Thanh Hoá: Cảnh báo chiêu trò lừa đảo "tuyển gia sư" trên mạng

Bằng thủ đoạn đăng thông tin tuyển gia sư, hoặc nhắn tin trực tiếp tới tài khoản cá nhân để mời gọi gia sư với mức lương cao, nhưng sau khi sinh viên trao đổi, đóng lệ phí qua mạng cho những trang tuyển gia sư này thì tiền mất mà lớp dạy cũng không nhận được.

Theo phản ánh của một số sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, thời gian qua có một số trang gia sư trên mạng xã hội Facebook nhắn tin mời gọi. Sau khi 2 bên thống nhất mức lương thì các trang này sẽ cung cấp số tài khoản và yêu cầu sinh viên đóng phí bằng 15-20% "tiền lương" gia sư trước khi liên lạc với phụ huynh để nhận lớp. Tuy nhiên, khi nhận được tiền, lập tức tài khoản mạng xã hội của người tuyển chặn mọi liên lạc với sinh viên.

Chị L.T.D.Q (sinh viên năm 2, Trường Đại học Hồng Đức) cho biết: "Sau khoảng 15 phút trao đổi, người tuyển cho biết mỗi tuần dạy 2 buổi, mỗi buổi 2 giờ, học phí 1,6 triệu đồng/tháng và phí nhượng lại 200.000 đồng một lớp. Thấy thông tin về lớp học khá chi tiết nên Q nhận 2 lớp và đã chuyển 400.000 đồng vào số tài khoản họ yêu cầu rồi yên tâm chờ tới ngày nhận lớp.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cả tuần nhưng Q vẫn chưa được nhận lớp, liên lạc lại với trang tuyển dụng và "phụ huynh" thì mới tá hỏa khi biết tài khoản Facebook, số điện thoại liên lạc không thể liên lạc được. Q đến địa chỉ số nhà "phụ huynh" cung cấp tại TP Thanh Hóa thì thấy đây là ngôi nhà hoang, lúc đó mới biết là đã bị lừa. "Rất mong nhà trường sớm đưa thông tin rộng rãi về hình thức lừa đảo này để các bạn sinh viên khác không mắc bẫy, đồng thời, mong rằng những ai cũng bị lừa như em sẽ báo cáo lại sự việc với nhà trường, để Cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, truy tìm những đối tượng lừa đảo", Q. bức xúc.

Cũng như trường hợp trên, em P.T.L (sinh viên năm nhất Trường Trường Đại học Hồng Đức) kể: "Do muốn kiếm việc làm thêm để trang trải một phần chi phí sinh hoạt nên em đã tham gia một nhóm gia sư tại TP. Thanh Hoá. Sau khi vào nhóm không lâu, thấy có tài khoản nhắn thông tin mời nhận lớp dạy kèm học sinh lớp 4 với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng, phí nhận lớp 20% nên em nhận ngay. Người môi giới gửi thông tin và hứa uy tín nên em yên tâm và chuyển phí cho họ. Đến ngày đi dạy, em chạy tới địa điểm họ cung cấp mà vẫn không tìm thấy địa chỉ. Gọi cho phụ huynh thì số điện thoại sai. Em mở điện thoại để liên lạc với người môi giới thì tài khoản đã bị chặn".

thanh-hoa-canh-bao-chieu-tro-lua-dao-tuyen-gia-su-tren-mang

Em L.T.D.Q kể lại việc bị lừa đảo

Sau khi biết mình bị lừa, L. lên nhóm gia sư và chia sẻ về sự việc thì không ngờ khi có nhiều người khác cũng bị chủ tài khoản trên lừa, với những thông tin và mức phí như nhau. Những người lừa đảo đã dùng tin nhắn chuyển tiền của người này gửi qua cho người khác để tạo được lòng tin.


Trao đổi với PV về thông tin trên, PGS.TS Bùi Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những sinh viên chưa có kinh nghiệm, mong muốn tìm những công việc làm thêm nhẹ nhàng với mức lương cao. Ngay sau khi vào trường, các sinh viên được Đoàn thanh niên khuyến cáo không nên tham gia các tổ chức tự phát, các trang web chưa được kiểm chứng. Về việc những sinh viên bị lừa đảo qua mạng xã hội, các em có thể đến Phòng công tác sinh viên trường Đại học Hồng Đức để báo cáo vụ việc, sau đó nhà trường sẽ ghi nhận lại thông tin. Sau khi tổng kết số trường hợp bị hại cùng số tiền bị chiếm đoạt, nhà trường sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an. Trong trường hợp sinh viên đặc biệt khó khăn, bị lừa số tiền lớn, nhà trường sẽ kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ các em.

Có thể thấy tình trạng lừa đảo từ môi giới việc làm sinh viên thường bắt nguồn từ các mẩu tin rao vặt, lời mời chào hấp dẫn. Ngoài ra, những hình thức lừa đảo sinh viên làm việc online, không mất thời gian di chuyển nhưng vẫn kiếm được khoản thu nhập ổn cũng rất phổ biến.

Theo GiaDinh