Từ vụ nữ sinh An Giang t.ự t.ử vì bị kỷ luật: Nhà trường được áp dụng các hình thức kỷ luật nào với học sinh?

Liên tiếp trong thời gian qua, trong ngành giáo dục đã xảy ra các vụ việc học sinh vi phạm và bị nhà trường kỷ luật với những hình thức gây tranh cãi.​

Nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) tự tử trong nhà vệ sinh trường học, để lại lá thư tuyệt mệnh nói rằng bị kỷ luật oan ức. Trước đó, Trường THPT Vĩnh Xương đã thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020 - 2021, trong đó, em N.T.N.Y đã mắc một số sai phạm.

Tuy nhiên, Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình. Vì vậy em Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1/12 đến 12/12. Ngoài ra, em Y. cũng đã bị nhà trường nêu tên dưới cờ trước toàn trường.

Ngoài vụ việc nêu trên, dư luận cũng hết sức quan tâm đến trường hợp hai nam sinh lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2, TPHCM có hành vi quay lén nhà vệ sinh nữ đã bị đình chỉ học tập 1 năm học. 

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến khác nhau và cho rằng kỷ luật này không phù hợp, trường đã giảm đình chỉ học tập xuống còn 2 tuần, các em chịu nhận hình thức bổ sung là hạnh kiểm yếu trong học kỳ 1 năm học 2020 - 2021.

tu-vu-nu-sinh-an-giang-tu-tu-vi-bi-ky-luat-nha-truong-duoc-ap-dung-cac-hinh-thuc-ky-luat-nao-voi-hoc-sinh

Nữ sinh N.T.N.Y (Trường THPT Vĩnh Xương, An Giang) nằm điều trị tại bệnh viện.

Câu chuyện kỷ luật với 2 trường hợp nói trên đã gây nhiều tranh cãi, nhất là trong bối cảnh những quy định mới đã được áp dụng, hoặc đang quá trình hoàn thiện để ban hành quy định mới. 

Cụ thể, mới đây, Bộ GD&ĐT đã hoàn tất thời gian lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.


Theo Dự thảo, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khác (khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm). Trong đó, bãi bỏ quy định nêu tên học sinh vi phạm kỷ luật dưới cờ.

Nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật ở An Giang: Hình thức kỷ luật “bêu tên”, cấm túc học sinh đã không còn phù hợp

Trong khi quy định về kỷ luật học sinh chưa được ban hành. Các trường trung học vẫn có thể bám sát các quy định hiện hành để áp dụng hình thức kỷ luật học sinh.

Cụ thể, theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có quy định những hành vi học sinh không được làm, và các hình thức kỷ luật học sinh.

Các hành vi học sinh trung học không được làm bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.

Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo GiaDinh