Vì sao bão số 13 tăng thêm 2 cấp và suy yếu khi vào bờ?

Bão số 13 tăng thêm 2 cấp trong đêm 13-11, nhưng khi đi vào đất liền thì "sẽ suy yếu rõ rệt hơn khi áp sát bờ so với bão số 9", theo các chuyên gia. Vì sao?

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Bão số 13 được cho là sẽ suy yếu khi vào bờ

Sáng 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có công điện chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13.

Cần thiết sẽ cưỡng chế để bảo đảm an toàn cho dân

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 13 hiện nay mạnh hơn so với dự báo trước đây, lúc 10h sáng nay sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Hiện bão đang cách Đà Nẵng khoảng 290km, Thừa Thiên Huế khoảng 380km, Quảng Trị khoảng 435km. Dự báo trong đêm nay và sáng mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

"Bão số 13 là cơn bão rất mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ hôm nay đến ngày 15-11" - công điện nêu rõ.


Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão.

Đối với khu vực trên biển, tiếp tục rà soát, yêu cầu tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn, rà soát, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển, kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Đối với trên đất liền và các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ:- Tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cột tháp cao,... hạn chế thiệt hại do bão.

Khẩn trương sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm (trong các nhà không an toàn, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét,...) đến nơi an toàn, triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ, tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.

Đảo Lý Sơn: Gió giựt cấp 12

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Gió bão tại Lý Sơn đang rất mạnh - Ảnh: VĂN MỊNH

Từ 13h đến chiều 14-11 gió bão ở Lý Sơn đạt cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 5-7 mét, nhiều khu vực như cảng Lý Sơn, Hang Cò thôn tây, An Hải sóng biển phủ trắng tràn kè bê tông uy hiếp các hộ dân sống ven biển.

Gió to sóng lớn được cho là có khả năng ảnh hưởng đến hàng trăm tàu cá nhỏ bị sóng biển đánh chìm đang neo đậu tại vũng neo trú tàu thuyền An Vĩnh và An Hải. 

Tuy chưa vào bờ nhưng hiện bão số 13 đã có cường độ mạnh và được nhận định không thua gì cơn bão số 9 vừa qua, bởi vùng ảnh hưởng rộng, nguy cơ gây thiệt hại lớn. 

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, huyện Lý Sơn đã di dời xong gần 300 hộ dân với gần 1.000 người nằm trong vùng xung yếu về nơi tránh trú an toàn trước khi mưa bộ đổ bộ vào với sức gió cấp 12 giật cấp 13-14 dự kiến vào đêm nay. 

Hà Tĩnh lệnh sơ tán hơn 4.100 người dân

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Hai cụ già ở một điểm sơ tán tránh bão ở Hà Tĩnh - Ảnh: DOÃN HÒA

Chiều 14-11, ông Nguyễn Hoài Sơn - chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh - đã ban hành lệnh sơ tán 4.130 người ra khỏi vùng nguy hiểm để ứng phó với bão số 13.

Các xã, phường phải sơ tán người dân ở Kỳ Ninh, Kỳ Nam, Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Trinh, Kỳ Hoa, Kỳ Long, Kỳ Thịnh và phường Hưng Trí.Đây là những hộ dân ở vùng ven biển, gần khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở cao. Người dân sẽ được sơ tán đến các công sở, trường học để đảm bảo an toàn trong thời gian bão số 13 đổ bộ.

Thực hiện lệnh cấm biển từ 17h chiều 13-11, hơn 1.380 tàu, thuyền của ngư dân đã được đưa về nơi tránh trú an toàn.

Quảng Nam cho học sinh nghỉ học

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Sóng biển Cửa Đại rất cao - Ảnh: LÊ TRUNG

Sáng 14-11, ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết vừa có công văn gửi Sở GD-ĐT, các địa phương về việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học để phòng, tránh cơn bão số 13.

Theo đó, trước diễn biến hết sức phức tạp của bão số 13 (Vamco) đã đi vào Biển Đông hôm nay và có khả năng đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam với gió rất mạnh, mưa to, UBND tỉnh yêu cầu tất cả trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học vào chiều 14-11.

Tùy theo tình hình thực tế, giám đốc Sở GD-ĐT, giám đốc Sở LĐ-TB&XH, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên tiếp tục được nghỉ hay đi học trở lại theo thẩm quyền.

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Người dân Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam được lực lượng chức năng đưa đến nơi an toàn - Ảnh: THÀNH TRUNG

Trong khi đó, 300 hộ dân hai thôn Long Thạnh Tây và Xuân Mỹ, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã được đưa đến nơi an toàn để tránh trú bão.

Dân Đà Nẵng hối hả lấy bao cát chèn mái nhà

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Người dân Đà Nẵng chèn thêm bao cát trên mái nhà trước giờ bão Vamco đổ bộ vào đất liền - Ảnh: TẤN LỰC

Tại bãi biển Nguyễn Tất Thành, quận Liên Chiểu, từ sáng sớm, các gia đình và các công ty đã mang bao đến xúc cát mang về chèn chống nhà cửa, công trình.

Hầu như ai cũng đã chèn mái nhà bằng bao cát, bao nước khi cơn bão số 9 đổ bộ vừa qua nhưng nhiều gia đình vẫn không an tâm, mang thêm bao cát về gia cố nhà cửa.

Dạo một vòng quanh TP, Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhiều người dân Đà Nẵng đang tất bật chèn chống, gia cố nhà cửa trước giờ bão đổ bộ.

Hiện trời Đà Nẵng đã chuyển mây và bắt đầu có gió giật nhẹ từng đợt.

Thừa Thiên - Huế di dời dân ven biển

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Chị Hồ Thị Cẩm cùng cậu con trai 4 tháng tuổi tại khu vực tránh trú tập trung ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Chị Cẩm nói rằng đây là lần thứ 4 chị cùng con chạy bão lũ trong hơn 1 tháng nay - Ảnh: NHẬT LINH

Sáng 14-11, tại khu vực xã ven biển Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), lực lượng chức năng đã di dời hơn 600 người dân đến các điểm tránh, trú bão an toàn.

Dọn vội bữa cơm ra giữa hiên nhà, anh Huỳnh Lưu (52 tuổi, trú xã Phú Thuận) thúc dục vợ cùng hai con ăn thật nhanh để còn kịp đi tránh bão. 2 chiếc ba lô to đùng cũng được gia đình anh Lưu đưa ra trước hiên nhà để kịp ăn xong là đi ngày.

"Lần này là lần thứ 4 cả nhà tui phải chạy bão. Bão cứ vào liên tục thế này ngư dân chúng tôi khổ quá, không làm ăn gì được" - anh Lưu nói.

Tuy nhiên, hiện một số người dân ở gần vùng sạt lở bờ biển xã Phú Thuận vẫn chưa thực hiện di dời đến nơi an toàn, lực lượng công an xã đã phải thực hiện cưỡng chế.

Đến 10h sáng, ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền mưa bắt đầu lớn dần. Công tác chằng néo nhà cửa cơ bản hoàn thành do các hộ dân đã thực hiện từ nhiều cơn bảo trước.

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến 10h cùng ngày cơ bản hoàn thành việc neo đậu tàu thuyền.

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Ảnh: Xe tải chở xe máy, người qua điểm ngập dù cơ quan chức năng đã đặt biển cấm qua nguy hiểm. Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Đến 13h, khu vực ven biển Thừa Thiên Huế bắt đầu có mưa lớn. Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch nối TP Huế đi huyện Quảng Điền, Hương Trà đã ngập sâu. Quốc lộ 49B từ Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) đi xã biển Hải Dương (thị xã Hương Trà) đã ngập sâu, cơ quan chức năng đã đặt barem cảnh báo nguy hiểm, cấm ô tô xe máy di chuyển qua vùng lũ. 

Tuy nhiên nhiều xe tải bất chấp nguy hiểm vẫn chuyên chở xe máy, người qua điểm ngập

Quảng Bình: Toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Toàn bộ tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình đã vào nơi trú ẩn an toàn từ sáng 14-11 - Ảnh: QUỐC NAM

Đến 10h trưa 14-11, trời Quảng Bình đã bắt đầu tối dần. Một vài khu vực ven biển đã có mưa nhẹ. Toàn bộ hơn 6.700 tàu thuyền (gồm cả tàu cá nội tỉnh, tàu cá các tỉnh bạn, tàu hàng) đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Tại âu thuyền Cừa Phú, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), từ chiều 13 đến sáng 14-11, gần 500 tàu thuyển các loại của ngư dân đã vào neo đậu an toàn.

Theo Ban phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Bình, việc kêu gọi tàu thuyền vào trú bão được tỉnh này thực hiện sớm nhất và đã hoàn thành. Các tàu cá của ngư dân ở mạn phía bắc sẽ vào trú tại âu thuyền tại xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch). Phía nam sẽ về âu thuyền xã Bảo Ninh.

"Riêng việc di dời dân ở các vùng xung yếu, tỉnh sẽ thực hiện phương án tại chỗ và buộc các địa phương thực hiện xong trước 16h ngày 14-11", ông Trần Phong, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói.

Bão số 13 sẽ suy yếu khi vào bờ

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

Tàu thuyền vào trú bão ở Quảng Bình - Ảnh: QUỐC NAM

Lý giải về việc bão tăng 2 cấp trong đêm 13-11, ông Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo Số trị Viễn thám, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, theo số liệu quan trắc các điều kiện về nhiệt bề mặt biển, thông lượng nhiệt không thay đổi nhiều nhưng do dòng ra trên cao mạnh lên khiến cho kích cỡ bão nhỏ lại tạo điều kiện tiềm năng cho bão nhỏ lại với cường độ mạnh lên (theo bảo toàn năng lượng và động lượng - bão đang to thu nhỏ lại thì gió phải mạnh lên). 

Về diễn biến tiếp theo của bão, ông Tiến cho biết, lúc này bão đã bắt đầu đi vào khu vực vùng biển lạnh, có dấu hiệu tương tác với không khí lạnh nên bão số 13 có khả năng bắt đầu suy giảm về cường độ trong 3-6 giờ tới. 

"Dự báo, khi bão tiến gần hơn vào đất liền và các đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm.Các tàu thuyền ở ven bờ, trong các khu neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14" - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, trong đó vùng trọng tâm là Quảng Bình đến Quảng Nam. 

Từ trưa 14-11, trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12. 

Từ chiều 14-11 đến ngày 16-11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm, ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm/đợt. 

"Như vậy, tất cả các hoạt động trên đất liền và ven biển sẽ có nguy có rất cao chịu ảnh hưởng của mưa bão và gió mạnh từ trưa và chiều ngày hôm nay" - ông Tiến lưu ý.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cường độ bão số 13 tương đương với cơn bão số 9 (bão Molave) - cơn bão gây ra gió mạnh nhất trong 20 năm cho vùng ven biển và đất liền miền Trung. 

"Dự báo, bão số 13 sẽ suy yếu rõ rệt hơn khi áp sát bờ so với bão số 9. Khả năng bão số 13 sẽ gây gió mạnh trong đất liền và ven biển miền Trung là thấp hơn so với bão số 9 vì không khí lạnh sẽ tác động tới bão số 13 nhiều hơn" - ông Lâm nhận định.

Báo cáo từ Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng thường trực miền Trung Tây nguyên đóng tại TP Đà Nẵng trưa 14-11 cho hay các tỉnh thành từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân khi bão đổ bộ. 

Tổng số dân dự kiến sơ tán 86.775 hộ với 467.603 người (Quảng Bình có 20.290 hộ với 76.069 người; Quảng Trị là 24.827 hộ với 94.689 người; Thừa Thiên Huế có 20.005 hộ với 67.674 người; TP Đà Nẵng có 19.215 hộ với 72.316 người; Quảng Nam có 149.715 người; Quảng Ngãi có 2.438 hộ với 7.320 người). 

Đến 21h hôm qua 13-11 các tỉnh đã sơ tán 910 hộ với 3.244 người và đang tiếp tục công tác sơ tán dân hoàn thành trước khi bão vào.

vi-sao-bao-so-13-tang-them-2-cap-va-suy-yeu-khi-vao-bo

trưa 14-11 đường ven biển Đà Nẵng vắng phương tiện, sóng biển đã bắt đầu mạnh lên. Ảnh: V.HÙNG

Đối với tàu cá, theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện với 289.062 người, trong đó neo đậu tại các bến 55.820 phương tiện với 262.849 người, hoạt động tại các khu vực khác 3.932 phương tiện với 26.213 người. 

Hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm. Đã cảnh báo, di dời người ở 150.609 lồng, bè (các địa phương có số lượng lớn như Thanh Hóa 13.000, TT Huế 6.350, Bình Định 4.591, Phú Yên 120.618).

Theo Tuoitre