Tuyển sinh ĐH, CĐ 2019: Thí sinh "rối" trước hàng loạt tiêu chí "lạ" và khó

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 dù còn khoảng 5 tháng nữa mới diễn ra, song việc dự kiến áp dụng một số điểm mới trong quy chế tuyển sinh, cộng với việc hàng loạt trường công bố bổ sung tiêu chí xét tuyển khiến thí sinh vừa ôn, vừa lo.

tuyen-sinh-dh-cd-2019-thi-sinh-roi-truoc-hang-loat-tieu-chi-la-va-kho

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 dự kiến sẽ có nhiều thay đổi so với năm trước. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều bổ sung, điều chỉnh

Thời điểm này các thí sinh của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang tập trung cho việc học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi, song thông tin về tuyển sinh đại học 2019 liên tục “nóng”, nhất là thời điểm ra Tết.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2019 với một số điểm mới cho ngành Y khoa và Sư phạm (lấy ý kiến đến ngày 24/2/2019), trong đó quy định nếu tuyển sinh dựa theo kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia thì sẽ do Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Ngoài ra, đối với các ngành đạo tạo giáo viên, sức khỏe còn có thêm các điều kiện học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc khá trở lên (một số ngành).

Năm nay, tuyển sinh trường công an, quân sự nới các tiêu chuẩn xét tuyển so với năm trước. Cụ thể, Cục Đào tạo (Bộ Công an) đã vừa có thông báo một số nội dung triển khai công tác tuyển sinh đại học, trung cấp hệ chính quy năm 2019. Năm nay, chỉ số BMI (cân nặng chia bình phương chiều cao) của thí sinh được quy định phải đạt từ 17.9 (đối với nam) và 18.02 (đối với nữ) đến dưới 30 (đối với cả nam và nữ).

Ngoài ra, các thí sinh đăng ký vào trường công an phải đạt tiêu chuẩn học lực loại trung bình trở lên các năm THPT, riêng môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 7 điểm trở lên.


Bộ Quốc phòng cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội. Năm nay, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển; nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành. Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT…

Vừa ôn thi, vừa lo lắng trước hàng loạt thay đổi trong tuyển sinh đại học năm nay, thí sinh Nguyễn Văn Nam (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Em có mong muốn dự thi vào trường công an hoặc quân đội, nhưng chỉ được đăng ký một nên cũng do dự trong lựa chọn. Ngoài ra, các tiêu chí năm nay nới cao về sức khỏe, đặc biệt là môn xét tuyển phải đạt 7.0 trở lên ở các trường công an cũng là một tiêu chí khó, ít thí sinh đạt được. So với các năm trước, năm nay dự thi vào các trường công an, quân đội hoặc các trường “tốp trên” em nghĩ là sẽ khó hơn hẳn”.

Những tiêu chí “nghặt nghèo”

Đối với các trường đại học, trong phạm vi tự chủ của mình, nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh năm 2019, với nhiều tiêu chí riêng, thậm chí gây tranh cãi. Tiêu biểu như, áp dụng tiêu chuẩn nữ cao 1,50m, nam 1,55m trở lên mới được xét tuyển vào Sư phạm năm 2019 của ĐH Sư phạm TP HCM, quy định này gây tranh luận vì nhiều người cho rằng “chân ngắn” sẽ không được làm giáo viên? Trước nhiều ý kiến trái chiều, mạnh mẽ, thậm chí gay gắt của dư luận, ĐH Sư phạm TP HCM đã gỡ tiêu chí chiều cao khỏi đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019.

Còn tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, phương án dự kiến xét tuyển đại học năm 2019 dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia và kết quả theo học bạ. Theo đó, trong tổng chỉ tiêu năm 2019 của nhà trường chỉ xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ 2017 đến 2019. Ngoài ra, những thí sinh dự tuyển có cơ hội vào trường phải có hạnh kiểm xếp loại khá trở lên trong 3 năm THPT và có tổng điểm trung bình 3 môn trong 6 học kỳ thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 trở lên.

Theo kế hoạch Trường ĐH Hoa Sen vừa công bố, năm 2019 trường dự kiến tổ chức tuyển sinh bằng cách xét tuyển đối với tất cả các ngành, bậc đại học hệ chính quy theo 4 phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức đáng chú ý đó là trường dành 10% chỉ tiêu để xét tuyển trên các điều kiện theo yêu cầu của trường. Cụ thể, thí sinh phải đạt điểm thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức từ 6.0 điểm trở lên (thang điểm 10.0). Có các văn bằng, chứng chỉ quốc tế ở các lĩnh vực tùy theo từng ngành học. Đạt các giải thưởng cao trong học tập ở bậc phổ thông…

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc điều chỉnh, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học là cần thiết để khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện hơn trong công tác tuyển sinh. Các trường được tự chủ trong tuyển sinh nên mỗi trường có những phương án phù hợp với đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, các tiêu chí xét tuyển không nên máy móc mà bỏ qua những thí sinh giỏi và có đam mê thực sự.

Ví dụ như, xây dựng tiêu chí chiều cao của một trường sư phạm dù cần thiết về chiều cao để không “lọt thỏm” giữa các sinh viên hay học sinh THPT, song cần xét đến các trường hợp đặc biệt nào đó, hoặc chuyên ngành nào đó không cần thiết về chiều cao”.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2019 do Bộ GD&ĐT vừa công bố có nêu rõ: Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia thì phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển…

Theo GiaDinh