"Tăng xông" với bảng kê những việc kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch

Quan niệm dân gian được truyền tai về những việc làm tối kỵ, không nên làm để tránh xui xẻo trong tháng 7 Âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn) đã khiến không ít trường hợp khổ sở.

tang-xong-voi-bang-ke-nhung-viec-kieng-ky-trong-thang-7-am-lich

Không thay áo quần màu đen cho ma-nơ-canh là lưu ý đặc biệt trong “tháng cô hồn” của người kinh doanh thời trang. Ảnh: Bảo Loan

Ám ảnh bóng đêm

Nói đến tháng 7 Âm lịch, nhiều người vẫn mặc định sẽ ghi nhớ những việc tối kỵ không được thực hiện, để tránh bị đen đủi. Bởi quan niệm dân gian cho rằng, đây là thời điểm trong năm vong hồn người đã mất cùng các quỷ đói được Diêm Vương "thả cửa" để trở về dương gian. Mặc dù chẳng có cơ sở nào khẳng định quan niệm trên là đúng song điều đó cũng khiến không ít trường hợp rơi vào tình cảnh oái oăm khi phải cố gắng nhớ "danh sách" các điều cấm kỵ trong tháng cô hồn này.

Bà Vũ Kim Hồng (58 tuổi, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một phụ nữ cầu toàn nên từ khi lập gia đình, bà thường xuyên lo liệu những công việc cúng tế cho gia tiên. Đặc biệt, bà Hồng cũng có thói quen đến những điểm thờ tự trong tháng 7 Âm lịch để "tự động" nói ra hàng loạt những điều cấm kỵ đã thuộc lòng.

Theo quan niệm của bà Hồng: "Có rất nhiều việc không được làm trong tháng 7 Âm lịch, nếu trót phạm thì dễ rước vận xui. Ví dụ, không đi chơi đêm vào tháng "cô hồn", không phơi quần áo vào ban đêm, không được gọi hay gào thét tên nhau vào buổi đêm, không tuỳ tiện đốt vàng mã, không được hù doạ người khác và không được đeo chuông gió trong khu vực đầu giường, cửa sổ, cửa ra vào…".

Lý giải về những điều "cấm kỵ" trên, bà Hồng cho biết: "Trong tháng 7 Âm lịch, ban đêm là thời gian ma quỷ "lộng hành" nên tôi hạn chế làm những điều cấm kỵ để tránh rước xui xẻo. Ví dụ như treo, phơi quần áo vào buổi đêm ma quỷ trông thấy có thể sẽ "mượn" để mặc, nếu ta mặc lại sẽ xui xẻo. Hay đơn cử như việc gọi tên người khác và người khác gọi tên mình trong đêm sẽ khiến ma quỷ nhớ tên, sẽ bị ám. Ngoài ra, việc tuỳ tiện đốt vàng mã sẽ khiến cuộc sống không ổn định bởi ma quỷ đói, thiếu thốn tìm đến"(?).


Không chỉ riêng bà Hồng, ông Bùi Văn Quân (47 tuổi - tài xế một hãng xe taxi tại Hà Nội) chia sẻ: "Trong tháng 7 Âm lịch hạn chế đi đêm, không chở hàng cồng kềnh, không chở nhiều người trên xe, không mặc quần áo màu trắng hoặc đen để đi làm… là những điều cơ bản mà giới tài xế "truyền tai" nhau ghi nhớ".

Tuy nhiên, ông Quân cũng cho rằng: "Tháng 7 Âm lịch là tháng xá tội vong nhân, tháng vu lan báo hiếu. Chúng ta năng cầu an lành hơn là kiêng kỵ những việc làm không có cơ sở khoa học".

Phải phủ bạt ma-nơ-canh vì mong bán được hàng

Là người có nhiều năm kinh doanh mặt hàng thời trang, nên hàng năm, cứ chuẩn bị bước sang tháng 7 Âm lịch, chị Lê Thị Diệu Hương (27 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai) lại tự "kê danh sách" cho mình những điều cần lưu ý đối với người kinh doanh thời trang.

Theo chia sẻ của chị Hương: "Trong những điều tôi được gia đình truyền lại trong tháng Bảy Âm lịch là không phơi quần áo vào ban đêm, không được đứng gần gốc đa, gốc đề, không được chụp ảnh vào ban đêm. Đặc biệt, với người kinh doanh thời trang phải hạn chế thay đồ mẫu cho ma-nơ-canh. Mặc dù chẳng có ai khẳng định được là sẽ xui xẻo khi cố tình phạm phải nhưng suốt thời gian dài bán hàng tôi thấy rằng, cứ vào tháng Bảy Âm lịch là tôi rất khó tiêu thụ hàng. Có lẽ tình trạng này cũng xuất phát vì quan niệm mua quần áo vào tháng này vận vào sẽ không may mắn".

"Dù không ai khẳng định sẽ rước họa vào người nếu cố tình làm điều cấm kỵ trong tháng 7 Âm lịch, nhưng tôi mặc định cho bản thân rằng "có kiêng có lành". Vì vậy, mỗi khi đến tháng này, tôi quán triệt nhân viên không thay sản phẩm mẫu lên ma-nơ-canh vào ban đêm, không thay sản phẩm mẫu màu đen cho ma-nơ-canh. Ngoài ra, vào thời điểm cuối ngày, trước khi ra đóng cửa hàng ra về thì phải phủ bạt kín từ đầu đến chân ma-nơ-canh. 

Đặc biệt là hạn chế chụp ảnh mẫu vào ban đêm tại cửa hàng. Làm vậy để tránh việc không may mắn khi sử dụng những bức ảnh đó và tránh sự xui xẻo từ những bộ đồ được khoác lên mẫu ma-nơ-canh. Mặc dù rất chú ý và phải nhiều năm mới thuộc được những điều cấm kỵ đó, nhưng trong tháng cô hồn, tôi vẫn thấy rất ít khách đi mua đồ thời trang", chị Hương trải lòng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quan niệm Phật giáo cho rănằng, tháng 7 Âm lịch là tháng Vu lan báo hiếu nên thay vì phải ghi nhớ "hàng tá" những điều không được làm thì nên cúng dường gia tiên, tiên tổ chu đáo và sống hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, thân ái những người xung quanh.

Chia sẻ với PV, Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết: "Ngày lễ Vu lan vào tháng Bảy Âm lịch là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Hiếu thảo được xem như đứng đầu trăm hạnh (bách thiện hiếu vi tiên) và bất hiếu là một tội nặng mà nhiều người vô tình mắc phải nhưng không biết. Vì vậy, không chỉ thực hiện việc cúng dường tổ tiên, chư Phật mà còn phải ghi nhớ những việc không được vô tình phạm tội bất hiếu, đó là: Dù tụng kinh niệm Phật cũng phải đặt đấng sinh thành lên đầu tiên; chỉ lo vật chất mà không lo tinh thần cha mẹ là chưa đủ; không cãi lời cha mẹ, đua đòi; không ăn bám, phụ thuộc bố mẹ quá nhiều về kinh tế. Bởi theo giáo lý nhà Phật, những điều kể trên đều được "kê" vào danh sách tội bất hiếu.

Qua những hành động đức hạnh kể trên thì tháng Bảy Âm lịch cũng là thời điểm giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo như "Từ, bi, hỷ, xả", "vô ngã, vị tha", "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây"…".

Theo GiaDinh