Tăng học phí - sinh viên nghèo lại thấp thỏm lo

Mức trần học phí của nhiều trường chưa tự chủ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư lần lượt là 810.000 - 960.000 đồng/tháng/sinh viên và 1.180.000 đồng/tháng/sinh viên, tuỳ khối ngành. Điều này đã khiến nhiều tân sinh viên “toát mồ hôi”.

Tăng học phí - sinh viên nghèo lại thấp thỏm lo

Mức tăng học phí đối với trường đại học chưa tự chủ kinh phí khiến nhiều sinh viên lo lắng. Ảnh: Internet

“Chóng mặt” với học phí tăng

Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, lộ trình từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021. Theo đó, mức trần học phí của các trường đại học sẽ tăng theo từng năm học. Cụ thể, năm học 2018 – 2019, các trường đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ thực hiện tăng học phí từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng/sinh viên so với năm học trước, tùy từng khối ngành. Ví dụ như ngành đào tạo Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm, thuỷ sản thì mức học phí năm học 2018 – 2019 tăng mức tối đa là 1.850.000 đồng/tháng/sinh viên. Ngành đào tạo Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, khách sạn, du lịch thì mức học phí năm học 2018 – 2019 tăng tối đa là 2,2 triệu đồng/tháng/sinh viên. Ngành đào tạo Y, dược có mức học phí tăng tối đa là 4,6 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Riêng với những trường đại học chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (trường ngoài công lập) thì mức trần học phí năm học 2018 – 2019 đối với các khối ngành nêu trên, tăng lần lượt là 810.000 đồng/tháng/sinh viên; 960.000 đồng/tháng/sinh viên và 1.180.000 đồng/tháng/sinh viên.

Việc tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân là chủ trương đúng đắn của Chính phủ trước thực tiễn xu thế phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay, cũng như yêu cầu phát triển của nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc này cũng khiến không ít các sinh viên, tân sinh viên phải “chóng mặt” vì lo lắng cho khoản học phí sắp “đối mặt”.

Nguyễn Mạnh Cường, SN 1997, quê ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang, hiện đang là sinh viên năm 2 ngành Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ: “Em là con trai lớn trong gia đình làm nông, thu nhập của gia đình chỉ dựa vào 5 sào ruộng và canh tác rau theo mùa vụ của gia đình, trong khi đó, nhà có 5 miệng ăn mà tiền học phí trội lên mỗi tháng gần 1 triệu đồng cũng làm ba mẹ em tính toán và trăn trở”.


Thu nhập của gia đình là vậy, nhưng là năm 2 sinh viên đại học và có kinh nghiệm sinh sống ở Thủ đô, Cường cũng giống như nhiều sinh viên khác là tìm nguồn thu nhập bằng các công việc làm thêm ngoài giờ học. Bởi theo Cường, có quá nhiều điều để thúc đẩy các sinh viên đến với đồng tiền khi còn chưa rời khỏi cánh cửa nhà trường, thứ nhất là họ cần tiền, thứ hai là chi phí cuộc sống ở nơi “đất chật người đông” đang đè lên đôi vai họ, nhất là đối với sinh viên ngoại tỉnh.

Tương tự Cường, gia đình em Hoàng Thị Mơ, sinh năm 2000, vừa tốt nghiệp Trường THPT Đầm Hồng, thuộc xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang cũng khá “chóng mặt” với mức học phí đối với trường dân lập, khi cả gia đình Mơ đang định hướng cho em theo học khoa Dược của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Mơ cho biết: “Xã Ngọc Hội ở tỉnh miền núi này không phải là vùng kinh tế sầm uất, ở đây thu nhập chủ yếu là dựa vào buôn bán, nhưng những gia đình như mình ở ven khu phố thì thu nhập chỉ dựa vào chăn nuôi. Với mức tăng học phí như hiện nay theo học đại học cũng là cả một vấn đề đối với gia đình em, chứ chưa nói đến tăng học phí ở trường dân lập”.

Bà Nguyễn Thị Lan, 45 tuổi (mẹ của em Hoàng Thị Mơ) cũng không khỏi trăn trở: “Thu nhập của nhà nông bị eo hẹp đã đành, nhưng việc tăng học phí có chắc chắn sẽ đảm bảo được chất lượng giáo dục cũng sẽ tăng không? Trong trường học con tôi theo học đại học, một tháng gia đình tôi phải có thêm 800.000 đồng (tương đương 2 tạ lúa) để đóng học phí cho con.

Khoản tiền đó là quá lớn đối với một gia đình nông dân như tôi. Tôi nghĩ, khi xã hội ngày càng phát triển, an sinh xã hội ngày càng phải tốt hơn mới đúng. Nhà nước nên miễn nhiều ngành học. Có như thế mới thu hút được những nhân tài từ những gia đình khó khăn về kinh tế nhưng học rất giỏi thi vào. Có thế chúng ta mới mong có bác sỹ giỏi, giáo viên giỏi”.

“Tăng học phí và cuộc sống ngày càng khắc nghiệt nên chẳng ngạc nhiên khi có nhiều nam sinh viên chạy Grab, Uber. Còn nữ sinh viên thì tranh thủ làm thêm công việc chạy bàn, gia sư. Ngoài những nỗi lo về chi phí sinh hoạt thì việc học phí ngày một “phình ra” sẽ là nỗi lo của nhiều gia đình nghèo với sự học hành của con cái”, ông Nguyễn Gia Bình (65 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) chia sẻ.

Thu học phí là “thất sách”?

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TW Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Tăng học phí phải đi đôi với việc đảm bảo tăng chất lượng giáo dục, còn nếu tăng học phí mà mọi sự yếu kém vẫn tồn tại như dư luận xã hội lên án, chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu, sinh viên ra trường rồi lại thất nghiệp thì cha mẹ đầu tư cho con cái đi học mà học xong thất nghiệp thì khác nào là đầu tư “công cốc”(?).

Ngoài ra, việc tăng học phí đối với các trường đại học phải đi cùng với nâng cao chính sách học bổng đối với các sinh viên nghèo, sinh viên giỏi, rất giỏi. Bởi hiện nay, nước ngoài rất chú trọng chính sách học bổng, để khuyến khích sự phát triển các điểm mạnh của mỗi sinh viên, không chỉ vậy, chính sách học bổng còn là sự đầu tư thông minh cho lực lượng lao động sau này”.

GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho biết: “Hiện nay, nhà nước ta đang muốn xây dựng đất nước theo mô hình xã hội học tập, là một xã hội tạo ra mọi cơ hội, điều kiện cho tất cả mọi người từ người nhỏ tuổi đến người về hưu. Xã hội học tập suy cho cùng là 1 hệ thống giáo dục mở, đã là mở thì sẽ cố gắng hạn chế những rào cản.

Thế nên, việc bắt buộc phải đóng tiền học phí là một rào cản mà nhiều trường đang vô tình tạo ra. Cho nên, khi đã thu học phí có thể coi là một sự thất sách. Bởi nếu dạy tốt thì sẽ hạn chế khoản thu này, thu không tràn lan. Đồng thời, việc mở ra các trường đại học dân lập mà chất lượng đào tạo thấp, trong khi mức thu học phí cao thì phải giải tán”.

Theo GiaDinh