Thủ đoạn tinh vi của đường dây nhập trái phép máy móc Nhật đã 'hết đát' cả chục năm

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới đây đã tiến hành xử lý hình một vài đối tượng có liên quan tới vụ nhập máy móc Nhật Bản đã qua sử dụng của Nhật Bản.

Theo đó, những đối tượng bị truy tố trong vụ buôn lậu máy tiện, máy phay, máy ép nhựa từ Nhật Bản từ năm 2017 gồm Trần Quốc Vương (SN 1977, ngụ quận 10), Vũ Văn Dũng (SN 1970, điều hành Công ty Gia Hưng, Công ty Long Bình, Công ty Ánh Dương), Phạm Đình Huân (SN 1981, ngụ quận 9), Nguyễn Hòa Hiếu (Giám đốc Công ty Khánh Huy), Nguyễn Mộng Hùng (SN 1968, ngụ quận 12), Dương Minh Trường (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH Minh Kỳ).

Theo Cơ quan CSĐT, Công an TP HCM, vào thời điểm năm 2017, Trần Quốc Vương thành lập Công ty Trần Lê Minh (trụ sở quận 12). Sau đó, Vương mua máy móc công cụ đã qua sử dụng, sản xuất vào thập niên 1980, 1990 từ một người đàn ông Nhật Bản tên Makoto.

Thủ đoạn tinh vi của đường dây nhập trái phép máy móc Nhật đã 'hết đát' cả chục năm

Nhập máy móc Nhật Bản đã qua sử dụng nhiều đối tượng bị xử lý hình sự. Ảnh: NLĐ

Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng TP HCM khẳng định tất cả các mặt hàng trên đều không đủ điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do tuổi thiết bị vượt quá 10 năm kể từ ngày sản xuất.

Cũng theo cơ quan chức năng, dù biết rõ máy móc đã quá sử dụng nhưng Vương vẫn trực tiếp sử dụng pháp nhân Công ty Trần Lê Minh và thuê Dũng, Hiếu dùng pháp nhân Công ty Gia Hưng, Công ty Long Bình, Công ty Ánh Dương, Công ty Khánh Huy lập giả hồ sơ để nhập số lượng lớn hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam tiêu thụ.

Trên hồ sơ, các bị can ghi năm sản xuất các loại máy móc là 2008. Sau khi hàng về Cảng Cát Lái, Dũng làm thủ tục và giao lại cho Vương. Huân là người giúp sức cho Dũng trong việc làm giả hồ sơ và làm thủ tục mở tờ khai hải quan để nhập khẩu các lô hàng. Tổng giá trị hàng hóa Vương cùng đồng bọn nhập lậu tương đương 90 tỷ đồng.


Với thủ đoạn tương tự, Hùng thuê Trường sử dụng pháp nhân Công ty Minh Kỳ làm giả hồ sơ để nhập máy móc công cụ đã qua sử dụng. Lô hàng sau khi kiểm hóa được Trường đưa về kho Chi nhánh Công ty Khánh Huy, giao cho Hùng tiêu thụ. Trường đã nhập cho Hùng 33 lô hàng với tổng số tiền thanh toán tương đương 5,1 tỉ đồng.

Liên quan tới việc nhập máy móc đã qua sử dụng, theo Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quy định về yêu cầu cụ thể để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng phải đảm bảo không vượt quá 10 năm. Các thiết bị phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu khi doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sửa chữa, thay thế đối với thiết bị đang được vận hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất có thể tự nhập khẩu hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác thực hiện việc nhập khẩu.

Trong trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này đối với thiết bị đã qua sử dụng (thấp hơn 10 năm) và thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ biết để thống nhất quản lý.

Theo VietQ