'Thủ phạm' khiến nhiều người trẻ bị tâm thần, cả triệu đàn ông Việt thích

'Thủ phạm' khiến người trẻ bị tâm thần, Tâm thần do rượu là bệnh lý khá phổ biến trong các bệnh loạn thần do nghiện chất. Người tâm thần do rượu điều trị cũng vô cùng khó khăn.

Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên phải đưa chồng vào viện điều trị chứng ảo giác do rượu.

Chồng chị Hiếu sinh năm 1981, trước đó anh làm giám đốc một công ty xây dựng với nhiều khách hàng. Nhưng vì tính “nát rượu”nên dần dần bạn bè, khách hàng xa lánh, công ty cũng hoạt động cầm chừng chẳng có đơn hàng rồi phá sản.

Ba năm nay, công việc không như ý anh càng uống rượu nhiều hơn. Cách đây 2 năm, anh bị chảy máu tiêu hoá phải vào viện cấp cứu bác sĩ yêu cầu bệnh nhân phải cai rượu nhưng khi cai thì anh bị chứng sảng rượu.

Tuổi trẻ nhưng anh suốt ngày chửi bới vợ con, thậm chí luôn có ảo tưởng bị vợ con hãm hại. Chị Hiếu rất đau lòng, tâm sự “con tôi một cháu 12 tuổi, một cháu 10 tuổi nhưng luôn sợ bố. Tôi không dám để con ở nhà với bố vì sợ anh chửi và đánh chúng”. 

thu-pham-khien-nhieu-nguoi-tre-bi-tam-than-ca-trieu-dan-ong-viet-thich

Ảnh minh hoạ.

Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn H. (38 tuổi, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), do uống quá nhiều rượu từ năm 18, 19 tuổi và uống liên tục trong một thời gian dài nên anh H. ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu rối loạn tâm thần, hay chửi bới, la hét.


Theo người nhà, mỗi năm anh phải vào bệnh viện tâm thần từ 3 đến 4 lần để điều trị. Nhưng khi tình trạng ổn định, được xuất viện thì lại tiếp tục uống rượu. Vợ anh H. chán còn bế cả con bỏ đi nơi khác ở. 

Khi đưa chồng vào viện, chị H. cũng khổ sở vì anh không hợp tác. Chị kể khi vui vẻ hai vợ chồng trò chuyện chị phân tích cho chồng được – mất của rượu thì anh gật gù đồng ý, vào viện điều trị cai rượu nhưng khi vào tới viện, cơn thèm rượu lên thì anh quên sạch và có hiện tượng sảng rượu.

Theo Bác sĩ CKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc – Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, rượu và các đồ uống có cồn được dùng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Theo báo cáo của ngành y tế, mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn - 3.8 lít cồn nguyên chất với người trên 15 tuổi giai đoạn từ 2003 – 2005 đến 6.6 lít cồn/năm giai đoạn 2008.

Đến 2018 lượng tiêu thụ là 4 tỷ lít bia, 3,5 triệu lít rượu, đưa Việt Nam vào nước tiêu thụ rượu bia đứng đầu Đông Nam Á và thứ 3 ở Châu Á, ở vị trí 29 trên thế giới về chỉ số sử dụng rượu bia. Tỷ lệ dân số từ 18 – 21 sử dụng rượu bia chiếm 67%.

Theo bác sĩ Ngọc, rượu bia là chất gây nghiện gây nhiều biến chứng về tâm thần, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.

Theo nghiên cứu của Viện sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện loạn thần do sử dụng nghiện chất thì rượu đứng hàng đầu.

Trong đó, 26.6 % bệnh nhân vào viện để cai chủ động hoặc triệu chứng cai nhẹ, 6,5 % bệnh nhân vào vì sảng rượu, 59 % bệnh nhân vào viện vì loạn thần do rượu.

Rượu ảnh hưởng tới sức khoẻ âm thần, theo bác sĩ Ngọc, lạm dụng rượu gây hại cả về thể chất và tinh thần. Các trường hợp hay gặp như loạn thần do rượu bệnh nhân có triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc như hưng cảm, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và nhận thức, rối loạn chức năng tình dục.

Khi bị say rượu còn bị rối loạn thần kinh của cơ thể. Ví dụ nồng độ 50 mg/dl sẽ có dấu hiệu say, trên 80 mg/dl thì say rõ ràng, nồng độ rượu tăng từ 300 mg/dl bị say, hôn mê. Từ 600 mg/dl có thể truỵ mạch và tử vong.

Khi dùng lượng rượu không nhiều, người uống rượu có thể cảm thấy khoan khoái, vui vẻ, nói nhiều, tăng hoạt động, tăng trí nhớ. Đây là giai đoạn kích thích.

Khi dùng lượng rượu lớn hơn thì người uống có thể có rối loạn vận động như đi lảo đảo, nói lè nhè, cảm xúc thay đổi dễ chuyển từ vui nhộn sang bực tức.

Các rối loạn về cơ thể như nhịp tim nhanh, rối loạn vận mạch như đỏ da, tái da, giãn đồng tử, nhìn đôi. Nếu uống quá nhiều thì có thể trầm trọng hơn là hạ huyết áp, hạ thân nhiệt và tử vong.

BS Ngọc cho biết rượu tác động tới 2 cơ quan chính là rối loạn chuyển hoá và ức chế hệ thần kinh trung ương. Cai rượu là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ. Tỷ lệ người có nhu cầu cai rượu ngày càng cao nhưng cai rượu cũng cần quyết tâm như cai các loại nghiện chất khác. 

Theo GiaDinh