Tết đặc biệt của nữ giáo viên bất chấp những dị nghị từ người thân, xã hội để đồng hành cùng trẻ HIV

Ngày cuối cùng của năm 2022 âm lịch, không gian bếp nhỏ của gia đình cô Phùng Thị Thúy Hà đỏ lửa với nồi bánh chưng, khói trắng mở ảo tỏa lên nóc nhà, mang theo hơi ấm của mùa xuân và cả những tiếng nô đùa trong veo của trẻ thơ.

Ngay từ sáng sớm ngày 30 tháng Chạp (ngày cuối cùng của năm 2022), tư gia nhỏ bé của cô Phùng Thị Thúy Hà (47 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) bắt đầu đón những vị khách nhí.

Đây là những em học sinh nhiễm HIV đang học lớp 3, lớp 5 tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội. 15 năm qua, cô Hà vừa là giáo viên, vừa là một người mẹ, một người bạn, kiêm luôn cả một nhân viên y tế chăm sóc các em tại cơ sở này.

tet-dac-biet-cua-nu-giao-vien-bat-chap-nhung-di-nghi-tu-nguoi-than-xa-hoi-de-dong-hanh-cung-tre-hiv

Cô Phùng Thị Thúy Hà chia sẻ với phóng viên.

Cũng từng ấy thời gian, cô Hà đã vượt biết bao dị nghị, bàn tán, lo lắng của gia đình, hàng xóm, dư luận để đồng hành cùng các con, để bây giờ, khi khoảnh khắc giao thừa chuẩn bị "gõ cửa", tư gia nhỏ bé của cô Hà nhộn nhịp hơn bởi những tiếng nô đùa trong veo của các con.

Đối với cô Hà, được gặp gỡ, chăm sóc, yêu thương cùng các con nhiễm HIV cũng bởi một chữ "duyên nợ", được đồng hành cùng các con là bởi chữ "tâm" của người giáo viên. Bởi với cô Hà và các giáo viên tại cơ sở cai nghiện này, các em hoàn toàn không có tội. Các em chỉ là nạn nhân của những người làm bố, làm mẹ thiếu trách nhiệm và sống buông thả.

tet-dac-biet-cua-nu-giao-vien-bat-chap-nhung-di-nghi-tu-nguoi-than-xa-hoi-de-dong-hanh-cung-tre-hiv

Đây là những em học sinh nhiễm HIV đang học lớp 3, lớp 5 tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

Nhớ lại những ngày đầu bắt đầu nhận nhiệm vụ, cô Hà không khỏi xúc động khi vừa bước chân đến cửa lớp, các con ùa ra, đứa níu chân, đứa níu áo gọi "mẹ ơi, bế con được không?" và "mẹ ơi, khi nào chúng con được học ạ?". "Lúc này, tôi mới bảo, được rồi, mẹ sẽ dạy các con", cô Hà trực trào nước mắt kể.


Lời nói đấy tựa như một lời hứa mà cô Hà đã dành cả thanh xuân, cả cuộc đời và vượt lên sự kỳ thị của xã hội, vượt lên cả ranh giới cô trò để gắn mình làm mẹ, làm bạn với những đứa trẻ kém may mắn tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

Cũng bởi sự thiệt thòi cả về tinh thần lẫn vật chất mà những ngày nghỉ lễ, Tết, cô Hà sẽ không ngần ngại đón các con đến tư gia để cho các con cảm nhận phần nào không khí ngày lễ, Tết, không khí của hai chữ "gia đình".

tet-dac-biet-cua-nu-giao-vien-bat-chap-nhung-di-nghi-tu-nguoi-than-xa-hoi-de-dong-hanh-cung-tre-hiv

Toàn cảnh lớp học do cô Phùng Thị Thúy Hà phụ trách đứng lớp với 5 học sinh.

Chỉ tay về phía chiếc hòm gỗ cũ kỹ nhuốm màu thời gian ở góc nhà, cô Hà bảo: "Hòm bưu thiếp đó. Trong hòm chỉ có bưu thiếp và tranh vẽ nguệch ngoặc của các con thôi nhưng là cả gia tài của tôi đấy, mỗi lần chuyển nhà, tôi phải cất nó vào một góc".

Đó là những món quà của các con gửi đến cô Phùng Thị Thúy Hà trong những dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt nam (20/11), quà chúc mừng năm mới ngày Tết. Năm nay, quà Tết của cô Hà vẫn là những bức bưu thiếp được chính tay các con viết và nội dung vẫn là những nét bút nguệch ngoặc, chất chứa đầy tình yêu thương dung dị.  

tet-dac-biet-cua-nu-giao-vien-bat-chap-nhung-di-nghi-tu-nguoi-than-xa-hoi-de-dong-hanh-cung-tre-hiv

15 năm gắn bó với bục giảng là từng ấy thời gian mang cái chữ, sự yêu thương và chăm sóc đến với các bé là nạn nhân của HIV, cô Hà luôn cảm thấy hạnh phúc, ấm lòng mỗi khi các con nở những nụ cười trong veo.

 

Là học sinh nhiễm HIV nên các con không những nhạy cảm về mặt tâm lý, tinh thần, mà sức khỏe, thể trạng cũng yếu ớt hơn, chỉ cần trở trời, các con cũng có thể có biểu hiện mệt mỏi. Bởi vậy, ngoài trách nhiệm của một người giáo viên, cô Hà tự nhận mình là một nhân viên y tế biết "bắt" bệnh các con để từ đó, nhanh chóng thông báo đến nhân viên y tế xử trí kịp thời.

Không những vậy, với những học sinh đến tuổi dậy thì, có những thay đổi trên cơ thể, cô Hà cũng kiêm luôn là người mẹ, người bạn để cùng tâm sự, chỉ dạy, hướng dẫn các con thích nghi, biết cách tự chăm sóc cơ thể.

Cũng bởi vậy, mà năm nào cũng vậy, cứ Tết đến Xuân về, tư gia nhỏ bé của cô Hà lại đầy ắp tiếng nô đùa của con trẻ.

Từ tư gia nhỏ bé ấy, thỉnh thoảng, những người hàng xóm lại nghe được những câu nói vọng về: "Để con lau lá cho cô", "Cô ơi, con rửa bát nhé", "Cô ơi, con quét nhà nhé"… và theo sau đó là những tiếng nói đầy sự ấm áp của cô Phùng Thị Thúy Hà: "Hôm nay các con muốn ăn gì…?".

15 năm gắn bó với bục giảng là từng ấy thời gian mang cái chữ, sự yêu thương và chăm sóc đến với các bé là nạn nhân của HIV, cô Hà luôn cảm thấy hạnh phúc, ấm lòng mỗi khi các con nở những nụ cười trong veo. 

Theo GiaDinh