Sự thật về những điều kiêng kị trong "tháng cô hồn" ai cũng mắc

Trong tháng “cô hồn” hay tháng “xá tội vong nhân” người Việt thường truyền tai nhau những điều cấm kỵ và quan niệm đây là tháng đen đủi, không làm những việc lớn.

Vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng “cô hồn”?

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch hàng năm được coi là tháng “cô hồn”. Vào thời gian này, người Việt thường có tập tục cúng cháo, gạo, muối… cho các vong hồn đã khuất. Phong tục này có từ lâu đời và xuất phát từ quan niệm xa xưa.

Sự thật về những điều kiêng kị trong
Vào tháng 7 Âm lịch, người Việt thường có tập tục cúng cháo, gạo muối... cho các vong hồn đã khuất

Theo đó, dân gian cho rằng, con người bao gồm hai phần là phần hồn và phần xác. Khi con người mất đi, phần hồn vẫn tồn tại, có người được đầu thai kiếp khác, có người bị đầy xuống địa ngục làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian. Hàng năm, vào ngày 2 tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan, “thả cửa” cho ma quỷ túa ra tứ phương. Đến ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Việc cúng “cô hồn” trong dân gian không chỉ để bị quấy phá mà còn xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp muốn làm phúc, giúp những cô hồn có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…

Sự thật về những điều kiêng kị trong
Trong tháng 7, người Việt còn có lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu. Ảnh: Toàn Vũ

Trong tháng 7 Âm lịch hàng năm, ngoài lễ cúng "cô hồn", người Việt còn có lễ Vu Lan, hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo. Nguồn lễ Vu lan gắn với sự tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật - là một vị tôn giả có nhiều phép thần thông. Theo Phật giáo, để báo hiếu cha mẹ thì cần cử hành lễ Vu Lan cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.

Trọng tâm của lễ hội Vu Lan Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sinh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo.


Thực hư về những kiêng kị trong tháng 7 Âm lịch

Trong tháng “cô hồn” hay tháng “xá tội vong nhân” người Việt thường truyền tai nhau những điều cấm kỵ như: không để chuông gió trước đầu giường, đi đêm không được gọi tên thật, không được chụp ảnh buổi tối... Cũng không ít người quan niệm rằng tháng này đen đủi, không nên dựng nhà, sửa cửa, đám cưới… Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa các quan niệm này đều không có cơ sở khoa học.

Thực tế, những điều kiêng kị trên bắt nguồn từ thói quen có từ thời xa xưa. Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới, tháng 7 Âm lịch là mùa mưa ngâu, thêm nữa đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa Hạ và mùa Thu nên thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường.

Khi tiến hành những công việc như: làm nhà, khai trương, … sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, có thể làm kéo dài thời gian hơn so với dự kiến.

Mặt khác, tục cúng cô hồn không phải là để tránh “quấy phá”, xua đuổi điều không may mà mang ý nghĩa rất nhân văn với mong muốn làm phúc, giúp những “cô hồn” có một ngày được no nê, đỡ tủi phận.

Chia sẻ với PV Dân trí, chuyên gia Phong thủy Tuấn Kiệt cho biết, trong thực tế nhiều người gọi tháng 7 Âm lịch là tháng “cô hồn” với ý nghĩa xa lánh. Họ ngại làm các việc như: động thổ, cưới hỏi… vào tháng này. Điều này tuy không có cơ sở nhưng lâu dần thành thói quen của nhiều người và tạo thành một rào cản rất lớn trong đời sống hàng ngày.

Chuyên gia này phân tích, nếu theo quan niệm Phật Giáo, tháng 7 Âm lịch là tháng làm các việc thiện hạnh và tu tập, báo hiếu phổ độ cho các hương linh gia tiên. Ngoài ra không ảnh hưởng đến các việc khác.

Xét theo quan niệm Phong thủy, chúng ta chọn ngày giờ tốt theo can chi, theo mệnh, theo phi tinh và phương vị. Điều này cũng không phụ thuộc vào tháng 7. Chỉ cần hợp mệnh vận, thời điểm tốt là có thể tiến hành các việc. Đối với những việc có liên quan đến đất đai, mồ mả, hương linh thì cần thận trọng phát khởi các thiện tâm theo tinh thần Phật giáo để trợ giúp cho họ. Như vậy vừa tăng công đức vừa hoàn thành được các việc đời sống mà không cần phải kiêng kỵ.

“Tháng 7 âm lịch, chúng ta phát khởi tâm từ bi, báo hiếu cho các hương linh tổ tiên và các chúng sinh đói khổ. Chúng ta thực hành các thiện hành và các lễ cầu siêu theo đúng tinh thần chánh pháp. Không sa vào mê tín dị đoan. Không cúng kiếng quá nhiều vàng mã lãng phí.

Chỉ cầu nguyện chư Phật, thiền định, giữ giới, giữ tâm thanh tịnh, phát nguyện bố thí, phóng sinh... để tăng công đức hồi hướng cho các hương linh. Làm được như vậy thì các việc khác chúng ta sẽ được tốt lành mà không cần phải quá câu nệ kiêng kỵ làm lỡ mất cơ hội”, chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt khẳng định.

Theo Dân Trí