Từ hôm nay, cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện cần điều kiện gì?

Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập).

- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (khi được UBND cấp huyện ủy quyền theo quy định).

- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

- Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế.


- Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân.

- Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, so với hiện hành, đã bổ sung thêm trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được kêu gọi quyên góp từ thiện.

Cũng theo Nghị định 93/2021, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).

Nghị định còn quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/12/2021 và thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008.

Theo GiaDinh