Thiếc tiềm ẩn trong những sản phẩm và tàn phá sức khỏe người dùng ra sao?

Các chuyên gia hóa học cho rằng, một khi bị nhiễm độc thiếc sẽ khiến nội tạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy sản phẩm này có trong những đồ dùng nào?

Cách đây ít ngày Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 6 bệnh nhân bị nhiễm độc thiếc, phần lớn nhiễm độc nặng. Tất cả các trường hợp đều có nồng độ thiếc trong máu cao, phần lớn cao gấp chục lần ngưỡng cho phép. Đặc điểm chung của các bệnh nhân trên là họ cùng làm việc chung tại bộ phận nghiền nhựa tái chế của một công ty sản xuất mành rèm ở Thanh Miện, Hải Dương. Điều đáng chú ý là trước khi vào làm, tất cả đều khỏe mạnh.

Chỉ sau một thời gian ngắn làm việc tại đây (ngắn nhất là 4 ngày, lâu nhất là 1 tháng) các công nhân có chung biểu hiện: Rối loạn tâm thần, đặc biệt là mất trí nhớ, lú lẫn, kích động, hành vi bất thường, chụp cộng hưởng từ sọ não có tổn thương chất trắng lan tỏa trên não, xét nghiệm máu có nhiễm toan chuyển hóa, hạ kali máu nặng.

Theo kết luận ban đầu cho thấy, nguyên nhân khiến những bệnh nhân trên có biểu hiện trên là do đều có nồng độ thiếc trong máu cao gấp chục lần ngưỡng cho phép. Đây là những trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện.

Thiếc hiện hữu ở đâu, trong những sản phẩm gì? 

Thực tế, thiếc là một kim loại màu trắng bạc rất dễ kéo sợi và dát mỏng. Nó là một trong những kim loại hậu-chuyển tiếp, chúng có xu hướng mềm hơn và dẫn điện và dẫn nhiệt kém hơn các kim loại chuyển tiếp. Thiếc là một cấu trúc kết tinh cao, vì thế khi bị bẻ cong nó gây ra tiếng rưng rức.

Nhiễm độc thiếc có thể gây tử vong cần nhận biết để tránh 

Thông tin thêm về thiếc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết thiếc tồn tại dưới dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và các hợp chất thiếc hữu cơ. Trong đó, thiếc kim loại và thiếc vô cơ tương đối an toàn với sức khỏe con người, khó hòa tan trong nước hay môi trường xung quanh, "kể cả lò luyện thiếc, hơi vô cơ bay lên cũng không nguy hiểm".


Thiếc có trong mạch điện hàn

Thiếc chủ yếu được dùng trong mạch điện hàn dưới dạng hợp kim với chì. Thiếc được sử dụng trong một số hợp kim như chất hàn chì, kim loại chảy, hộp thiếc, đồng thiếc, kim loại đúc chuông, kim loại Babbitt, kim loại White, hợp kim đúc chết và đồng thiếc phosphore.

Thiếc có trong sản phẩm chống ăn mòn như thùng container bảo quản thực phẩm

Thiếc còn được dùng để mạ lên những kim loại khác vì nó giúp chống ăn mòn. Các thùng container bảo quản thực phẩm thường được mạ thiếc. Thiếc bấm lỗ là một phương pháp thiết kế thường được sử dụng để chế tạo đèn trang trí và những đồ gia dụng khác.

Thiếc có trong đèn hiệu trang trí

Kim loại đúc chuông là một hỗn hợp của thiếc và đồng thiếc. Muối thiếc được sử dụng cho đèn hiệu trang trí và tấm chắn gió không bám sương vì nó có thể tạo ra lớp phủ dẫn điện. Kính lắp cửa sổ thường được chế tạo bằng cách thả nổi tấm kính nóng chảy trên thiếc nóng chảy để tạo ra bề mặt phẳng lì.

Riêng các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, dễ hấp thu qua đường hô hấp, da và đường tiêu hóa. Độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl, được dùng làm chất ổn định nhựa, ổn định nhiệt và rất dễ bay hơi.

Thiếc là một loại kim loại nặng thường thấy trong sản xuất bột màu, sản xuất sơn, hoặc sử dụng tại các nhà máy đóng, sửa tàu thủy, phá dỡ tàu thủy, nhưng ít thấy trong sản xuất nhựa.

Nhiễm độc thiếc nguy hiểm thế nào?

Theo ông Côn, rất khó phân biệt được đồ dùng hàng ngày làm từ thiếc vô cơ hay hữu cơ song hầu hết đồ dùng tráng thiếc đều an toàn và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. 

Tuy nhiên, nhiễm độc thiếc là vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới ở nước ta, nhất là những người làm tái chế rác thải nhựa. Các bệnh nhân đầu tiên đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, một người đàn ông 35 tuổi đã chết do nhiễm độc thiếc. Trên thế giới cũng mới ghi nhận một vài trường hợp.

Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương ở các cơ quan, nặng nề nhất ở não, gan, thận, hệ miễn dịch, máu...

Đối với hệ thần kinh trung ương khi ngộ độc thiếc qua đường hít, qua da hoặc đường ăn uống thường gây mê sảng, lú lẫn, kích động, rối loạn chức năng tiểu não, rung giật nhãn cầu, co giật, bệnh thần kinh cảm giác, chứng bịa chuyện và rối loạn nhìn. Bệnh nhân phải mất nhiều tháng, nhiều năm để hồi phục.

Đối với hệ hô hấp, nếu hít phải thiếc hữu cơ có thể gây tình trạng khó thở, ho, thở rít, bệnh bụi phổi khi hít phải thiếc oxit mạn tính.

Đối với hệ tiêu hóa, khi ăn hoặc uống phải muối thiếc có tính ăn mòn sẽ gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn nhìn, kích thích niêm mạc, mất thính lực.

Dấu hiệu ngộ độc thiếc rất dễ bị nhầm với các bệnh khác, ví dụ tổn thương não chất trắng bị nhầm là do viêm não hoặc các bệnh não khác; đau đầu chóng mặt dễ nhầm là thiếu máu... Do đó, những người làm việc trong các môi trường tái chế nhựa nên đi kiểm tra sức khỏe, sàng lọc và cảnh giác hơn khi có dấu hiệu bất thường.

Theo VietQ