Tràn lan túi xách gắn mác hàng hiệu: Cần tăng cường kiểm soát xử phạt nghiêm minh

Hiện nay, túi xách gắn mác các thương hiệu nổi tiếng được đăng bán tràn lan trên mạng với giá chỉ từ vài chục nghìn. Để khắc phục tình trạng này, nhà nước phải tăng

Từ lâu, vấn đề hàng giả hàng nhái các thương hiệu lớn trên thế giới đã không còn lạ với thị trường và người tiêu dùng Việt Nam. Nó không chỉ trở thành nỗi lo, sự sợ hãi khi làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn trở thành vấn nạn đe dọa tới cả những người kinh doanh chân chính.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bán hàng online phát triển, ai cũng có thể kinh doanh và buôn bán những mặt hàng mình thích thì vấn đề này lại càng khó kiểm soát hơn.

Túi xách hàng hiệu luôn là đề tài mua sắm hot đối với các chị em. Không chỉ đơn giản là sự quan tâm, nó còn là sản phẩm mua sắm luôn được ưa chuộng dù mức giá lúc nào cũng "trên trời". Với sự đa dạng từ chất lượng, giá bán, kiểu dáng, mẫu mã, thương hiệu đã tạo nên sức hút không bao giờ giảm nhiệt của mặt hàng này.

Nhiều người chia sẻ, túi xách hàng hiệu khẳng định sự chịu chơi, cá tính và cả điều kiện kinh tế của họ nữa. Tuy nhiên, với thu nhập của nhiều chị em hiện nay thì không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để sắm một chiếc túi "đắt xắt ra miếng" hàng hiệu như thế.

Lợi dụng tâm lý trên, nhiều cá nhân, xưởng đã sản xuất các sản phẩm túi xách gắn mác thương hiệu nổi tiếng như Hermès, Dior, LV, HM,... với mức giá rẻ như cho và được bán nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Những sản phẩm này đều được quảng cáo công khai là hàng hiệu, hàng chính hãng.

Thật quá dễ để người tiêu dùng mua được một chiếc túi mà những chủ cửa hàng online gọi là "hàng hiệu". Người dùng chỉ cần lên google search cụm từ "túi hàng hiệu" là sẽ cho ra kết quả cả vài trăm nghìn lựa chọn ngay lập tức.


tran-lan-tui-xach-gan-mac-hang-hieu-can-tang-cuong-kiem-soat-xu-phat-nghiem-minh

 Túi xách gắn mác hàng hiệu được bán tràn lan trên chợ mạng

Đơn cử như thương hiệu Christian Dior, một thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng. Mỗi bộ sưu tập của thương hiệu này luôn có giá trung bình dao động từ 3.000 đến 4.000 USD (tương đương 69 - 100 triệu đồng) cho 1 sản phẩm. Nhưng tại địa chỉ “Kho sỉ” online thì sản phẩm gắn mác thương hiệu này đang được bán với giá chỉ 140 nghìn đồng, với những lời quảng cáo hay và hấp dẫn như: Túi xách Christian Dior đang làm mưa làm gió, họa tiết thổ cẩm, phom cứng cáp siêu đẹp, túi dùng đi làm, đi chơi đều được, chất liệu xịn sò...

Tiếp theo là dòng túi LV Capucines hiện có giá bán từ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng, nhưng trên mạng rao bán mức giá chỉ trên 1 triệu đồng và cũng được quảng cáo túi có 2 lớp lót, chất da giày đẹp, cầm nặng tay.

Hay túi hiệu HM cũng được nhiều cá nhân đăng bán trên mạng xã hội với giá chỉ từ 50 – 180 nghìn đồng/1 túi. Đáng chú ý, dù là một chiếc túi xách được nhái "trắng trợn" giống nhau đến từng chi tiết.

Thế nhưng, khi hàng nhái, hàng “dỏm” xuất hiện tràn lan thì không ít người tiêu dùng cũng chấp nhận mua các loại, từ giá rẻ đến giá cao, miễn sao rẻ hơn nhiều so với giá hàng “xịn”. Tâm lý này ngày càng lan rộng với sự giúp sức của mạng xã hội. 

Th.S Vũ Quốc Chinh, giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), phân tích nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này là từ lòng tham của các nhà sản xuất, đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, khơi gợi tâm lý sử dụng hàng hiệu có giá trị thể hiện cao. Từ đó khiến nhiều người lao theo thị hiếu đám đông, sẵn sàng bỏ qua các giá trị khác mà chỉ đặt nặng giá trị mang tính biểu tượng. Chính những người chấp nhận mua hàng nhái sẽ tự an ủi là sành điệu, thậm chí còn cho mình khôn ngoan khi chỉ bỏ ra một ít tiền những cũng có sản phẩm sử dụng không khác gì hàng hiệu.

Thế nhưng, hàng nhái, hàng “dỏm” công khai và tràn lan trên thị trường sẽ tạo ra hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung. Nó khiến cho các thương hiệu nội địa, nhất là thương hiệu mới không thể lớn mạnh vì không được người tiêu dùng ủng hộ. Điều này cũng ngày càng củng cố thêm sự thống trị của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam. Hơn nữa, người tiêu dùng dần dần không còn khả năng phân biệt và lựa chọn sản phẩm phù hợp hoặc luôn thỏa hiệp với hàng nhái. Nguy hiểm hơn là khiến niềm tin của người tiêu dùng nói chung bị giảm sút và tâm lý nghi ngờ về hàng thật, hàng “dỏm” của nhiều sản phẩm khác nhau cũng gia tăng.

Th.S Vũ Quốc Chinh nhấn mạnh: Để khắc phục tình trạng này, nhà nước phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh và công khai các hoạt động gian dối khi phát hiện, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của cả quốc gia. Đồng thời, các nhà phân phối hàng chính hãng nên thường xuyên truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị sử dụng cũng như có thể phân biệt được hàng nhái để tránh những trường hợp bị nhầm lẫn.

Theo VietQ