Tình huống lạ: Hàng Úc - Mỹ rẻ chưa từng có, đồ Trung Quốc giá cao vẫn đắt hàng

Nhiều loại trái cây ngoại được bán với giá rẻ chưa từng có. Trong khi đó, nhiều loại trái cây Trung Quốc giá đắt đỏ mà dân Việt vẫn ‘xếp hàng’ mua. Trái cây Việt cần nâng cao chất lượng để cạnh tranh với hàng ngoại trên 'sân nhà'.

Trái cây ngoại giá rẻ bất ngờ

Nhiều người vẫn nghĩ trái cây ngoại là loại hàng hoá cao cấp, đắt đỏ nên hiếm khi mua. Nhưng thực tế hiện nay, trái cây nhập khẩu giá đã giảm hơn trước khá nhiều. Rất nhiều loại trái cây nhập khẩu giá đã hạ về phân khúc bình dân, thậm chí có loại còn siêu rẻ.

Ghi nhận của PV VietNamNet, trái cây nhập khẩu được chất đống trong siêu thị, cửa hàng, tràn ra cả chợ truyền thống và được rao bán la liệt khắp “chợ mạng”. Nhiều loại có giá vô cùng rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng 1kg.

Đơn cử, tại một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội đang có bán 13 loại táo nhập khẩu từ các nước nhưng chỉ 4 loại được niêm yết với giá bán trên 50.000 đồng/kg, còn lại đều có mức giá từ 40.000 đồng đến dưới 50.000 đồng/kg.

Tương tự, kiwi được bán với giá từ 80.000-90.000 đồng/kg tuỳ loại, nho Chile 70.000-80.000 đồng/kg, cam Úc giá 65.000 đồng/kg, cam Ai Cập giá chỉ 50.000 đồng/kg, táo nhập khẩu từ New Zealand, Nam Phi hay Mỹ... giá chỉ dưới 50.000 đồng/kg.

tinh-huong-la-hang-uc-my-re-chua-tung-co-do-trung-quoc-gia-cao-van-dat-hang

Trái cây nhập khẩu giá đã giảm hơn trước khá nhiều (ảnh: Hoàng Hà)


Anh Trần Văn Thái, chủ một cửa hàng trái cây ở Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, có nhiều loại trái cây nhập khẩu giá vẫn khá cao, lên tới trên 200.000 đồng/kg hoặc đắt đỏ hơn. Song cũng có loại giá tương đối rẻ. Thậm chí, so với mặt bằng trái cây Trung Quốc, giá trái cây nhập từ Chile, New Zealand, Nam Phi, Úc, Mỹ,... dịp này còn rẻ hơn.

Do giá rẻ, chất lượng tốt nên trái cây nhập khẩu được nhiều người Việt chuộng mua. Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi tới 884,3 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trái cây Trung Quốc đắt đỏ, dân Việt vẫn ‘xếp hàng’ mua

Từ nhiều năm nay, nhiều loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc đã đổ bộ sang chợ Việt, được bày bán la liệt với mức giá rẻ. Do có giá rẻ, cộng với một số thông tin liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nên nhiều người tiêu dùng Việt tỏ ra e ngại, không muốn mua về ăn. Đây cũng là lý do, cách đây 4-5 năm trở về trước, các loại trái cây Trung Quốc thường được tiểu thương gắn mắc là “đặc sản Việt Nam”, hoặc hàng “nhập khẩu Mỹ”.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường Việt bắt đầu xuất hiện những loại trái cây Trung Quốc được quảng cáo “hàng nội địa”, chất lượng đảm bảo. Kèm theo đó, mức giá bán cũng tương đối cao. Nhiều người hiếu kỳ mua về ăn để trải nghiệm nên những loại trái cây này bất ngờ đắt hàng.

Không chỉ hàng nội địa, từ cuối năm ngoái, trái cây Vip Trung Quốc còn tấn công thị trường Việt. Cũng bởi là hàng Vip nên chúng có giá cao ngất ngưởng. Hiện một thùng đào tiên Bắc Kinh loại Vip 9 quả, trọng lượng 2,7-3kg có giá bán lên tới 480.000 đồng, mua lẻ giá 185.000 đồng/kg. Đào dẹt Trung Quốc giá tới gần 300.000 đồng/kg. Hồng táo Trung Quốc giá 690.000-825.000 đồng/thùng tuỳ loại.

Giá trái cây Trung Quốc hiện tương đối đắt đỏ. Ví như đào mỏ quạ giá từ 60.000-120.000 đồng/kg, hồng táo loại thường 150.000-250.000 đồng/kg, dưa lưới vàng giá 40.000-70.000 đồng/kg, nho Trung Quốc giá từ 60.000-80.000 đồng/kg, lựu 60.000-70.000 đồng/kg…

Với mức giá trên, các đầu mối buôn bán trái cây thừa nhận, hàng Trung Quốc giá còn đắt đỏ hơn mặt bằng trái cây Mỹ, Úc, New Zealand,... có bán trên thị trường hiện nay.

tinh-huong-la-hang-uc-my-re-chua-tung-co-do-trung-quoc-gia-cao-van-dat-hang

Trái cây Trung Quốc có giá khá đắt đỏ.

Điều đáng nói, dù có giá đắt đỏ nhưng nhiều loại trái cây Trung Quốc vẫn được nhiều người tiêu dùng Việt “xếp hàng” chờ mua. Các đầu mối bán trái cây Trung Quốc cao cấp thừa nhận, đào, hồng táo,... được khách Việt khá chuộng ăn. Lượng hàng mà họ bán ra mỗi ngày lên đến đầu tạ, thậm chí gần tấn hàng.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết, lượng trái cây mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc càng ngày càng tăng. Trước kia, hàng Trung Quốc về nước ta là hàng đại trà, thường được bán nhiều ở ngoài chợ với giá rất rẻ. Những năm gần đây, họ bắt đầu nâng chuẩn chất lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ăn ngon, an toàn của người dân trong nước cũng như xuất khẩu.

Hàng nội gặp khó ngay trên “sân nhà”

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng các loại trái cây đều có xu hướng tăng. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc (khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu) giảm tới 34%.

Khi xuất khẩu gặp khó, áp lực tiêu thụ sẽ đổ dồn vào thị trường nội địa. Nhưng việc sản lượng tăng, xuất khẩu giảm, hàng ngoại lại đổ bộ thị trường với khối lượng lớn và giá rẻ khiến trái cây trong nước phải cạnh tranh khốc liệt hơn ngay trên “sân nhà”.

Nửa đầu năm nay, nhiều loại trái cây đến mùa thu hoạch rơi vào tình trạng bế tắc đầu ra, giá rớt thảm. Đơn cử, ở các vựa xoài, giá đồng loạt giảm mạnh. Có thời điểm, xoài Đài Loan còn 500 đồng/kg, xoài Cát Chu còn 8.000-10.000 đồng/kg, giá xoài Úc chỉ 2.000-5.000 đồng/kg.

Tương tự, đầu năm nay, ở các thủ phủ dưa hấu Gia Lai, Phú Yên, Bình Định,... giá dưa xuống đáy, chỉ hơn 2.000 đồng/kg.

Trên thị trường, thanh long, dưa hấu... bán la liệt trên vỉa hè hay “chợ mạng”, giá chỉ từ 4.000-6.000 đồng/kg. Xoài keo vàng, xoài Úc, xoài Đài Loan giá rẻ như rau. Chuối tiêu hồng xuất khẩu được chào bán chỉ 5.000-6.000 đồng/kg, có nơi rao bán chỉ 3.000 đồng/kg.

Hiện nhiều trái cây như bơ, chôm chôm, bưởi,... giá cũng siêu rẻ. Các loại bơ giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, nhãn có nơi bán 99.000 đồng/5kg, thanh long ruột đỏ 10.000 đồng/kg, ổi lê 50.000 đồng/10kg...

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) dẫn thông tin FAO cho hay, nhu cầu tiêu thụ trái cây ở nước ta khoảng 68-70 kg/người/năm. Với dân số hơn 96 triệu người và 15-16 triệu khách du lịch tạo ra sức tiêu thụ rất lớn, các địa phương không nên bỏ qua thị trường tiềm năng này. Song ông cũng nhấn mạnh, ngay cả khi bán ở thị trường nội địa cũng phải nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, như vậy, mới có người mua và cạnh tranh được với trái cây nhập khẩu.

Các chuyên gia trong ngành nhận xét, nhiều đơn vị chỉ chú trọng xuất khẩu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu và ít quan tâm tới thị trường nội địa. Trong khi, trái cây nhập khẩu phong phú về chủng loại, giá cả không đắt hơn nhiều, hình thức lại bắt mắt nên thu hút người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu.

Theo GiaDinh