Tin 27/4: Diễn biến nóng vụ xách ma túy từ Pháp về Việt Nam; quy định mới về việc đeo khẩu trang phòng COVID-19

Mở rộng vụ 4 nữ tiếp viên hàng không xách 11kg ma túy, công an xác định được đối tượng cầm đầu và làm rõ thêm 6 chuyến hàng kem đánh răng chứa ma túy tổng hợp từ Pháp về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài; Hà Nội quy định những đối tượng, địa điểm bắt buộc đeo khẩu trang phòng COVID-19 để tăng cường công tác phòng, chống dịch.

Quy định mới về việc đeo khẩu trang phòng COVID-19

tin-27-4-dien-bien-nong-vu-xach-ma-tuy-tu-phap-ve-viet-nam-quy-dinh-moi-ve-viec-deo-khau-trang-phong-covid-19

Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi có không gian kín. Ảnh: Hữu Hưng

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc UBND TP Hà Nội vừa có công văn về việc tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30-4 và 1-5; chú trọng tuyên truyền chính xác tình hình dịch bệnh đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thông điệp 2K của Bộ Y tế "khẩu trang, khử khuẩn"; lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc-xin COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền quy định thực hiện đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 6-9-2022 của Bộ Y tế. Nơi công cộng được hiểu là nơi phục vụ chung cho nhiều người tại những địa điểm có không gian kín như: Rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng... hoặc các địa điểm có không gian mở như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe...

Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.


Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với hành khách, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi...).

Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối.

Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay).

Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người (các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao; lễ cưới, lễ tang, lễ hội, hội chợ).

Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.

Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế.

Tại cơ sở y tế, nơi cách ly y tế, nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế, bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả các đối tượng.

Theo quy định, việc không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm: Đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

Vụ tiếp viên hàng không xách ma túy: Phát hiện 6 chuyến vận chuyển qua sân bay Nội Bài

tin-27-4-dien-bien-nong-vu-xach-ma-tuy-tu-phap-ve-viet-nam-quy-dinh-moi-ve-viec-deo-khau-trang-phong-covid-19

Ma túy được ngụy trang tinh vi trong các tuýp kem đánh răng (Ảnh: Hải quan TPHCM).

Sáng 26/4, Công an TPHCM đã thông tin tiếp về vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được phát hiện ngày 16/3.

Theo đó, chỉ trong thời gian 30 ngày, Công an TPHCM và các đơn vị phối hợp đã làm rõ chuyến hàng phát hiện vào ngày 16/3 do các nữ tiếp viên bị lợi dụng vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Đồng thời, xác định thêm 6 chuyến hàng chứa ma túy tổng hợp các loại do cùng một đối tượng người Việt Nam lưu trú tại Pháp, sử dụng thủ đoạn cất giấu ma túy trong các tuýp kem đánh răng, hộp thực phẩm chức năng…; lợi dụng người Việt Nam học tập, định cư tại Pháp có nhận dịch vụ gom hàng, chuyển phát nhanh hàng hoá quốc tế để vận chuyển ma túy về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.

Tiếp đến, đối tượng này sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh trong nước để đưa số ma túy này giao về cho một đối tượng tại Đồng Nai tách thành từng kiện hàng riêng, vận chuyển bằng đường bộ giao cho các đối tượng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương.

Tại đây, ma túy tiếp tục được chia nhỏ, tiêu thụ tại nhiều điểm tại TPHCM và một số tỉnh, thành khác; không liên quan đến các nữ tiếp viên nêu trên.

Theo Công an TPHCM, quá trình truy bắt các đối tượng trong chuyên án gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi, sử dụng dịch vụ giao hàng công nghệ để giao nhận ma túy.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã được huy động tham gia điều tra mở rộng vụ án đã tập trung xác minh, làm rõ từng đầu mối thông tin dù là nhỏ nhất để phục vụ công tác truy bắt.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố tổng cộng 22 vụ án, khởi tố 65 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm; xử lý vi phạm hành chính 12 đối tượng; thu giữ gần 50kg ma túy tổng hợp các loại, 2 khẩu súng và nhiều tang vật khác có liên quan.

Qua vụ án, Công an TPHCM khuyến cáo người dân và các đơn vị kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa và quốc tế cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin người gửi, nguồn gốc hàng hoá nhận vận chuyển để tránh việc bị lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy; kịp thời thông tin đến cơ quan công an về các kiện hàng hoá có dấu hiệu bất thường để xử lý theo đúng quy định.

Mâu thuẫn, mẹ kế tẩm xăng đốt sách vở con riêng khiến 4 người bỏng nặng

tin-27-4-dien-bien-nong-vu-xach-ma-tuy-tu-phap-ve-viet-nam-quy-dinh-moi-ve-viec-deo-khau-trang-phong-covid-19

Em Nguyễn Ngọc Phương đang được điều trị tại bệnh viện

Ngày 26-4, lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết vụ việc mẹ kế tẩm xăng đốt sách vở của con chồng khiến cả nhà bỏng nặng, xã đã chuyển hồ sơ lên công an TP Nha Trang để tiếp tục xử lý theo quy định.

Theo lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc, thời gian gần đây mạng xã hội có lan truyền câu chuyện mẹ kế tẩm xăng đốt con chồng nhưng thực tế là mâu thuẫn gia đình. Người mẹ kế bực tức, dùng xăng tưới lên đốt sách vở nhưng ngọn lửa bùng mạnh khiến chính người này cũng bị bỏng nặng.

Thông tin ban đầu, ông Nguyễn Minh Tr. (40 tuổi) có 2 người con là Nguyễn Ngọc Phương L. (17 tuổi) và Nguyễn Văn P. (12 tuổi) nhưng không may vợ bị bệnh qua đời cách đấy 9 năm. Ông Tr. đi thêm bước nữa, lấy bà V.N.X.Tr. (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Ngọc). Hai người con ông Tr. về ở với ông bà nội. Năm 2022, ông đón 2 người con về ở chung.

Theo ông Tr., ngày 22-4, qua camera thấy người vợ một mực đòi đuổi 2 chị em L. ra khỏi nhà rồi chạy đi lấy bình xăng và hộp quẹt. Thấy vậy, ông vội chạy về nhà ngăn lại. Khi về đến nhà thấy người vợ chạy vào phòng học của 2 con ông và bắt đầu tưới xăng lên sách vở. Ông Tr. và 2 con chạy theo, trong lúc giằng co, người vợ liền bật lửa khiến ngọn lửa bùng lên lan khắp phòng làm cả 4 người bị bỏng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Giang, Trung tâm chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết lúc nhập viện 2 cha con bị bỏng với tỉ lệ gần 30%, em P. bị 14%. Hiện các vết bỏng trên cơ thể nạn nhân đã được xử trí, sức khoẻ các bệnh nhân tạm ổn, đang được chăm sóc, điều trị giảm đau, bù dịch, bù điện giải, kháng sinh… Riêng bà Tr, bỏng chiếm tỷ lệ 50% đã đưa vào TP HCM để tiếp tục điều trị.

Bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam thêm 10 ngày

tin-27-4-dien-bien-nong-vu-xach-ma-tuy-tu-phap-ve-viet-nam-quy-dinh-moi-ve-viec-deo-khau-trang-phong-covid-19

Bà Nguyễn Phương Hằng

Ngày 26-4, một nguồn tin cho biết lãnh đạo VKSND TP HCM đã ra quyết định tạm giam thêm 10 ngày (từ ngày 25-4 đến 5-5) đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, CEO Công ty CP Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Trước đó, Công an TP HCM đã chuyển toàn bộ kết luận và hồ sơ vụ án sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm khác cùng 1 tội danh.

Tính đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị tạm giam hơn 1 năm và vụ án đang trong giai đoạn nghiên cứu kết luận điều tra để truy tố, xét xử.

Về việc tạm giam bị can trong quá trình điều tra, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty luật Lưu Vũ) cho biết: Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn quyết định việc truy tố, trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: truy tố bị can trước tòa án; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

"Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, viện kiểm sát có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của bộ luật này. Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1, điều 240 của bộ luật này", luật sư Toàn dẫn quy định điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo kết luận, bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh mạng xã hội xâm phạm đến danh dự 9 người gồm: nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, bà Ðặng Thị Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên và chồng là Lê Công Vinh, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM).

Bà Nguyễn Phương Hằng khai rằng những thông tin bà nói trên livestream do nằm mơ, đọc trên mạng, chưa được kiểm chứng.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng khai các thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân trên đều do bà này đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh. Các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng tại TP HCM nhiều nhất có đến 610.355 lượt xem, 14.000 lượt thích và 5.021 lượt bình luận.

Tại Bình Dương, các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng xúc phạm người khác, có người xem nhiều nhất lên đến 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích và 32.000 lượt bình luận.

Xôn xao tin nhắn giáo viên nói xấu, miệt thị phụ huynh và học sinh

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh chụp lại các đoạn tin nhắn trong nhóm kín của một nhóm giáo viên mầm non. Nội dung tin nhắn chứa lời lẽ không đúng chuẩn mực của giáo viên đối với phụ huynh và học sinh. "Ngoài miệt thị ngoại hình phụ huynh, các cô còn mỉa mai, nói xấu và có những lời lẽ không hay đến học sinh, trong khi các em còn nhỏ chưa biết gì" - nội dung thông tin đăng trên mạng xã hội.

Được biết, các giáo viên trong đoạn tin nhắn được xác định đang công tác tại một cơ sở mầm non ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Bài viết, sau khi thông tin trên được đăng tải đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã tỏ ra bức xúc, bất bình trước những lời lẽ không đúng chuẩn mực của các giáo viên.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Xuân Nhương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, cho biết sự việc xảy ra tại một nhóm trẻ độc lập thuộc cơ sở tư thục Ngôi Sao, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu. Sau khi nhận được thông tin, Phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với chủ cơ sở mầm non nói trên.

Sau buổi làm việc, chủ cơ sở này đã xác nhận nội dung đăng tải trên mạng xã hội là sự thật, đồng thời nhận lỗi và có văn bản báo cáo. Chủ cơ sở cam kết công khai xin lỗi phụ huynh và học sinh.

Cũng theo ông Nhương, những lời lẽ trong tin nhắn của những giáo viên trên là không đúng chuẩn mực, tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến phụ huynh và học sinh có con đang theo học tại đây. Sau sự việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở ngoài công lập về việc thực hiện đúng các quy định, chuẩn mực của nhà giáo.

Nữ sinh lớp 8 bị ép quỳ trên nền nhà vệ sinh và nhận "mưa tát"

tin-27-4-dien-bien-nong-vu-xach-ma-tuy-tu-phap-ve-viet-nam-quy-dinh-moi-ve-viec-deo-khau-trang-phong-covid-19

Nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng trong nhà vệ sinh (Ảnh cắt từ clip).

Ngày 25/4, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho hay, đơn vị đang làm rõ vụ một nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng trong nhà vệ sinh Trường THCS thị trấn Gio Linh.

Sự việc xảy ra vào ngày 24/4, sau đó được quay lại và phát tán trên mạng xã hội. Chỉ vài giờ sau khi được đăng tải, clip đã nhận được hàng trăm ngàn lượt xem và chia sẻ, hầu hết người xem đều tỏ ra khá bất bình về vụ việc.

Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh đã chỉ đạo Trường THCS thị trấn Gio Linh cử giáo viên chủ nhiệm cùng gia đình đưa học sinh bị đánh đến khám tại Trung tâm Y tế huyện. Đối với các học sinh tham gia vụ việc, nhà trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh để xử lý theo quy định.

Trong đoạn clip được đăng tải, một nữ sinh bị ép quỳ xuống giữa nền nhà vệ sinh và liên tục bị nhóm nữ sinh khác tát, dùng mũ bảo hiểm đánh vào mặt, nhóm nữ sinh còn tìm cách xé áo của bạn.

Theo thông tin ban đầu, nữ sinh bị đánh học lớp 8, Trường THCS thị trấn Gio Linh. Nữ sinh này bị một số bạn cùng trường và 2 học sinh lớp 10, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gio Linh đánh đập, quay clip.

Sau khi nắm bắt sự việc, lãnh đạo UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo các đơn vị xác minh, làm rõ.

Bắt cóc làm thịt ăn, 3 người bị ngộ độc nguy kịch

tin-27-4-dien-bien-nong-vu-xach-ma-tuy-tu-phap-ve-viet-nam-quy-dinh-moi-ve-viec-deo-khau-trang-phong-covid-19

Ba người bị ngộ độc do ăn thịt cóc được cấp cứu kịp thời đã qua cơn nguy kịch.

Chiều tối 25/4, tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Quảng Bình cho biết 3 bệnh nhân người dân tộc Bru-Vân Kiều nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ăn thịt cóc đã được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch đến tính mạng.

Được biết, 3 người bị ngộ độc do ăn thịt cóc đều trong một gia đình gồm người bố 40 tuổi, người mẹ 36 tuổi và con trai 20 tuổi, đều trú tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sáng sớm, thấy cóc trong vườn nhà nên người mẹ bắt làm thịt làm thức ăn buổi sáng cho cả nhà.

Sau khi ăn thịt cóc khoảng 30 phút, cả 3 người xuất hiện tình trạng mệt, tức ngực, khó thở, đau bụng, đi ngoài… rơi vào tình trạng ngộ độc nguy kịch đến tính mạng nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngay sau khi tiếp nhận, các y bác sĩ tại khoa Nội tiêu hóa - huyết học lâm sàng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã nhanh chóng cấp cứu, chữa trị tích cực cho các bệnh nhân.

Theo GiaDinh