Thượng tọa Thích Nhật Từ: Dâng sao giải hạn là mê tín dị đoan

“Theo minh triết của đạo Phật, nhắc nhở về đạo đức, hành đạo của tăng ni thì không được dâng sao giải hạn, bói toán, ngày lành tháng tốt…những điều đó theo nhà Phật là mê tín“, Thượng toạ Thích Nhật Từ chia sẻ

Thưa Thượng toạ Thích Nhật Từ, cứ ra giêng hiện tượng dâng sao giải hạn tại các chùa lại “nở rộ”, nhà nhà, người người đến chùa làm lễ này. Vậy Thượng toạ nghĩ như nào về hiện tượng này?

- Theo minh triết của đạo Phật, nhắc nhở về đạo đức, hành đạo của tăng ni thì không được , bói toán, ngày lành tháng tốt…những điều đó theo nhà Phật là mê tín.

thuong-toa-thich-nhat-tu-dang-sao-giai-han-la-me-tin-di-doan

Thượng toạ Thích Nhật Từ tham dự lễ hội Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: Huy Hoàng

Gốc rễ của tập tục dâng sao giải hạn là mê tín có xuất xứ từ Trung Hoa, trong giai đoạn từ thế kỷ I đến thế kỷ X Việt Nam bị Trung Quốc xâm thực văn hoá trong suốt 10 thế kỷ đô hộ, cho nên Trung Quốc rất khéo đưa Tam giác đồng nguyên, đó là chính sách xâm thực văn hoá rất nguy hại. Họ hạ mình xuống để cho người bị đô hộ chấp nhận văn hoá của họ, chấp nhận thần linh, phong tục, chính sách… của họ để người Việt Nam chấp nhận đi theo.

Thứ hai, về việc một số chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn, chúng ta cần phân định hai khu vực địa dư. Đó là Phật giáo từ khu vực Quảng Trị cho tới Cà Mau thì việc dâng sao giải hạn trong chùa là không có, nếu có chỉ có một số chùa không đáng kể. Còn thói quen này đang được tiếp biến văn hoá trong một số chùa miền Bắc, một số chùa Bắc Trung bộ.


Thượng toạ Thích Nhật Từ sinh ngày 1.4.1969 (ngày 15.2 năm Kỷ Dậu) tại TP.HCM. Thầy xuất gia với Hoà thượng Thích Thiện Huệ tại chùa Giác Ngộ năm 1984 và thọ giới tỳ kheo năm 1988. Thầy trụ trì tại chùa Giác Ngộ từ năm 1992. Sau đó, Thầy du học tại Ấn Độ năm 1994 và tốt nghiệp tiến sĩ triết học năm 2001.

Hiện nay, Thượng tọa Thích Nhật Từ là trụ trì tại chùa Giác Ngộ (TP.HCM và Vĩnh Long), chùa Vô Ưu (Q. Thủ Đức), Chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), Chùa Linh Xứng (Huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá)

 

Tại các chùa miền Nam, ngày 8 tháng giêng âm lịch được xem là ngày cúng xá hội đầu năm thì các chùa tổ chức cúng cầu an gồm ba nội hàm: Cầu hoà bình thế giới; cầu quốc gia độc lập, trong đó độc lập quốc gia chủ quyền, độc lập kinh tế, văn hoá, tri thức… Thứ 3 cầu cho các gia đình, mọi người được duyên trong kinh doanh, làm ăn và hạnh phúc trong cuộc sống.

Theo tôi đây là 3 nội hàm cầu ước rất chân thành, là nguồn động lực thúc đẩy tâm lý hướng cho mọi người phía trước, với nỗ lực đúng, phương pháp đúng và kết quả đúng.

Tôi nghĩ nếu các chùa tiếp biến văn hoá, các tập tục ngoài đạo Phật ở mức độ này thì rất được tán dương. Tuy nhiên tôi rất tiếc một số chùa vẫn thực hiện đọc tên sao, tên hạn, mà theo đức Phật là gây nỗi sợ hãi.

Ví dụ như nghe nói năm nay tôi sao xấu chiếu mệnh, hạng bản xấu… thì gần như người ta sẽ bỏ lỡ các cơ hội hợp đồng, làm ăn, nỗ lực phấn đấu. Bởi cuộc sống là dòng trôi chảy, biến động rất nhiều nên làm người ta sợ hãi, cuộc sống của họ cảm thấy bất an.

Chính những bất an đó là nỗi khổ, niềm đau, cho nên các tăng sĩ tôi chỉ kính mong chúng ta hãy dựa vào nền minh triết của đức Phật cũng là con đường tỉnh thức, con đường khoa học, con đường minh triết để dẫn dắt quần chúng đi trên con đường này. Một mặt chúng ta thoát khỏi sợ hãi, mặt khác người ta không phải tốn kém chi phí cho hoạt động xem hạn, xem sao xấu, lễ dâng sao giải hạn. Thì lúc đó tinh thần Phật giáo trở thành người dẫn đường về trí tuệ, về đời sống đạo đức, về trị liệu tâm lý…

Tôi rất tiếc một số chùa chưa quán triệt tinh thần đó nên để xảy ra việc mà trong suốt thời gian qua báo chí đăng tải và đưa tin, bài về lễ dâng sao giải hạn xảy ra trong khuôn viên của chùa, mà vốn dĩ đi ngược với văn hoá Phật giáo, triết học và sự hành trị của Phật giáo.

Là Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Phật giáo quốc tế, Phó Ban Giáo dục tăng ni, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng toạ thấy thế nào khi các chùa làm lễ dâng sao giải hạn đang đi ngược với chức năng của nhà chùa?

thuong-toa-thich-nhat-tu-dang-sao-giai-han-la-me-tin-di-doan

Thượng toạ Thích Nhật Từ thắp hương trên mộ đại danh y Lê Hữu Trác tại lễ hội Hải Thượng Lãn Ông diễn ngày 17.2 (tức ngày 13 tháng giêng âm lịch). Ảnh: Huy Hoàng

- Công việc tôi làm hàng ngày chia sẻ chân lý, đạo đức Phật cho quần chúng. Phật giáo từ năm 1981 trở thành một tổ chức thống nhất rất mạnh, gồm có 18.636.000 ngôi chùa và 56.000 tăng ni tu học và hành đạo.

Chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi rõ trong hiến chương Giáo hội cũng như quy chế hoạt động của 13 ban, ngành trung ương, không có một điều lệ nào cho phép thực hiện những điều đó, ngược lại còn nghiêm cấm nữa.

Tuy nhiên, về phần giám sát thực hiện thì có lẽ chưa được toàn triệt. Vẫn còn xảy ra chỗ này, chỗ kia và người ta lấy danh nghĩa cầu an, vốn là chúc nguyện an lành đầu năm, phù hợp với nguyện vọng của con người.

Nhưng người ta nhân danh cầu an để làm dâng sao giải hạn một cách thầm lặng hay công khai mà chúng ta lại không có những bộ phận đi thanh tra và giám sát nên để xảy ra những điều đáng tiếc. Nên tôi nghĩ là đã đến lúc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp trung ương, cụ thể là hai trụ sở ở miền Nam và miền Bắc có quy định cụ thể hơn nữa.

Như hiện nay, mình chưa nghiêm cấm nên người ta vẫn khéo léo lách cái này, qua cái kia nên hiện tượng này vẫn xảy ra.

Và tôi cho rằng chúng ta đã vô tình làm cho quá nhiều các dây chùm gửi thuộc về tập tục dân gian, mà gốc rễ là ở Trung Hoa gắn kết với đạo Lão và cũng được đạo Nho tiếp biến để bám lên thân cây Bồ Đề của đạo Phật, nếu không khéo cây Bồ Đề to lớn gấp trăm lần, nghìn lần lại mất đi chức năng trị liệu và phát huy.

Thượng toạ nghĩ như thế nào khi có ý kiến cho rằng lý do chính một số chùa làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn là bởi lợi ích kinh tế. Khi 1 người làm lễ cầu an và dâng sao giải hạn phải nộp 200.000 đồng. Một khoá lễ cầu an, dâng sao giải hạn có tới hàng nghìn người tại một chùa, nên số tiền của khoá lễ đó sẽ là con số “khủng”. Điều này cũng đã được các chuyên gia văn hoá nhận định như vậy?

- Tôi vẫn giữ quan điểm độc lập và thận trọng, bởi tôi chưa chứng kiến cụ thể chùa nào làm hiện tượng này. Với những điều thấy nghe e còn lầm lẫn cho nên mô tả của báo chí không biết có thực tế không, hay lấy tờ báo A cho tờ báo B nên có nhiều sai lệch lắm. Nhưng đặt giả định hiện tượng này có thật, thì điều đó không phù hợp với văn hoá Phật giáo, không phù hợp với chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo thì có chủ trương tuỳ hỉ công đức, ai muốn phát tâm cúng dường thì họ tuỳ hỉ, đóng góp ít nhiều thì cũng tốt, thậm chí không đóng góp mà đến chùa vẫn được tán dương. Chứ không có quy định về giá cả.

Thực ra thì trong nhiều tôn giáo ở phương Tây, người ta đều có quy định khoản đóng góp cho các sinh hoạt, lễ nghi. Có nơi ít, có nơi nhiều để tiếp tục duy trì, bảo hành các sinh hoạt. Về phương diện giữa nhà tôn giáo và tín đồ thì tôi cho rằng đó là một nhu cầu rất cần thiết. Nhưng đối với Phật giáo thì đó là không phù hợp.

Về bản chất, các chùa khi nhận số tiền đó cũng là để phát triển cơ sở, trùng tu rồi duy trì sinh hoạt phí, nên tôi nghĩ là chấp nhận được.

Còn nói rằng vì lợi ích kinh tế nhà chùa nhận lời làm dịch vụ lễ cầu an, dâng sao giải hạn thì tôi nghĩ là không đúng. Bởi có những tôn giáo trên thế giới, cứ đến cuối tháng mỗi tín đồ phải đóng 4% đến 6% tiền lợi tức thu nhập cho giáo hội và bắt buộc. Đóng góp cao như vậy nhưng không thấy các báo chí nói đến, nhưng cũng nhờ cách đóng góp như vậy mà giáo hội của họ rất mạnh về phương diện chính trị, tác động chính trị trên toàn cầu.

Tôi nghĩ mỗi tôn giáo có cách thức hành đạo riêng, khi mình đánh giá một vấn đề mà chỉ chăm bẵm về kinh tế thì không sát. Nếu như tổ chức chính trị, kinh tế, tôn giáo, xã hội không có kinh tế sẽ không làm được việc gì, ai có thể làm được việc trong tình trạng bao tử trống không?

Tuy nhiên, nếu có chùa nào làm việc này, tôi không tán đồng. Nhưng vì tôi chưa chứng kiến nên không biết việc đó có thật hay không, hay bị bơm phồng, bị hiểu sai nên tôi không đánh giá cụ thể được.

Theo tôi phần chính ở đây là khoản cúng đó phục vụ cho cái gì, nếu phục vụ cho các hoạt động phật sự hữu ích hay phục vụ cho nhân sinh thì đó là điều tốt.

Xin cám ơn Thượng toạ Thích Nhật Từ!

Theo DanViet