Vì sao hầu hết tân giám đốc công an không phải người địa phương?

Sau khi thực hiện thành công Đề án 106 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, Bộ Công an tiếp tục luân chuyển, điều động hàng loạt giám đốc công an tỉnh.

6 tháng đầu năm, hàng loạt giám đốc công an tỉnh và lãnh đạo các cục của Bộ Công an được luân chuyển, điều động. Đáng chú ý, hầu hết giám đốc công an tỉnh được luân chuyển không phải người địa phương.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, trao đổi với Zing để thông tin chi tiết hơn việc thực hiện chủ trương này.

- Thưa ông, việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm giám đốc công an không phải người địa phương được Bộ Công an thực hiện trên cơ sở nào, đến nay kết quả ra sao?

- Chủ trương này là một trong những công việc tiếp nối nhằm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và 2 nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khoá XII, gồm:

Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công an đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 33 giám đốc công an tỉnh, chưa kể 29 cục trưởng và tương đương. Hầu hết cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm không phải người địa phương.


vi-sao-hau-het-tan-giam-doc-cong-an-khong-phai-nguoi-dia-phuong

Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: CTV.

Với quyết tâm cao, tinh thần chủ động, gương mẫu, đi đầu, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy chính quyền địa phương để triển khai có hiệu quả nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có một số lần ghi nhận Bộ Công an đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị. Đến nay, gần 100% giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương, chỉ có vài trường hợp đặc biệt.

- Vậy bước đầu, Bộ Công an đánh giá, nhìn nhận tác động của việc thực hiện chủ trương giám đốc công an tỉnh không phải là người địa phương như thế nào?

- Tác động tích cực bước đầu thì cấp ủy chính quyền địa phương đã đánh giá rồi.

Qua tất cả những nơi đã tiến hành đại hội, các giám đốc công an được luân chuyển, điều động theo chủ trương “không phải người địa phương” đều trúng cấp ủy với số phiếu cao và tham gia ban thường vụ.

Kết quả trong công tác giảm tỷ lệ tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng được cải thiện.

Đặc biệt, không chỉ trong 6 tháng qua mà từ khi thực hiện triển khai Đề án 106 về tiếp tục về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều giám đốc công an tỉnh đã được cấp ủy chính quyền địa phương tín nhiệm, quy hoạch vào các vị trí cao hơn như phó bí thư, chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh, trưởng đoàn ĐBQH...

- Việc luân chuyển, điều động giám đốc công an không phải người địa phương có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình thực hiện không, thưa ông?

- Việc điều động, luân chuyển cán bộ trong ngành công an không gặp khó khăn, vướng mắc gì. Bởi với mỗi cán bộ công an thì “quân lệnh như sơn”, điều là đi, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.

Không chỉ có lần này, trước đó trong quá trình thực hiện Đề án 106, nhiều cán bộ lãnh đạo từ cấp tổng cục cũng sẵn sàng nghỉ trước thời hạn để tạo điều kiện Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an triển khai đề án. Lãnh đạo Bộ Công an rất ghi nhận điều này.

Vì với những lãnh đạo đang “quyền cao chức trọng” lại chấp nhận trở về cuộc sống đời thường trước thời hạn là rất đáng biểu dương.

- Với rất nhiều bước đi nhằm thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp bộ máy hiệu lực, hiệu quả, đến nay Bộ Công an đã ghi nhận những kết quả thế nào, thưa ông?

- Chủ trương giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương còn được triển khai xuống cấp dưới theo hướng trưởng công an huyện không phải người địa phương. Đến nay, gần 100% trưởng công an huyện không phải người địa phương, trừ trường hợp có lý do rất đặc biệt.

Ngoài ra, Bộ Công an đã triển khai 100% công an chính quy về cấp xã.

Việc tinh giản đầu mối, giảm cấp trung gian khi thực hiện Đề án 106 cũng giúp giảm nhiều đầu mối và tầng nấc trung gian, giảm số lượng lãnh đạo với khoảng 500-600 người “xuống chức”.

Sau khi triển khai đề án, các cơ quan ở cấp bộ giảm từ 21,11% xuống còn 19,46%. Trong khi đó, công an ở cấp xã, phường lại tăng từ 9,88% lên hơn 18%. Bộ Công an phấn đấu cơ cấu ở cấp bộ chỉ còn 15%, còn 85% ở cấp tỉnh, tức là giảm tỷ lệ bố trí lực lượng ở cấp bộ và tăng tỷ lệ ở cấp dưới.

Đặc biệt, Bộ Công an rất quan tâm đến tỷ lệ nữ lãnh đạo.

Hiện có nhiều phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo cấp cao, trong đó có cả phụ nữ làm giám đốc công an hoặc cục trưởng. Đặc biệt, hiện có 5 nữ sĩ quan cấp tướng, thời gian tới dự kiến có thêm 2-3 đồng chí nữ nữa sẽ được trao quân hàm cấp tướng.

Theo Zing

----

Xem thêm:

+Vàng lập đỉnh mọi thời đại, hơn 50,3 triệu đồng/lượng

+Mất việc do COVID-19 ở TP.HCM: Có thể lên đến nửa triệu người

+Huấn "hoa hồng" bị xử phạt 17,5 triệu vì xuất bản sách "Đệ nhất kiếm tiền"

-----