Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Sẽ không còn cấp chứng chỉ hành nghề vô thời hạn?

Nhiều bất cập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 được chỉ ra tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành luật này, ngày 12/7. Trong đó, nhiều người cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề không thời hạn ở Việt Nam như hiện nay là “độc nhất vô nhị”.

sua-doi-luat-kham-benh-chua-benh-se-khong-con-cap-chung-chi-hanh-nghe-vo-thoi-han

Đăng ký khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ảnh: Võ Thu

Cùng một dịch vụ, giá khác nhau giữa các tuyến, hạng bệnh viện

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Sau 9 năm thi hành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã tạo ra hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước tại các bệnh viện, giúp xây dựng, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, khi nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh diễn ra ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay Luật đã bộc lộ nhiều bất cập. Một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.

Đơn cử, theo người đứng đầu ngành Y tế, giá dịch vụ y tế được tính theo hạng bệnh viện, khiến cùng một dịch vụ nhưng tại tuyến huyện thì giá thấp nhưng tuyến Trung ương thì giá cao hơn hẳn. “Điều này dẫn đến tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, không khuyến khích được cơ sở y tế tuyến dưới phát triển. Đây cũng là lý do khiến nhiều bác sĩ bệnh viện tuyến huyện bỏ việc”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.


Tại Việt Nam, hiện phân hạng bệnh viện theo hạng 1,2,3,4 và hạng Đặc biệt, đồng thời phân tuyến xã, huyện tỉnh, Trung ương, ngoài ra còn có phân tuyến kỹ thuật. “Cùng một kỹ thuật mổ ruột thừa, bệnh viện huyện thì giá rất thấp, bệnh viện tỉnh giá cao hơn và bệnh viện tuyến trung ương thì giá cao ngất ngưởng. Cuối cùng nước chảy chỗ trũng vào tuyến Trung ương. Bệnh viện tuyến huyện đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Tới đây, ngày 1/1/2021 sẽ thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tất cả các tuyến thì người dân sẽ đổ hết lên tuyến trên”, Bộ trưởng nói.

Bên lề Hội nghị, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi bổ sung (trình Chính phủ vào tháng 1/2020 để trình Quốc hội vào tháng 5/2020), trong đó tìm ra được phương án khắc phục bất cập vừa nêu.

Theo ông Quang, về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ theo hướng cùng một dịch vụ, định mức giá sẽ giống nhau, nhưng nếu chất lượng bệnh viện tốt hơn thì sẽ được tăng hệ số. Ông Quang lấy ví dụ: Cùng một dịch vụ đỡ đẻ là 3 triệu, nhưng tại bệnh viện có chất lượng với số điểm 4,2/5 thì được tính thêm 200.000 đồng, điểm 4,3 được tính thêm 500.000 đồng. Điều này theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế sẽ khuyến khích được bệnh viện nâng cao chất lượng, “chứ như hiện nay rất tù mù”, ông Quang nói thêm.

Tổ chức kỳ thi cấp Quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Thẳng thắn “chỉ đích danh” lãnh đạo các Sở Y tế, bệnh viện các tuyến chia sẻ ý kiến, Bộ trưởng nêu quan điểm Hội nghị là cơ hội để những người làm công tác y tế xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí “ghè đá vào chân”, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành có quy định cấp chứng chỉ hành nghề không thời hạn cho y, bác sĩ. Nhiều đại biểu cho rằng quy định này của Việt Nam là “độc nhất vô nhị”, là nguyên nhân khiến chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Việt Nam không được các nước phát triển hoặc trong khu vực công nhận. “Ở nước ngoài, việc cấp chứng chỉ này theo kỳ hạn, có thể 5 năm/lần. Nếu bác sĩ có sai sót chuyên môn y tế, không được cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì họ sẽ không gia hạn chứng chỉ. Nếu cấp chứng chỉ hành nghề vô thời hạn, sẽ không tạo động lực học tập, nếu có sai sót dễ bị bỏ qua” – một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương cho hay.

Chia sẻ liên quan điều này, TS Nguyễn Huy Quang cho hay, Dự Luật sửa đổi, bổ sung có quy định “Giấy phép hành nghề có thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày cấp”.

Ngoài ra, Dự Luật rất lưu tâm đến vấn đề nâng cao kỹ năng thực hành y khoa cho người hành nghề, gắn với việc đổi mới đào tạo, trong đó có đổi mới đào tạo chuyên khoa sâu.

Ông Quang thông tin, ở các nước khác, phải thêm chuyên khoa sâu 3 năm mới được hành nghề, khác với Việt Nam, sau khi tốt nghiệp bác sĩ được đi làm luôn. Do đó, trong tầm nhìn dài hạn, Việt Nam cũng sẽ tiếp cận với hướng đào tạo như thế giới. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung sẽ tiến tới quy định sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp sẽ phải tham gia kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ hành nghề, sau đó mới được tham gia khám bệnh, chữa bệnh.

Làm thêm không quá 200h mới được đăng ký hành nghề khám chữa bệnh

Đây là một trong những quy định hoàn toàn mới trong Dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lần này, có 8 nguyên tắc đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có:

- Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB);

- Người hành nghề tại cơ sở KCB được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 01 cơ sở KCB ngoài giờ;

- Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở KCB nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở KCB khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ;

- Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã… trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Theo GiaDinh