Thu giữ hàng tấn nầm và nội tạng động vật đang phân hủy

Lực lượng chức năng vừa tiến hành thu giữ khoảng 1,8 tấn nầm và nội tạng động vật đông lạnh đang trong quá trình phân hủy được vận chuyển đi tiêu thụ.

Cụ thể, Đội 5 - Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP.Hà Nội phối hợp Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ kiểm tra xe tải mang BKS: 29H-178.14 đang dừng đỗ trước số nhà 50 ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện trên xe tải xếp nhiều thùng xốp được đóng kín, bên trong chứa nầm, nội tạng động vật và một số thực phẩm đông lạnh, có tổng trọng lượng khoảng 1,8 tấn. Đáng chú ý, dù đã được trữ đông nhưng số nầm và nội tạng có biểu hiện bốc mùi khó chịu, bề mặt ngoài đã chuyển màu, dấu hiệu cho thấy đang trong quá trình phân hủy.

Toàn bộ thùng xốp này bên ngoài đều in chữ Trung Quốc. Lái xe tải không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số thực phẩm trên.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hiển, Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội, thời tiết đã chuyển sang mùa đông nên các quán lẩu nướng trên địa bàn Hà Nội hoạt động hết công suất từ quán ăn vỉa hè đến nhà hàng phục vụ nhu cầu của thực khách. Tuy nhiên, không ai có thể dám chắc những thực phẩm đã được tẩm ướp bày ra đĩa kia có nguồn gốc từ đâu, chất lượng thế nào. Và ngay cả 1,8 tấn nầm, nội tạng “bẩn” vừa bị phát hiện trên, nếu được tuồn vào các nhà hàng, quán ăn, ai dám đảm bảo hậu quả của nó đối với sức khỏe người tiêu dùng.

thu-giu-hang-tan-nam-va-noi-tang-dong-vat-dang-phan-huy

 Toàn bộ số nội tạng có dấu hiệu phân hủy bị cơ quan chức năng thu giữ. 

Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, để bảo vệ sức khỏe người dân, đơn vị đã quán triệt tăng cường nắm tình hình, tuần tra kiểm soát, phối hợp các lực lượng có liên quan nhằm kịp thời phát hiện hành vi mua bán, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” để xử lý.


Công an TP.Hà Nội khuyến cáo người dân cẩn trọng khi ăn uống, nhất là các quán ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh hậu quả khôn lường như ngộ độc thực phẩm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nội tạng là các bộ phận bên trong động vật như gan, thận, tim, dạ dày, óc, nầm... Xét về mặt dinh dưỡng, nội tạng có hàm lượng calo tương tự thịt nạc (từ 100-150calo/100gr), hàm lượng protein khoảng 16-22% trọng lượng (trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo trung bình từ 5-7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao.

Một số bộ phận tiêu biểu như gan có nhiều vitamin A và D, quan trọng nhất là hàm lượng sắt rất cao, có thể phòng ngừa bệnh thiếu máu, mù màu, còi xương. Tim có hàm lượng natri thấp và rất nhiều chất sắt. Óc giàu niacin, phosphorus, B12 và vitamin C. Huyết động vật cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt và các loại vitamin...

Tuy nhiên, đa số nội tạng động vật đều chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt. Do đó, người tiêu thụ nhiều thực phẩm này sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch, đặc biệt đối với người cao tuổi, người béo phì và mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, gout... Ngoài ra, chúng còn tiềm ẩn nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh cho người, đặc biệt là đối với các nội tạng động vật không rõ nguồn gốc.

thu-giu-hang-tan-nam-va-noi-tang-dong-vat-dang-phan-huy

 Người tiêu dùng không nên sử dụng các sản phẩm nội tạng không rõ nguồn gốc. 

Cụ thể, nếu ăn óc bò không rõ nguồn gốc, mô hệ thống thần kinh có thể bị truyền bệnh não xốp bò “bệnh bò điên” (bovine spongiform encephalopathy). Gan động vật chăn nuôi không vệ sinh (do ăn thức ăn chăn nuôi nhiễm nấm mốc), nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm aflatoxin cao - chất có khả năng gây ung thư gan ở người.

Lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu (tiết), nội tạng và thịt lợn sẽ chứa lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này như tiết canh, lòng, nem chua, nem chạo, cháo lòng... chưa được nấu chín, liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.

Ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Người bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Một số ruột động vật có chứa lượng lớn vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nguy hiểm hơn, nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than..., bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, thậm chí có thể tử vong.

Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

Thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Theo VietQ