnh nhân Thân Thế V. (Long Biên, Hà Nội) bị ung thư phổi tâm sự “Khi có sức khỏe, chúng ta thường chủ quan. Đến lúc có bệnh sẽ thấy, sức khỏe mới là thứ quan trọng nhất. Tôi đã từng được khuyên nên đi khám sớm, nhưng bản thân vẫn là người Việt Nam, chủ quan và lười đi khám bệnh là căn bệnh cố hữu. Giá như tôi khám sớm thì tình trạng sức khỏe đã khác và cơ hội chữa khỏi bệnh cũng cao hơn. Đúng là chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, chú trọng đến tầm soát ung thư sớm, đặc biệt sau tuổi 60”.

Anh Nguyễn Văn Trung quê Thường Tín, Hà Nội phát hiện ung thư dạ dày trong một lần anh đi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Anh Trung kể đầu năm anh tranh thủ đi khám sức khỏe tổng quát 1 lần mất chỉ 2 triệu đồng và đầu năm nay anh đi khám, nội soi dạ dày bác sĩ phát hiện có loét và tiến hành sinh thiết dương tính tế bào ung thư nhưng bệnh ở giai đoạn sớm nên chỉ phẫu thuật cắt hớt ổ loét, không cần hóa, xạ trị. Anh Trung kể anh may mắn đi khám và phát hiện sớm nên anh vẫn khuyên bạn bè, người thân mỗi năm đi khám lấy 1 lần, mỗi ngày bớt 7 nghìn đồng để khám bệnh.

Ung thư không còn đáng sợ

Theo bác sĩ Lê Trọng Hậu – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt bệnh ung thư hiện nay đang trẻ hóa. Theo thống kê sơ bộ của riêng bệnh viện thì số ca ung thư tuổi từ 21 đến 40 đang ngày càng tăng và đa số đều đến bệnh viện khám khi tình trạng bệnh đã nặng thậm chí một số người còn bị di căn. Tuy nhiên, có những bệnh nhân may mắn phát hiện sớm qua việc đi khám tổng quát thấy dấu hiệu nghi ngờ nên thực hiện các bước sàng lọc tiếp theo.

BS Hậu cho biết nhiều người rất ngại với từ sàng lọc ung thư nhưng thực chất sàng lọc ung thư rất đơn giản và đây được xem là chìa khóa vàng để chữa ung thư thành công.

Người bệnh chỉ cần khám sức khỏe bình thường, trong quá trình thăm khám đó, bác sĩ sẽ cho các bạn làm 1 số xét nghiệm hoặc các bước chụp chiếu cần thiết để có thể giúp các bạn nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong cơ thể và những bất thường đó liệu có gây ra bệnh ung thư hay không.

Chi phí tầm soát tùy thuộc vào từng loại bệnh, giai đoạn bệnh và từng lứa tuổi. Nếu bạn đến khám sớm, chi phí sẽ rất ít nhưng nếu bạn đi khám muộn, phải sử dụng những phương pháp hiện đại như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp,... thì chi phí sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

Đối với những người có nguy cơ cao như yếu tố di truyền; Hoặc với nam giới thường hút thuốc lá nên khám sàng lọc ung thư: Phổi, vòm họng, thực quản, đại trực tràng; Nếu ợ chua, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa thì nên sàng lọc ung thư đường tiêu hóa; Với nữ giới sinh con niều, sinh sớm hoặc có nhiều bạn tình nên sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, có một số dấu hiệu báo động của ung thư mà người bệnh cần đi kiểm tra để sàng lọc như: Có vết loét lâu liền; Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; Chậm tiêu, khó nuốt; Có khối u ở vú hay trên cơ thể; Hạch to lên bất bình thường; Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; Gầy, sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

Ph.Thúy

Theo infonet