Trẻ dễ ngộ độc kim loại do uống thuốc cam

Dù đã nhiều lần các bác sĩ cảnh báo không nên cho trẻ uống thuốc cam tuy nhiên nhiều bà mẹ vẫn mách nhau cho con uống dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Trẻ ngộ độc thuốc cam do cha mẹ thiếu hiểu biết

Thuốc cam là thuốc Đông y gia truyền được các bà mẹ có con nhỏ lười ăn, chậm lớn, hay ốm... mách nhau sử dụng để tăng cường sức khoẻ cho trẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây có hiện tượng trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam. 

Mới đây trên mạng xã hội, một tài khoản có tên Lương H.C đã chia sẻ một lời cảnh báo từ bác sĩ Lê Xuân Trung về việc một em bé đã bị ngộ độc chì do gia đình cho uống thuốc cam.

Theo như chia sẻ của tài khoản này, trước đó cháu bé 14 tháng tuổi có hiện tượng thở khò khè nên gia đình đi mua thuốc cam/sài về nghiền ra cho con uống. Sau khi uống bé có hiện tượng li bì, bỏ bú. Ngay sau đó gia đình đưa cháu bé tới bệnh viện và được chụp XQ.

tre-de-ngo-doc-kim-loai-do-uong-thuoc-cam

Hình ảnh túi thuốc cam/sài được gia đình mua cho bé 14 tháng tuổi uống. Ảnh: facebook H.C 


Cũng theo chia sẻ trên, thuốc và hình ảnh chụp XQ cho thấy cản quang mạnh chứng tỏ trong thuốc có thành phần kim loại. Kết quả, các bác sĩ đã chẩn đoán và xác định là do nhiễm độc kim loại.

Do đó, các mẹ hãy sáng suốt khi nuôi con và tuyệt đối không nên mách nhau uống nọ uống kia mà phải tới bác sĩ thăm khám vì dù cháu bé có được lọc kim loại ra khỏi cơ thể nhưng hậu quả về sau không ai biết được.

Liên quan tới trẻ ngộ độc khi uống thuốc cam, trước đó đã không ít trường hợp bị ngộ độc do sai lầm của cha mẹ. Cụ thể, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã tiếp nhận 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam chữa bệnh.

 Đáng nói, 6 trẻ với những biểu hiện khác nhau nhưng gia đình vốn mặc định thuốc cam là “thần dược” chữa đủ mọi loại bệnh từ kém ăn, tưa lưỡi, viêm loét miệng… nên mua cho trẻ dùng. Kết quả bệnh không khỏi, cân nặng không lên nhưng các bé đều có chung đặc điểm ngộ độc chì phải nhập viện cấp cứu.

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé Nguyễn Phan Bảo N (7 tháng tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài.

Theo lời kể của người nhà, trước đó 2 tuần, bé bị viêm loét miệng, bà nội nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống.

Sau 7 ngày dùng thuốc cam bé xuất hiện nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị.

Sau đó bé được chuyển tiếp lên khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả, nồng độ chì trong máu lên đến 384.2 microgam/dL (mức cho phép là >10 microgram/dL).

Thông tin về bệnh nhi, các bác sĩ cho biết, bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng phải truyền máu.

Dù bệnh nhi đã ổn định nhưng những di chứng mà ngộ độc chì để lại rất khó đánh giá, do bệnh nhi còn quá nhỏ. Các di chứng cảnh báo đó là ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động IQ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện.

Ngộ độc chì từ thuốc cam nguy hiểm thế nào?

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây tổn thương trên nhiều cơ quan như thần kinh, huyết học, gan, thận, dạ dày, đường ruột, tim mạch…

Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này sẽ được hấp thu vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể đặc biệt là xương, chì từ xương sau đó sẽ giải phóng từ từ vào máu gây ngộ độc kéo dài.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng ngộ độc chì đến từ môi trường ô nhiễm, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, hoặc sử dụng đồ chơi bằng nhựa có sơn chì. Tuy nhiên, thời gian qua, các ca ngộ độc chì do thuốc cam rất phổ biến.

Thuốc cam là một loại thuốc Đông y có thành phần từ rất nhiều những cây thuốc Nam và dược liệu kết hợp, từ xưa đã được các bà các mẹ tin là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân hoặc dùng để chữa các bệnh lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy...cho trẻ em. 

Tuy nhiên, ở những loại thuốc cam không rõ nguồn gốc có thể nhiễm chì, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc cam bừa bãi. Bởi một khi bị nhiễm độc chì gây ra rất nhiều nguy cơ cho trẻ, thậm chí gây tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh; di chứng tới não; thậm chí là tử vong.

Trước mức độ nguy hiểm của việc ngộ độc chì, trước đó, Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Ở trẻ em ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ.

Trong khi đó, hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề. Nguy hiểm hơn chính là phần lớn các trẻ nhiễm chì không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ để lại di chứng nặng về thể chất lẫn tâm thần. 

Theo VietQ