Vấn nạn lúa giống giả: Lúa thịt "hô biến" thành lúa giống (Bài 1)

Vì sao gạo Việt Nam luôn khó tiếp cận thị trường khó tính? Vì sao việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam lại chậm chạp đến thế? Một trong những nguyên nhân là do chất lượng hạt giống đang có nhiều vấn đề phải bàn, trong đó có vấn nạn lúa giống giả.

Theo các chuyên gia về giống cây trồng, vấn nạn thương lái mang hạt lúa “thịt” (lúa thực phẩm) đóng bao để lừa bán cho nông dân ở nhiều tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long làm lúa giống đã nở rộ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt vẫn còn lỏng lẻo khiến thực trạng này mãi không giảm nhiệt.

Đau đầu vấn nạn lúa giống giả

Mới đây, tại xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) đã phát hiện cửa hàng vật tư nông nghiệp Thúy Ngân có hành vi buôn bán lúa giống Đài thơm 8 và thơm RVT giả nhãn mác bao bì của SSC.

Ngay khi phát hiện vụ việc, đại diện SSC đã liên hệ với Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh Bạc Liêu tiến hành kiểm tra và ghi nhận tại đại lý này có 104 bao giống lúa RVT và 43 bao giống lúa Đài thơm giả nhãn mác bao bì của SSC. Tổng khối lượng hạt giống lúa giả này là 5.880kg, được chủ đại lý khai báo dùng để bán cho nông dân trồng lúa với giá chỉ… 16.000 đồng/kg.

<img alt="van-nan-lua-giong-gia-lua-thit-ho-bien-thanh-lua-giong-bai-1" ho="" bien"="" thanh="" lua="" giong="" (bai="" 1)="" hinh="" anh="" 1"="" title="Vấn nạn lúa giống giả: Lúa thịt " hô="" biến"="" thành="" lúa="" giống="" (bài="" hình="" ảnh="" data-cke-saved-src="http://baoventd.org/websites/images/baoventd/2019-07/van-nan-lua-giong-gia-lua-thit-ho-bien-thanh-lua-giong-bai-1-1.jpg" src="http://baoventd.org/websites/images/baoventd/2019-07/van-nan-lua-giong-gia-lua-thit-ho-bien-thanh-lua-giong-bai-1-1.jpg" style="width: 600px;">

 Một số vụ vi phạm về hạt giống lúa giả ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 và nửa đầu năm 2019.  (ảnh: P.V)


Ông Nguyễn Văn Nguyên - cán bộ thị trường của SSC cho biết: “Sau khi phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu tiến hành niêm phong gần 6 tấn lúa giống giả trên. Tuy nhiên, phía đại lý phân phối này chỉ khai nhận nguồn hàng từ Sóc Trăng chuyển về, mà không nói lấy từ ai. Hiện Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu đang làm việc với đại lý và sẽ thông tin chi tiết về vụ việc với SSC”.

Cũng theo ông Nguyên, dù nhãn mác trên bao bì của các bao lúa giống giả này lấy tên SSC, nhưng có những đặc điểm khác biệt, nếu nông dân trồng lúa tinh ý sẽ phát hiện được, chẳng hạn như kích thước bao giống ngắn hơn, đậm màu hơn so với bao lúa giống thật của SSC, không có địa chỉ công ty, tên giống thơm RVT và Đài thơm 8 in tay thủ công, không có hàng chữ sản phẩm độc quyền, logo mầm xanh màu đỏ, không có ngày sản xuất…

Vào cuối tháng 4, SSC cũng có đơn gửi Sở NNPTNT tỉnh Long An và Công an tỉnh này kiến nghị xử lý cơ sở sản xuất lúa giống Tấn Lộc (ấp 2, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) về việc cơ sở này kinh doanh giống lúa Đài thơm 8 giả.

Ông Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng Giám đốc SSC cho biết: “Giống lúa Đài thơm 8 do SSC nghiên cứu lai tạo, sau đó được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới theo Quyết định số 38/QĐ-TT-VPBH ngày 3/3/2017, sau đó là Bộ NNPTNT công nhận giống cây trồng mới theo Quyết định số 1345/QĐ-BNN-TT ngày 11/4/2017. Do đó, hành vi của cơ sở sản xuất lúa giống Tấn Lộc là vi phạm khoản 1 Điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ”.

“SSC đã có văn bản đề nghị Sở NNPTNT tỉnh Long An và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh này kịp thời xử lý đơn vị xâm phạm để kịp thời bảo vệ quyền lợi người nông dân, cũng như uy tín của SSC” - ông Phong chia sẻ.

Cũng theo ông Phong, hồi cuối năm 2018, SSC liên tục phát hiện các trường hợp kinh doanh lúa giống giả nhãn mác, vi phạm bản quyền các giống Đài thơm 8, thơm RVT với quy mô lớn ở các tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau…

Theo đó, thông thường các đại lý sẽ mua lúa “thịt” ngoài thị trường với giá từ 5.000 - 6.500 đồng/kg, chỉ cần qua vài thủ thuật làm giả bao bì đã “nâng cấp” thành các giống lúa xác nhận và bán ra thị trường với giá từ 13.000 - 22.000 đồng/kg.

Nông dân… đứng mũi chịu sào

Theo các chuyên gia, việc nông dân bị lừa mua phải lúa “thịt” (lúa thực phẩm) làm giống gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết, khi trồng bằng lúa “thịt”, lúa trổ chậm, không đều, thời gian kéo dài (khoảng 15 ngày), tỷ lệ đóng hạt trên bông thưa (càng nhiều “đời” càng thưa) khiến năng suất giảm. Sau khi thu hoạch, lúa bị lẫn, bị phân ly nhiều tầng (2 - 3 tầng)… khiến sản phẩm bị thương lái ép giá.

Chưa kể nếu nông dân đã hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khi hạt lúa bị phân ly nhiều tầng, chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ không thu mua. 

SSC hay bị các đơn vị làm giả giống lúa Đài thơm 8. Tuy nhiên, tôi khẳng định SSC chỉ cung ứng ra thị trường giống lúa xác nhận Đài thơm 8 (được sản xuất từ giống nguyên chủng), chứ không bán giống nguyên chủng”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng Giám đốc SSC

Về tình trạng gạo bị pha tạp khiến việc xuất khẩu gạo khó khăn, đình trệ, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An chia sẻ: “Nông dân trồng lúa không đảm bảo chất lượng giống khiến sản phẩm bị pha tạp. Khi đó, buộc lòng chúng tôi phải ngừng thu mua vì chi phí cho việc tách màu, đánh bóng… sẽ đội lên nhiều. Vì vậy, khi làm hợp đồng với nông dân, chúng tôi luôn kèm theo điều kiện phải sản xuất theo đúng giống lúa có giấy kiểm định chất lượng và đúng mã số lô giống trên bao bì”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng Giám đốc SSC thông tin: “SSC hay bị các đơn vị làm giả giống lúa Đài thơm 8. Nhưng, tôi khẳng định SSC chỉ cung ứng ra thị trường giống lúa xác nhận Đài thơm 8 (được sản xuất từ giống nguyên chủng), chứ không bán giống nguyên chủng. Nhiều đơn vị còn “nổ” là bán giống lúa nguyên chủng của SSC. Tôi khẳng định tất cả đều là giả mạo”.

Cũng theo ông Hoàng Anh, đã đến lúc người nông dân phải tự bảo vệ mình bằng cách mua giống lúa của những đơn vị uy tín, được đảm bảo chất lượng, không nên nghe lời thương lái mua lúa giống trôi nổi trên thị trường, vì có thể  khi canh tác sẽ không hiệu quả…

Theo DanViet