Triệu phú Bitcoin tuyệt vọng vì quên mật khẩu ví điện tử

Nhiều nhà đầu tư đang có trong tay số Bitcoin trị giá hàng trăm triệu USD nhưng quên mật khẩu ví điện tử, do đó không thể bán số tài sản khổng lồ này.

Theo New York Times, Stefan Thomas - một lập trình viên người Đức sống tại San Francisco (Mỹ) - chỉ còn hai lần để nhập chính xác mật khẩu ví điện tử chứa số Bitcoin trị giá khoảng 220 triệu USD.

Mật khẩu này được sử dụng để mở khóa một ổ cứng (IronKey), trong đó chứa các mã khóa cá nhân của chiếc ví điện tử có chứa khoảng 7.002 Bitcoin. Vấn đề là Thomas đã đánh mất tờ giấy ghi mật khẩu IronKey từ nhiều năm trước. Người dùng chỉ được phép nhập mã sai 9 lần. Đến lần thứ 10, tài khoản sẽ bị khóa.

Sau 8 lần thử sai, Thomas lo sợ khả năng sẽ mất đi tài khoản này mãi mãi. “Tôi chỉ nằm trên giường và nghĩ về mật khẩu. Tôi suy đi nghĩ lại nhưng vẫn không nhớ ra cụm từ chính xác. Tôi thực sự tuyệt vọng”, Thomas kể.

trieu-phu-bitcoin-tuyet-vong-vi-quen-mat-khau-vi-dien-tu

Stefan Thomas tiếc nuối vì quên mật khẩu ví chứa Bitcoin. Ảnh: NYT.

Ngồi trên đống vàng nhưng không thể giàu có


Trải qua 8 tháng đầy biến động, Bitcoin trở thành "mỏ vàng" khổng lồ với nhiều nhà đầu tư, vào đúng lúc dịch Covid-19 làm suy yếu nền kinh tế thế giới. Mặc dù giá Bitcoin đã giảm mạnh trong đầu tuần này (11/1), đồng tiền mã hóa này vẫn tăng hơn 50% so với tháng trước và đang dao động ở mức 33.000 USD/đồng.

Khác với những loại tài sản truyền thống khác, Bitcoin - đúng như một tài sản điện tử - cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chẳng may quên mật khẩu ví. Giống như Thomas, những người này chỉ có thể đứng nhìn tài sản của mình tăng giá một cách bất lực mà không thể bán chúng để kiếm hàng trăm triệu USD tiền mặt.

Trong số 18,5 triệu đồng Bitcoin hiện có trên thị trường, khoảng 20% - trị giá khoảng 140 tỷ USD - đang nằm trong các tài khoản bị hack hoặc quên mật mã, theo dữ liệu từ công ty Chainalysis.

Một số tổ chức làm dịch vụ khôi phục ví hay tìm lại mật khẩu cho biết họ nhận được khoảng 70 yêu cầu mỗi ngày từ những người chơi Bitcoin khi giá của đồng tiền này bất ngờ tăng 2-3 lần so với một tháng trước.

Những chủ sở hữu Bitcoin bị khóa ví nói về sự thất vọng ngày đêm vô hạn khi họ cố gắng tiếp cận với khối tài sản khổng lồ của mình. Nhiều người đã sở hữu Bitcoin kể từ những ngày đầu của đồng tiền mã hóa này một thập kỷ trước, khi không ai tin rằng chúng có giá trị.

Brad Yasar, một doanh nhân ở Los Angeles (Mỹ), sở hữu hàng nghìn Bitcoin. Nắm trong tay khối tài sản trị giá hàng trăm triệu USD, nhưng Yasar hoàn toàn bất lực do làm mất mật khẩu ví điện tử từ nhiều năm trước. “Những gì tôi có ngày hôm nay chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì đã mất”, anh than thở.

trieu-phu-bitcoin-tuyet-vong-vi-quen-mat-khau-vi-dien-tu

Giá Bitcoin đang ở mức 33.000 USD/đồng. Ảnh: Coindesk.

Thomas và Yasar chỉ là hai trong số rất nhiều người chơi Bitcoin lâm vào thế "ngồi trên đống vàng" nhưng không thể làm giàu khi đánh mất mật khẩu. Dĩ nhiên, Bitcoin là một tài sản điện tử, nó khác biệt so với các loại tài sản khác và cũng tiềm ẩn những rủi ro đặc biệt.

Đối với các tài khoản ngân hàng truyền thống và ví điện tử thông thường, người dùng vẫn có thể lấy lại tài khoản hoặc khôi phục mật khẩu đã mất. Còn Bitcoin thì không. Không một tổ chức nào cung cấp hay lưu trữ mật khẩu của người dùng.

Cha đẻ của Bitcoin, được biết đến với cái tên Satoshi Nakamoto, là người đàn ông bí ẩn phát minh ra đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới vào năm 2008. Theo người này, ý tưởng của Bitcoin là cho phép bất kỳ ai trên thế giới đều có thể mở tài khoản ngân hàng kỹ thuật số và giữ tài sản theo cách mà không chính phủ nào có thể ngăn cản hoặc quản lý.

Cấu trúc đặc biệt

Điều này có thể thực hiện nhờ cấu trúc của Bitcoin, được quản lý bởi một mạng lưới máy tính đồng hoạt động dựa trên các quy tắc riêng của tiền điện tử. Phần mềm chứa nhiều thuật toán giúp người chơi có thể tự tạo một tài khoản cá nhân, và chỉ có họ mới biết được thông tin này.

Mạng lưới Bitcoin có thể xác nhận độ chính xác của mật khẩu và cho phép nhà đầu tư thực hiện các lệnh giao dịch mà không phải lưu trữ các thông tin cá nhân. Do đó, người dùng được phép tạo ví Bitcoin mà không cần phải đăng ký với một tổ chức tài chính hoặc thông qua bất kỳ bước xác nhận danh tính nào.

Chính lỗ hổng này đã khiến thị trường Bitcoin trở thành vùng hoạt động của giới tội phạm. Chúng có thể sở hữu tiền mà không cần lộ danh tính. Nhưng lỗ hổng nghiêm trọng hơn - đến từ hệ thống lỏng lẻo của Bitcoin - là người chơi sẽ mất trắng nếu chẳng may làm mất mật khẩu.

Diogo Monica là nhà đồng sáng lập của một công ty khởi nghiệp có tên Anchorage, chuyên xử lý các vấn đề về bảo mật tiền điện tử. “Ngay cả những nhà đầu tư sành sỏi cũng gặp khó”, ông nói. Anchorage được ông thành lập vào năm 2017, sau khi giúp một quỹ đầu cơ lấy lại quyền truy cập vào ví điện tử Bitcoin.

Trở lại với câu chuyện của Thomas. Là dân công nghệ, anh bị thu hút bởi Bitcoin một phần do đồng tiền này không bị chính phủ kiểm soát. Năm 2011, khi đang sinh sống tại Thụy Sĩ, anh được một người tặng hơn 7.000 Bitcoin. Cùng năm đó, Thomas làm mất mật mã đăng nhập vào ví.

trieu-phu-bitcoin-tuyet-vong-vi-quen-mat-khau-vi-dien-tu

Thị trường tiền mã hóa hiện có quy mô lên tới 1.000 tỷ USD. Ảnh: Currency.com.

“Tôi nhận ra rằng tốt nhất là nên giữ tiền trong ngân hàng. Có vấn đề gì thì họ sẽ giải quyết cho bạn”, Thomas ngậm ngùi. Cũng như Thomas, nhiều tín đồ tiền điện tử thường xuyên gặp vấn đề về bảo mật tài khoản. Tuy nhiên, họ lại chọn cách xử lý khác: Thuê công ty bên ngoài nắm giữ Bitcoin nhằm lưu trữ tài khoản của họ.

Tuy vậy, đây không phải là biện pháp hoàn hảo trong thế giới tiền mã hóa. Ngay cả một số sàn giao dịch lớn như Mt. Gox cũng từng bị hack tài khoản. Gabriel Abed, 34 tuổi, một doanh nhân đến từ Barbados, mất khoảng 800 Bitcoin - hiện trị giá khoảng 25 triệu USD - khi một đồng nghiệp của anh cài đặt lại laptop có chứa mật mã ví Bitcoin vào năm 2011.

Đối với trường hợp của Abed và Thomas, tổn thất đến từ việc quên mật khẩu một phần đã được đánh đổi bằng khoản lãi lớn. Khoảng 800 Bitcoin mà Abed làm mất vào năm 2011 chỉ là một phần nhỏ trong số các mã mà ông đã giao dịch từ thời điểm đó. Hiện tại, người đàn ông này đã có tiền mua một khu đất hơn 25 triệu USD ở Barbados.

Còn Thomas cho biết mình đang cố gắng tích lũy và cẩn thận hơn để thu lời từ Bitcoin. Năm 2012, Thomas gia nhập một công ty khởi nghiệp tiền điện tử Ripple. Và đồng tiền này cũng đã tăng giá.

Theo Zing