Tin 5/11: Cứu sống bé sơ sinh 31 tuần tuổi bị đẻ rơi trong nhà vệ sinh; bệnh nhân bị ngưng tim, trên đường đưa về quê lo hậu sự bất ngờ tỉnh lại

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) cho biết các bác sĩ vừa kịp thời cấp cứu, hồi sức thành công một em bé sơ sinh đẻ rơi trong nhà vệ sinh; Một người đàn ông bị ngưng tim, tiên lượng nặng được đưa về quê lo hậu sự đã bất ngờ tỉnh lại và được bệnh

Từ 12/12, hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh

tin-511-cuu-song-be-so-sinh-31-tuan-tuoi-bi-de-roi-trong-nha-ve-sinh-benh-nhan-bi-ngung-tim-tren-duong-dua-ve-que-lo-hau-su-bat-ngo-tinh-lai

Hình minh họa.

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 14/2022/TT-BTTTT ngày 28/10/2022 quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.

Trong đó quy định đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Điều kiện được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh:

+ Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến (máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay) thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (tính đến thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương).

+ Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.


Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ số đối tượng được hỗ trợ điện thoại thông minh của Chương trình và số lượng đối tượng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh) trên cơ sở số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng tỉnh.

Số điện thoại thông minh, máy tính bảng thuộc Chương trình này và máy tính, máy tính bảng đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các nguồn khác thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đảm bảo không vượt quá số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 của mỗi địa phương.

Tiêu chí ưu tiên hộ gia đình được nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh theo thứ tự sau:

+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách người có công với cách mạng.

+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội.

+ Hộ nghèo.

+ Hộ cận nghèo.

2 hình thức hỗ trợ

Chương trình hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình theo 1 (một) trong 2 (hai) hình thức sau:

1- Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp).

2- Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022).

Nội dung và mức hỗ trợ:

Trường hợp hỗ trợ thông qua gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp, nội dung hỗ trợ bao gồm kinh phí hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh và kinh phí hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất của Chương trình; Trong đó:

- Giá điện thoại thông minh do doanh nghiệp cung cấp không được thấp hơn mức hỗ trợ bằng tiền.

- Mức hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.

Nếu hộ gia đình mua điện thoại thông minh trên thị trường (trường hợp hộ gia đình nhận hỗ trợ bằng tiền) hoặc mua điện thoại thông minh thông qua gói dịch vụ kết hợp của doanh nghiệp có giá cao hơn mức hỗ trợ từ Chương trình, hộ gia đình tự bổ sung số kinh phí tăng thêm.

Điều kiện được nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh:

Hộ gia đình có tên trong danh sách được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Hộ gia đình phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Hộ gia đình nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh ở doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ gia đình.

Hộ gia đình ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào, thực hiện nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở tỉnh, thành phố đó.

Hồ sơ nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh của hộ gia đình:

Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của chủ hộ hoặc của người đại diện hộ gia đình nhận hỗ trợ (có bản chính để đối chiếu).

Bản sao được chứng thực Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo đang trong thời gian chưa thoát nghèo, cận nghèo.

Hóa đơn mua điện thoại thông minh của hộ gia đình từ thời điểm 12/12/2022 (đối với trường hợp nhận hỗ trợ bằng tiền).

Bệnh nhân bị ngưng tim, trên đường đưa về quê lo hậu sự thì bất ngờ tỉnh lại và được cứu sống

tin-511-cuu-song-be-so-sinh-31-tuan-tuoi-bi-de-roi-trong-nha-ve-sinh-benh-nhan-bi-ngung-tim-tren-duong-dua-ve-que-lo-hau-su-bat-ngo-tinh-lai

Bệnh nhân được cứu sống hy hữu - Ảnh: X.H

Tối 3/11, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết thông tin trên và đã làm lễ trao giấy ra viện cho bệnh nhân được cứu sống đặc biệt hy hữu này vào chiều cùng ngày.

Trước đó, ngày 23-10, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân N.H.K. (47 tuổi, quê ở xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) trong tình trạng hôn mê sâu.

Điều đặc biệt theo gia đình, bệnh nhân làm việc, sinh sống tại TP.HCM. Trong lúc đang ăn uống, có dùng bia rượu thì bị đau ngực, được đưa vào một bệnh viện ở TP.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim với biến chứng ngưng tuần hoàn hô hấp. Sau một thời gian hồi sức tim phổi, bệnh tiên lượng nặng nên bệnh viện khuyên gia đình đưa về quê lo hậu sự.

Theo người vợ, trên đường về quê, thấy tay chân ông K. chuyển động nên gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam với hy vọng còn nước còn tát.

Các bác sĩ của khoa nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam nhanh chóng hội chẩn, báo động đỏ can thiệp tim mạch. Sau khi xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, ê kíp can thiệp tim mạch chụp động mạch vành và tái thông đoạn động mạch vành bị tắc.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh dần ra, tự thở được, được duy trì thuốc vận mạch liều thấp và hồi sức tại phòng hồi sức.

Sau năm ngày được cứu sống, bệnh nhân được áp dụng các chương trình phục hồi chức năng tim mạch cơ bản. Đến chiều 3-11, bệnh nhân được khoa nội tim mạch cho xuất viện để điều trị ngoại trú.

Cứu sống bé sơ sinh  31 tuần tuổi bị đẻ rơi trong nhà vệ sinh

tin-511-cuu-song-be-so-sinh-31-tuan-tuoi-bi-de-roi-trong-nha-ve-sinh-benh-nhan-bi-ngung-tim-tren-duong-dua-ve-que-lo-hau-su-bat-ngo-tinh-lai

Khu vực tiếp nhận bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) ngày 3/11 cho biết các bác sĩ vừa kịp thời cấp cứu, hồi sức thành công một em bé sơ sinh đẻ rơi trong nhà vệ sinh.

Trước đó, nữ bệnh nhân 41 tuổi ở Hà Nội, có thai 31 tuần được gia đình đưa đến khám vì lý do trước đó có sốt 4 ngày. Ngày 29-10, trước khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba khám, bệnh nhân đã đi khám sản khoa, kết quả thai nhi hoàn toàn bình thường.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi và có biểu hiện đau chân, đi lại khó khăn phải có người dìu. Bệnh nhân cho biết vẫn cảm thấy thai máy bình thường, không ho, không khó thở, bụng không đau, không thấy cơn co tử cung.

Nghi ngờ bệnh nhân có sốt virus hoặc tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ đã cho bệnh nhân nằm theo dõi tại phòng cấp cứu, cho truyền dịch và lấy máu làm xét nghiệm chẩn đoán.

Sau khoảng 30 phút, bệnh nhân muốn đi vệ sinh và được điều dưỡng trực hỗ trợ đến nhà vệ sinh. Tuy nhiên, khi vào nhà vệ sinh, bệnh nhân bất ngờ chuyển dạ và sinh luôn em bé trong nhà vệ sinh.

Lúc này điều dưỡng đã nhanh chóng báo gọi cấp cứu cho cả tua trực. Ngay lập tức, kíp trực do tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Nguyệt Nga, Trưởng Khoa Nội của bệnh viện, làm trưởng kíp trực đã kịp thời đỡ đẻ cho sản phụ. Khi đỡ ra, trẻ sơ sinh tím tái toàn thân, ngừng tim, không thở.

Nhận thấy tính mạng của trẻ sơ sinh rất nguy kịch, bác sĩ tiến hành ép tim cho trẻ, đồng thời hà hơi thổi ngạt miệng, ép tim ngoài lồng ngực, ủ ấm cho trẻ, báo động đỏ nội viện, báo trực lãnh đạo, Khoa Nhi hỗ trợ, cả bệnh viện cùng sẵn sàng tinh thần để cứu hai mẹ con.

Sau khi hà hơi thổi ngạt, ép tim được một phút thì trẻ có nhịp thở ngáp, có nhịp tim, tiếp tục ép tim, thổi ngạt, ôxy mast, trẻ có nhịp tự thở, khóc to và hồng dần toàn thân. Khi nhân viên Khoa Nhi mang bóng Ambu đến thì tiếp tục bóp bóng ôxy 100% cho bé sơ sinh. Lúc này cháu bé có nhịp tim 140 lần/phút.

"Em bé chào đời trong tình trạng tím tái toàn thân, ngừng tim và nếu chờ có dụng cụ cấp cứu thì có thể sẽ qua mất "giờ vàng" bởi chỉ chậm 1-2 phút bé có nguy cơ chết não nên trong tình huống đó tôi quyết định hà hơi thổi ngạt miệng. May mắn em bé đã có nhịp thở. Hai mẹ con được kíp trực và người nhà bệnh nhân khác hỗ trợ đưa về phòng cấp cứu. Trẻ được ủ ấm, cắt dây rốn, băng vô khuẩn để chuyển đến bệnh viện chuyên khoa" - bác sĩ Nga chia sẻ.

Đến 11 giờ (khoảng 30 phút sau khi bé chào đời) sản phụ và em bé đã được nhân viên của bệnh viện hỗ trợ chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp tục theo dõi, điều trị. Hiện tại, sức khỏe hai mẹ con ổn định, bé gái chào đời nặng 1.500 gram đã tự thở bình thường, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Phát hiện người đàn ông vận chuyển tê tê, rắn hổ mang ở Lâm Đồng

tin-511-cuu-song-be-so-sinh-31-tuan-tuoi-bi-de-roi-trong-nha-ve-sinh-benh-nhan-bi-ngung-tim-tren-duong-dua-ve-que-lo-hau-su-bat-ngo-tinh-lai

Hai cá thể tê tê do người đàn ông vận chuyển trái phép. Ảnh: C.A

Chiều 3/11, Công an tỉnh Lâm Đồng ra quyết định bắt giữ Trình Vẩy Nhần (40 tuổi, quê Bình Thuận) để điều tra về hành vi buôn bán động vật hoang dã.

Theo công an, khuya 30/10, ông Nhần chạy xe máy chở theo 2 cá thể tê tê và 2 cá thể rắn hổ mang. Khi đến thôn Hải Ninh, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), thì bị lực lượng Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Lâm Đồng) kiểm tra, bắt giữ.

Qua giám định, cơ quan chuyên môn xác định động vật ông Nhần vận chuyển là 2 cá thể tê tê mẹ và con (tê tê mẹ nặng 3,6 kg, con nặng 100 gram được 2 ngày tuổi); hai cá thể rắn, gồm một hổ mang chúa có trọng lượng 2,3 kg, dài 2,8 m (đã chết) và một hổ mang trâu nặng 1,5 kg, dài 2,1 m.

Đây là những động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn. Tại cơ quan công an, ông Nhần khai mua những động vật trên ở Bình Thuận với giá 5 triệu đồng, đang đưa về Lâm Đồng bán lại thì bị phát hiện.

Bác tin đồn 3 người đánh ghen bị rơi xuống sông Sài Gòn

Ngày 4/11, mạng xã hội lan truyền thông tin một vụ đánh ghen xảy ra trên cầu Bình Triệu 1, quận Bình Thạnh (TP.HCM), vào rạng sáng cùng ngày, khiến 3 người rơi xuống sông.

Theo nội dung từ tài khoản Chinh Hòa Tri đăng trên Facebook, cô gái 17 tuổi theo dõi bạn trai đang chở một cô gái khác. Khi đến cầu Bình Triệu 1 thì cô gái la lớn rồi chạy xe tông vào xe bạn trai. Vụ việc khiến cả ba người bị văng xuống sông.

Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và khẳng định bài đăng trên không đúng sự thật. Theo vị này, vụ việc tối qua trên cầu Bình Triệu 1 là tai nạn giao thông.

Khoảng 1h cùng ngày, một người lái xe máy đi ngược chiều trên cầu Bình Triệu 1 rồi xảy ra va chạm với xe tải. Tai nạn khiến người đi xe máy tử vong tại bệnh viện.

Theo GiaDinh