Từ vụ 42 người một xã ở Phú Thọ phát hiện nhiễm HIV: Làm gì nếu nghi ngờ phơi nhiễm HIV?

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân nhiễm HIV không có triệu chứng rõ ràng, sau vài tuần thì có sốt phát ban, nổi hạch, đau mỏi người chỉ như triệu chứng của cảm cúm thông thường. Vậy khi nghi ngờ phơi nhiễm HIV, cần phải làm gì để không quá hoang mang lo lắng và có hướng phòng ngừa, điều trị đúng đắn.

 Một bệnh nhân nhiễm HIV vừa được phát hiện tại xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ. Ảnh: V.T

Một bệnh nhân nhiễm HIV vừa được phát hiện tại xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ. Ảnh: V.T

“Ổ dịch tiềm tàng”

Trên cả nước, Phú Thọ xếp thứ 21/63 về số người nhiễm HIV còn sống với hơn 4.300 người nhiễm và hơn 1.500 ca tử vong. Huyện Tân Sơn của tỉnh này xếp thứ 5/13. Dù có số người nhiễm HIV cao, nhưng xã Kim Thượng chưa phải là “cá biệt” khi tại huyện Tân Sơn có 3 xã có số nhiễm HIV tương đồng nhau: Xã Minh Đài (46 người), xã Mỹ Thuận (31 người). Trên cả nước, có 60 xã có trên 50 người nhiễm HIV còn sống. Xã cao nhất là ở huyện Mường Lay (tỉnh Điện Biên) có 142 người nhiễm HIV.

TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, xã Kim Thượng với số người nhiễm HIV cao như vậy là một "ổ dịch tiềm tàng" và là cảnh báo cho cộng đồng, các xã khác. Theo ông, điều nguy hiểm nhất với dịch HIV là có bệnh nhân, có dịch mà không biết, khi đã không biết có người mắc bệnh thì nó sẽ lây lan rất mạnh.

Với xã Kim Thượng, có nhiều vấn đề về mặt dịch tễ khá “lạ”, cần phải chú ý, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu để báo cáo rõ thêm.

Ví dụ, người nhiễm HIV ở Kim Thượng chiếm phần lớn là phụ nữ. Về độ tuổi của những bệnh nhân nhiễm HIV ở xã Kim Thượng, có những cháu còn rất nhỏ và có cả cụ 80 tuổi.


“Chúng tôi đã ghi nhận trường hợp một cháu bé 18 tháng tuổi nhiễm HIV dù mẹ bé không hề nhiễm, chứng tỏ nhiễm qua đường máu. Cạnh nhà cháu bé có hai vợ chồng bị nhiễm HIV, bị bệnh vảy nến nhưng không biết mình nhiễm", TS Hoàng Đình Cảnh nói. Bên cạnh đó, lại có người nhiễm HIV trao đổi với các chuyên gia từ Bộ Y tế cho rằng, có thể họ bị nhiễm HIV trong thời gian đi làm dưới Hà Nội. Một người khác khẳng định không phải nhiễm HIV do tiêm, truyền từ nhà một y sĩ trên địa bàn như đồn thổi…

Cơ quan chức năng cho biết, hiện chưa thể khẳng định nguồn lây chủ yếu gây ra việc 42 người tại xã Kim Thượng nhiễm HIV. Theo ý kiến của PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), việc lây truyền HIV qua kim tiêm cho hàng loạt người như vậy là rất khó có thể xảy ra. Xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được.

“Do đó, thông tin về y sĩ dùng chung một kim tiêm để tiêm cho người dân trong nhiều tuần, nhiều tháng liền khiến lây truyền HIV là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Việc một ai đó dương tính với HIV là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu có các nguy cơ không an toàn, không thể đổ lỗi cho nhân viên y tế khi chưa có kết luận chính thức, gây hoang mang trong dư luận. Cần phải có điều tra, nghiên cứu, xét nghiệm bằng 3 phương pháp mới có thể khẳng định được”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, trong thực hành y tế hiện nay, bơm kim tiêm là loại sử dụng một lần, sau khi dùng sẽ đậy nắp kim tiêm và được xử lý theo quy trình xử lý vật sắc nhọn của Bộ Y tế. Bơm kim tiêm cũng là vật dụng khá phổ biến, rất sẵn trên thị trường và giá thành rất rẻ. “Do đó, theo tôi, việc lây truyền HIV qua dùng chung bơm kim tiêm là rất khó, việc lây đồng loạt cho nhiều người lại là điều càng khó xảy ra”, PGS.TS Đỗ Duy Cường phân tích.

Bên cạnh đó, nhiều người trong số 42 ca phát hiện nhiễm HIV ở Kim Thượng đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà hoàn toàn không biết, chứng tỏ họ đã nhiễm HIV từ rất nhiều năm về trước. “Bệnh HIV để chuyển sang giai đoạn AIDS phải qua thời gian rất dài từ 5-10 năm. Chắc chắn không thể chỉ mất vài tháng mà bệnh nhân HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS được”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

Xử trí khi nghi ngờ phơi nhiễm HIV thế nào?

Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân nhiễm HIV không có triệu chứng rõ ràng, sau vài tuần thì có sốt phát ban, nổi hạch, đau mỏi người chỉ như triệu chứng của cảm cúm thông thường. Cho dù có xét nghiệm HIV vẫn cho ra âm tính.

Nhưng đây là "giai đoạn cửa sổ", cần hết sức thận trọng, xét nghiệm âm tính chưa chắc đã không nhiễm HIV, mà phải theo dõi tiếp sau 3 tháng mới có thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân nhiễm HIV hay không. Phải sau 5-10 năm mới chuyển sang giai đoạn AIDS, lúc này người bệnh có các triệu chứng rõ rệt như: Sụt cân, sốt kéo dài, tiêu chảy….

Vậy khi nghi ngờ phơi nhiễm HIV, cần xử trí như thế nào? TS Hoàng Đình Cảnh khuyến cáo, nếu chẳng may bị vật sắc nhọn, bơm kim tiêm có nghi ngờ phơi nhiễm HIV thì người dân cần bình tĩnh, xử lý vết thương tại chỗ. Nếu tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước.

Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần.

Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, thầy thuốc tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần. “Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo điều trị sau phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt. Tối ưu nhất trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm”, TS Hoàng Đình Cảnh nói. Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cũng được khuyến khích và khuyến cáo dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để phòng bệnh HIV, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể và dịch sinh dục là nguyên tắc chủ đạo trong dự phòng lây nhiễm HIV. Khi phải tiếp xúc với máu, dịch tiết hoặc dịch sinh dục, cần áp dụng các biện pháp dự phòng như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, sử dụng vật ngăn cách như kính bảo hộ, găng tay, áo choàng khi chăm sóc, ngâm tất cả các đồ dùng có dính máu, dịch cơ thể trong dung dịch nước sát trùng trước khi xử lý là các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV có hiệu quả.

Với người nhiễm HIV, theo quy định, họ cần phải được bảo vệ danh tính tránh hoang mang, lo sợ; đồng thời tránh sự kỳ thị của xã hội. Hiện nay căn bệnh này cũng nên được coi là bệnh mạn tính thông thường, vì người nhiễm HIV hoàn toàn sinh sống, hoạt động như người bình thường nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Sau 30 năm, hiện người nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam vẫn khỏe mạnh, có chất lượng cuộc sống tốt là minh chứng rõ ràng nhất.

Võ Thu

Theo GiaDinh