Vì sao nhờ Honda, Toyota mà đại gia máy nông nghiệp thu ‘khủng’ hơn 3 nghìn tỷ đồng

Nhờ khoản lãi từ các công ty liên kết như Honda, Toyota, Ford Việt Nam mà doanh thu của đại gia máy nông nghiệp VEAM đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), mức doanh thu thuần của công ty đạt 3.363 tỷ đồng, tăng 22,3% so với nửa đầu năm ngoái.

Trong đó, cổ tức nhận từ Công ty Honda Việt Nam trong sáu tháng đầu năm là 2.487 tỷ đồng, tiếp đến là Toyota với 345 tỷ và Ford với 129 tỷ.

Từ trước đến nay, lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ liên doanh trong lĩnh vực ô tô xe máy với các đối tác hàng đầu là Honda, Toyota và Ford Việt Nam.

Vì sao nhờ Honda, Toyota mà đại gia máy nông nghiệp thu ‘khủng’ hơn 3 nghìn tỷ đồng

 Một dòng sản phẩm Kinh doanh của đại gia máy nông nghiệp VEAM.

Lãi gộp bán hàng sụt giảm nhưng kết quả này vẫn giúp lợi nhuận sau thuế của VEAM tăng gần 41% so với cùng kỳ, đạt 3.028 tỷ đồng. Luỹ kế lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối quý II tăng hơn 2.360 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên mức 7.357 tỷ.


Lợi nhuận sau thuế của VEAM đạt 3.308 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ và hoàn thành xấp xỉ 67% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cả năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 3.286 tỷ đồng.

Tính đến hết quý 2 tổng cộng tài sản của VEAM đạt 25.248 tỷ đồng, tăng 1.888 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả giảm 1.080 tỷ đồng, còn 3.708 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 396 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn gần 147 tỷ đồng.

VEAM tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình công ty Mẹ - công ty Con, thuộc Bộ Công thương được thành lập ngày 12 tháng 05 năm 1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ngày 18/01/2017, theo quyết định 4874/QĐ-BCT về việc cổ phần hoá Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, VEAM tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty Cổ phần.

VEAM hiện có 27 đơn vị thành viên bao gồm các công ty con là công ty TNHH Nhà nước một thành viên, các công ty cổ phần, công ty liên kết, các chi nhánh phụ thuộc và 1 viện nghiên cứu.

Các đơn vị thành viên của VEAM với trên 20.000 cán bộ công nhân viên là các công ty sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải. Trong số các đơn vị thành viên còn có 3 công ty chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị đáp ứng nhu cầu của VEAM và các bạn hàng khác.

VEAM là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Mekong Auto, Kumba và VEAM Korea.

VEAM hiện là doanh nghiệp lớn với vốn điều lệ là 13.288 tỷ đồng, có 3 mảng kinh doanh cốt lõi gồm: sản xuất động cơ và máy nông nghiệp; sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất phụ tùng.

VEAM chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 8/2016, Cổ phiếu VEA của VEAM mới lên giao dịch trên sàn Upcom từ ngày 2/7, hiện dao động ở mức 27.900 đồng/cp (tính đến ngày 2/9).

Theo VietQ