Thịt lợn tăng giá, người tiêu dùng lo lắng

Thời gian qua, giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị bất ngờ tăng mạnh. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng cho rằng, do nguồn cung lợn hơi khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi hoành hành trước đó. Giá thịt lợn tăng cũng kéo theo giá một số mặt hàng thực phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân.

thit-lon-tang-gia-nguoi-tieu-dung-lo-lang

Người dân “choáng” vì giá thịt lợn thành phẩm tăng cao trong những ngày qua. Ảnh: Lê Bảo

Tăng do nguồn cung khan hiếm

Thời gian gần đây, rất nhiều người dân Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước bất ngờ trước việc giá thịt lợn tăng chóng mặt. Theo khảo sát, giá lợn thành phẩm tại các chợ truyền thống tại Hà Nội tăng đến 30% so với trước đây. Thịt ba chỉ có giá 120.000 đồng/kg; thịt nạc 125.000 đồng/kg; chân giò 130.000 đồng/kg; thịt nạc vai 110.000 đồng/kg. Trong khi đó, các loại thịt được bán ở nhiều siêu thị lớn nhỏ cao hơn với chợ truyền thống từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Tú (kinh doanh thịt lợn tại chợ Cầu Giấy) cho biết: "Cách đây khoảng 1 tuần, giá thịt bất ngờ đẩy lên cao. Tuy nhiên, trước khi giá lợn tăng cao thì từ tháng 7, tháng 8 giá cũng đã tăng trở lại sau khi chạm đáy thời điểm dịch tả lợn châu Phi hoành hành". Nguyên nhân chị Tú đưa ra khiến giá lợn thành phẩm tăng chóng mặt do nguồn cung cấp lợn hơi khan hiếm. Trong khi đó, chị Thanh Bình, một tiểu thương khác cho biết: "Lò mổ để giá cao khiến chúng tôi buộc phải bán ra với giá như hiện nay".

Trong khi đó, tại một chợ cóc tại quận Hà Đông, chị Nguyễn Thanh Dung chia sẻ: "Giá thịt lợn tăng so với thời điểm trước cũng dễ hiểu bởi sau nhiều tháng người nông dân lao đao với dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Rất nhiều gia đình, nhiều trang trại đã không còn lợn trong chuồng, nguồn lợn cung cấp khan hiếm khiến giá bị đẩy lên cao. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, người dân cũng quay lại ăn thịt lợn nhiều hơn trong bữa cơm".

Theo khảo sát của PV tại một số tỉnh lân cận Hà Nội như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên… giá lợn hơi tăng mạnh, thậm chí có nơi thu mua đến trên 70.000 đồng/kg. Nói về điều này, chị Thúy – một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trú tại TP Bắc Ninh cho hay: "Cách đây ít ngày, gia đình tôi bán nốt 2 con cuối cùng trong chuồng với giá 70.000 đồng/kg lợn hơi, tuy nhiên đến thời điểm này giá đã cao hơn nhưng không còn lợn để bán. Trong khi đó, tiểu thương thu mua lợn thi nhau lùng sục khắp nơi để thu mua".


Giá thịt lợn tăng khiến chi phí cho bữa ăn cũng tăng, nhiều bà nội trợ đã phải loay hoay tìm cách chuyển sang một số thực phẩm khác hoặc các loại thịt động vật khác để bổ sung vào mâm cơm. Việc dịch chuyển này cũng khiến tiểu thương tự đẩy giá những mặt hàng này có phần tăng nhẹ. Cụ thể như giá thịt gà tăng khoảng 10.000 đồng/kg, thịt bò tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg… so với trước đây.

Lo lạm chi thời thịt lợn tăng giá

thit-lon-tang-gia-nguoi-tieu-dung-lo-lang

Giá thịt lợn tăng cao ít nhiều ảnh hưởng đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình.

Chị Phan Tú, chủ một quán cơm trên đường Trung Kính (Cầu Giấy) cho rằng: "Giá thịt lợn tăng khiến chi phí thực phẩm khác cũng tăng. Nếu trước đây, chúng tôi bỏ ra 1 triệu đồng tiền thịt lợn thì nay phải bỏ ra 1,2 triệu đồng, trong khi đó giá mỗi suất cơm vẫn giữ nguyên. Bởi nếu tăng giá, chúng tôi sẽ mất một lượng khách không nhỏ nên đành chấp nhận việc giảm nguồn thu, đợi giá thực phẩm ổn định trở lại".

Gia đình chị Khánh (trú tại quận Thanh Xuân) có 6 người, việc lựa chọn thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày là không thể thiếu. Tuy nhiên, những ngày gần đây mỗi khi đi chợ, chị Khánh phải đắn đo trong việc lựa chọn thực phẩm làm sao cho cân đối với chi tiêu nhưng vẫn đảm bảo bữa ăn gia đình đầy đủ dinh dưỡng. Chị nói: "Giá thịt lợn tăng mạnh đã đành, nhưng các loại thực phẩm khác cũng tăng theo khiến gia đình tôi tăng thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/bữa ăn. Tính đơn giản như vậy sẽ thấy cả tháng gia đình chúng tôi cũng phải chi thêm khoảng 2 triệu đồng".

Trao đổi với PV trước việc giá thịt lợn tăng mạnh, bà Nguyễn Thị Dinh (trú tại Tam Trinh, Mai Động, Hoàng Mai) nói: "Thời điểm trước khi giá thịt lợn giảm do ảnh hưởng từ dịch nên thời điểm này tăng trở lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế giá thịt lợn tăng cao thế này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình, nhất là gia đình đông người. Người dân chỉ hi vọng thời gian tới giá thịt lợn nói riêng cũng như các mặt hàng thịt từ động vật khác nói chung bình ổn trở lại".

Ổn định giá thịt lợn đến Tết Nguyên đán

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao. Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019.

Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).

Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 và 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các nội dung trên trước ngày 21/10/2019.

Theo GiaDinh