Từ trường hợp trẻ 3 tuổi bị đ.ột qu.ỵ, đây là những dấu hiệu cha mẹ không nên bỏ qua

Đưa con vào viện trong tình trạng đau đầu, bố mẹ bé đã ngỡ ngàng khi biết con bị đột quỵ. Thông thường mọi người vẫn nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, thế nhưng các chuyên gia cho rằng, đột quỵ ở trẻ em không phải hiếm và rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp. Vậy dấu hiệu nào để cha mẹ không bỏ qua?.

Ngỡ ngàng khi con 3 tuổi bị đột quỵ

Mới đây, bé trai 3 tuổi ở Vĩnh Long bị đột quỵ xuất huyết não được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cứu sống đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là các gia đình đang có con nhỏ.

Trước đó, bệnh nhi này đang chơi với bạn đột ngột bị ngã, co giật, bất tỉnh. Khi được gia đình đưa vào viện, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não.

Từ trường hợp trẻ 3 tuổi bị đột quỵ, đây là những dấu hiệu cha mẹ không nên bỏ qua - Ảnh 2.

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ

Theo ghi nhận của bệnh viện, trước đây đơn vị này cũng đã điều trị thành công cho bé 3 tuổi ở An Giang vào viện trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người.

Sau khi tiến hành chụp MRI, bác sĩ phát hiện bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Nhận tin con bị đột quỵ, gia đình đã rất bất ngờ.


Ngay sau đó, bệnh nhi đã được bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới. May mắn được phát hiện, can thiệp kịp thời nên bé chỉ bị di chứng nhẹ chức năng ngôn ngữ, vận động.

Theo PGS Nguyễn Huy Thắng - Hội Đột quỵ TP.HCM, phần lớn đột quỵ mọi người vẫn nghĩ chỉ xảy ra ở người lớn nhưng trẻ em không phải không gặp.

Với người lớn đột quỵ hay liên quan tới lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, tuổi tác nhưng ở trẻ em có thiên hướng do bệnh lý bẩm sinh, nhiều trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Bởi vậy mà đa phần bệnh nhi phát hiện đã quá trễ giờ vàng để việc điều trị hiệu quả hơn. Điều đáng nói là di chứng đột quỵ ở trẻ rất nặng nề.

Một thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) cho thấy, tỷ lệ tử vong ở trẻ bị đột quỵ là 10%, có tới 40% bệnh nhân gặp di chứng thần kinh dù may mắn sống sót. Lứa tuổi thường gặp đột quỵ là 5 – 10 và 10-20% trẻ bị tai biến mạch máu não có nguy cơ tái phát.

Dấu hiệu nào đưa trẻ đi viện?

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – nguyên bác sĩ BV 103 cho rằng, đột quỵ ở trẻ em rất dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác như động kinh, viêm màng não, chứng đau nửa đầu… bởi dấu hiệu không điển hình. Nhóm trẻ từ 4 tuổi trở lên có biểu hiện giống người lớn như đau đầu đột ngột, dữ dội, nôn, méo miệng, yếu liệt nửa người…

Có những gia đình vì không nhận biết được mà nghĩ những biểu hiện này là trẻ bị trúng gió nên tự cấp cứu bệnh nhân bằng cách cạo gió, lấy kim châm đầu ngón tay… Điều này làm mất đi thời gian vàng sơ cứu cho trẻ là 3 – 6 giờ.

Các chuyên gia khuyến cáo, thông thường đột quỵ ở trẻ nhỏ thường do dị dạng mạch máu não nhưng để phòng bệnh, việc cha mẹ tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý để trẻ có sức đề kháng cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ.

Cha mẹ nên tạo cho con thói quen ăn nhạt để tránh bị tăng huyết áp khi lớn hơn. Việc để trẻ ăn quá nhiều chất béo và khẩu phần ăn này được lặp đi lặp lại hằng ngày dẫn tới béo phì cũng gây ra các bệnh như cao huyết áp, tăng lipid máu và tiểu đường. Các bệnh này nguy cơ cao dẫn tới đột quỵ.

Ngoài ra, các gia đình cần tạo thói quen khám định kỳ. Việc khám định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, phát hiện các dị dạng mạch máu não bằng cách chụp MRI não và mạch não để tầm soát…

Cha mẹ càng cần phải quan tâm hơn khi trẻ có dấu hiệu đau đầu liên tục, co giật, động kinh… Khi có các biểu hiện lạ này, cha mẹ nhanh chóng gọi trung tâm cấp cứu 115 hoặc đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất; Cho trẻ nằm thẳng, không cho ăn uống gì.

Nguy cơ tái phát đột quỵ ở trẻ nhỏ có thể gặp phải sau điều trị nên cha mẹ cần phòng ngừa tái phát bằng cách tìm nguyên nhân, yếu tố nguy cơ điều trị bệnh nền.

Hiện nay việc điều trị đột quỵ đã có nhiều tiến bộ mang lại hiệu quả cao nhưng đòi hỏi phải đưa đến cơ sở y tế sớm. Việc mất đi thời gian vàng, di chứng đột quỵ càng nặng nề hơn. Đột quỵ ở trẻ em điều trị cũng bao gồm dùng thuốc ngăn ngừa cục máu đông, can thiệp nội mạch và phẫu thuật.

Phương Thuận

Theo GiaDinh