Ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, thanh toán BHYT: Tăng hài lòng người bệnh, giúp nhân viên y tế giảm tải

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT góp phần quan trọng để cải cách thủ tục hành chính, tăng sự hài lòng người bệnh.

ung-dung-cntt-trong-kham-chua-benh-thanh-toan-bhyt-tang-hai-long-nguoi-benh-giup-nhan-vien-y-te-giam-tai

Hướng dẫn thủ tục thanh toán BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ảnh: V.Thu

Cải cách thủ tục hành chính

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt bệnh nhân tới khám. Để thuận lợi cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi và các thủ tục hành chính phức tạp, bệnh viện đã kết nối đồng bộ tất cả các quy trình từ tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, thanh toán viện phí bằng công nghệ thông tin (CNTT).

Theo BS Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, việc triển khai ứng dụng CNTT và bệnh án điện tử giúp các bác sĩ dễ dàng nắm bắt toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh như thế nào đều được hệ thống cảnh báo. Bệnh nhân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đến khám, sử dụng thẻ BHYT cũng minh bạch hơn. Mặt khác, bác sĩ ra y lệnh và kê thuốc trên máy tính bảng nên không có tình trạng bệnh nhân không thể đọc được chữ bác sĩ; bệnh viện không mất nhiều diện tích để lưu trữ hồ sơ bệnh án…

Còn tại Bệnh viện K, một trong những bệnh viện có lượng bệnh nhân khám, điều trị nội trú lớn (xấp xỉ 5.000-6.000 người/ngày), việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh BHYT đem lại lợi ích lớn không chỉ cho bệnh nhân mà cả nhân viên y tế. Trước đây, nhân viên y tế mất nhiều thời gian cho việc lưu hồ sơ bệnh án, người bệnh đến thăm khám, điều trị chờ đợi rất lâu để làm thủ tục, nhập sổ, đặc biệt là thanh toán phải xếp hàng dài chờ đợi.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, bệnh viện đã triển khai hàng loạt các giải pháp như: Cập nhật bộ mã danh mục dùng chung phục vụ cho việc quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; Thực hiện việc gửi dữ liệu điện tử khám chữa bệnh và dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT theo Thông tư 48/2017/TT-BYT; Triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm đồng bộ hệ thống quản lý chẩn đoán hình ảnh, hệ thống xét nghiệm tại 3 cơ sở để thanh toán BHYT… Nhờ đó, người bệnh khá hài lòng, thủ tục hành chính gọn nhẹ, giảm thời gian chờ đợi và thanh toán viện phí, lấy thuốc BHYT nhanh gọn. Đổi mới quy trình khám chữa bệnh BHYT cũng giúp cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện giảm tải áp lực công việc hơn.


Tại TPHCM, việc ứng dụng CNTT những năm gần đây năng động hơn bao giờ hết. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho hay ứng dụng CNTT xuyên suốt các hoạt động là thế mạnh quản trị của bệnh viện. Bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử, kios điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt… được Bệnh viện này áp dụng triệt để. Còn ở Bệnh viện quận Thủ Đức, nơi được mệnh danh "hiện tượng y tế", lãnh đạo bệnh viện từng bước số hoá toàn bộ hoạt động, bao gồm các hoạt động khám chữa bệnh, thanh toán BHYT.

100% bệnh viện ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh

Sau 3 năm Bộ Y tế triển khai ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh và BHYT tại các cơ sở y tế, nhiều bệnh viện trên cả nước đã triển khai nghiêm túc và thu được kết quả đáng ghi nhận. Phần mềm luôn cập nhật các văn bản hướng dẫn hiện hành, văn bản mới về chi phí khám chữa bệnh, danh mục kỹ thuật được áp dụng BHYT, giúp nhân viên y tế dễ dàng trong việc chỉ định y khoa, hạn chế rủi ro do bị xuất toán từ BHYT.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), cho biết hiện nay 100% bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm; 86,2% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành như văn bản điện tử, thư điện tử.

Còn theo cơ quan BHXH Việt Nam, đến nay, đã có hơn 97% số cơ sở y tế kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh với BHXH Việt Nam. Việc liên thông dữ liệu cho phép đánh giá tình hình sử dụng dịch vụ y tế trên toàn quốc và kiểm soát việc cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh, bảo đảm quỹ của người tham gia BHYT được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh BHYT bằng CNTT được xác định là giải pháp quan trọng để các bệnh viện đáp ứng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh. Tháng 11/2019, phần mềm tổng hợp kết quả của hệ thống ki-ốt khảo sát không hài lòng người bệnh tại khoa Khám bệnh của các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế TPHCM cho thấy, trong tháng 10/2019, số lượt ý kiến không hài lòng giảm từ 12% ở tất cả các hạng mục khảo sát so với tháng trước đó. Trong đó, nội dung "Khâu mua thuốc, cấp phát thuốc bảo hiểm y tế" (giảm 22,85%), "Chỗ ngồi chờ khám, chờ xét nghiệm" (giảm 20,75%)… là 2 trong 4 nội dung giảm rõ rệt tỷ lệ bệnh nhân không hài lòng. Trên bình diện cả nước, tỷ lệ bệnh nhân và người nhà hài lòng tăng đáng kể qua từng năm.

Nhằm tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh BHYT, tháng 3/2019, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 227/KH-BYT về việc Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT năm 2019. Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BYT về việc tăng cường phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Trong Chỉ thị, cùng với nhiều nội dung khác, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đặc biệt chú trọng đến việc chỉ định dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng lạm dụng chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chẩn đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm được chi trả với giá dịch vụ cao hơn.

Ngoài ra, kiểm tra, giám sát công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh, để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT…

Theo GiaDinh