Sự thật về việc cứ thách cưới sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng

Nghị định trước đây không có quy định phạt với hành vi thách cưới.

Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 110 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

su-that-ve-viec-cu-thach-cuoi-se-bi-phat-toi-5-trieu-dong

Thách cưới gây cản trở việc kết hôn có thể bị phạt tiền đến 5 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Đối với hành vi "cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn", Nghị định 82 quy định mức phạt từ 03 - 05 triệu đồng.

Trước đây, Nghị định 110/2013/NĐ-CP không quy định phạt đối với hành vi này; Nghị định 167/2013 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng nếu cản trở người khác kết hôn bằng cách đưa ra yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Như vậy, hành vi "thách cưới" (yêu sách của cải trong kết hôn), có thể bị xử phạt đến 05 triệu đồng từ ngày 01/9/2020 (ngày Nghị định 82 có hiệu lực).

Theo cách giải thích của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, "Yêu sách của cải trong kết hôn" được hiểu là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.

Theo cách giải thích này có thể hiểu chính là yêu cầu thách cưới về mặt vật chất một cách quá đáng, gây ảnh hưởng đến việc kết hôn tự nguyện của nam nữ.


Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.

Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Có nghĩa là không phải cứ thách cưới sẽ bị phạt mà chỉ thách cưới quá đáng và nhằm mục đích cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam nữ thì mới bị xử phạt.

Như vậy, kể từ ngày 1/9, việc thách cưới quá cao hay đưa ra yêu sách của cải để Cản trở kết hôn, ly hôn; Cưỡng ép kết hôn, ly hôn sẽ bị xử phạt.

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+Làm rõ quy định về giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới đang gây xôn xao dư luận

+NÓNG: Quy định mới về vị trí việc làm và biên chế công chức

+Lương cơ sở của người lao động được tính thế nào từ ngày 1/7/2020?

----