Thực phẩm biến đổi gen: Mập mờ ghi nhãn, người tiêu dùng khó phân biệt

Người tiêu dùng gặp khó khăn trước hiện trạng nhiều thực phẩm biến đổi gen trên thị trường không được ghi nhãn đúng quy định.

Hiếm sản phẩm biến đổi gen ghi nhãn đầy đủ

Ngày 23/11/2015 Liên Bộ: Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn. Thông tư quy định rõ thực phẩm biến đổi gen phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và phải ghi bằng tiếng Việt cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/1/2016 và có thời hạn chuyển tiếp là 1 năm, sau ngày 8/1/2017 thực phẩm biến đổi gen có nhãn không phù hợp không được tiếp tục sản xuất và nhập khẩu và lưu thông.

Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa quy định ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen. Theo đó, nhãn hàng hóa thực phẩm biến đổi gen bắt buộc phải thể hiện các nội dung như: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin cảnh báo.

Đặc biệt trên nhãn phải ghi cụm từ: “Thực phẩm biến đổi gen” hoặc “Biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam (Viet Q.vn) trên thị trường Hà Nội, rất khó để có thể tìm được một sản phẩm là thực phẩm biến đổi gen có ghi nhãn đầy đủ.


Thực phẩm biến đổi gen: Mập mờ ghi nhãn, người tiêu dùng khó phân biệt

Thực phẩm biến đổi gen: Mập mờ ghi nhãn, người tiêu dùng khó phân biệt

Thực phẩm được ghi nhãn với nội dung "sử dụng công nghệ chuyển gen". 

Cụ thể, tại hàng loạt các cửa hàng rau quả lớn trên các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Từ Liêm…mà PV ghi nhận, hầu như không có bất cứ sản phẩm rau, quả nào được ghi nhãn biến đổi gen. Các sản phẩm rau quả được phân phối chủ yếu là rau an toàn, rau hữu cơ, hoa quả nhập khẩu trồng theo phương pháp thường có sử dụng thuốc trừ sâu (mã số bắt đầu từ số 3,4) và hoa quả hữu cơ (mã số bắt đầu bằng số 9).

Tại một số siêu thị lớn như BigC, Seika Mart, Fivimart…lượng rau quả hầu hết cũng có nguồn gốc hữu cơ hoặc là rau quả an toàn (sản phẩm có chất lượng đúng như đặc tính giống, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và môi trường).

Đối với mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn, các sản phẩm được ghi nhãn biến đổi gen chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có loại thực phẩm chỉ ghi những cụm từ không rõ ràng như “sử dụng công nghệ chuyển gen” chứ không ghi rõ là “biến đổi gen” như nội dung quy định trong Thông tư liên tịch của Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT.

Người dùng còn e ngại

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam (Viet Q.vn) về vấn đề nêu trên, chị Lưu Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Dù làm nội trợ và thường xuyên phải đi mua sắm rau quả, thực phẩm nhưng bản thân tôi chưa thấy và cũng chưa mua được sản phẩm nào có ghi nhãn nguồn gốc biến đổi gen. 

Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng nếu không ghi nhãn, việc để tự bản thân người dùng phân biệt sản phẩm biến đổi gen với các sản phẩm thường là rất khó.

“Đi ra chợ, tôi thường xuyên gặp các sản phẩm rau quả như bí ngòi, cà chua, ớt, ngô…có hình dạng, kích cỡ bất thường, khác so với những sản phẩm mà thường ngày chúng tôi dùng. Nhiều người bảo đó là những sản phẩm biến đổi gen, nhưng chính xác hay không phải cơ quan chức năng mới biết được. Nhìn bề ngoài thì chúng tôi cũng không dám khẳng định đó là thực phẩm biến đổi gen”, chị Minh chia sẻ.

Thực phẩm biến đổi gen: Mập mờ ghi nhãn, người tiêu dùng khó phân biệt

Có không ít các thực phẩm biến đổi gen xuất hiện trên thị trường không được ghi nhãn khiến người dùng lo ngại. 

Liên quan tới vấn đề này, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết.

Đây cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, dù chỉ mới công nhận 4 giống ngô biến đổi gen (chưa tiến hành trồng đại trà), song việc nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen (đậu tương, ngô,… ) là thực tế từ khoảng 10 năm gần đây. Do đó, việc quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen sẽ góp phần minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hàng triệu tấn bắp, đậu nành và khô dầu đậu nành từ Mỹ, Brazil, Argentina... về để chế biến thức ăn gia súc và làm thực phẩm, đó toàn là thực phẩm biến đổi gen. Phần lớn đậu nành nhập khẩu về Việt Nam để chế biến dầu ăn, nước đậu nành hay đậu phụ cũng toàn là hàng biến đổi gen.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù thực phẩm biến đổi gen đang tồn tại hằng ngày và thường xuyên có mặt tại nhiều chợ thực phẩm nhưng đối với người tiêu dùng, việc phân biệt các sản phẩm này bằng mắt thường là không khả quan. Rất có thể, nhiều người tiêu dùng đang sử dụng những sản phẩm biến đổi gen mà không hề hay biết.

Theo VietQ